Tạp chí Nature vừa công bố Nature's 10, danh sách 10 người góp phần định hình nền khoa học toàn cầu năm 2024, trong đó có TS Anna Abalkina, một "thám tử khoa học" người Nga làm việc ở Đức.
Điều thú vị, nghiên cứu của TS Abalkina từng được sử dụng cho loạt bài trên Báo Thanh Niên. Bà cũng là thành viên nhóm Liêm chính khoa khọc, một diễn đàn mở với mục tiêu góp phần xây dựng cộng đồng khoa học Việt Nam trong sạch và minh bạch hơn.
TS Anna Abalkina được Tạp chí Nature tôn vinh trong danh sách 10 người góp phần định hình nền khoa học toàn cầu năm 2024
ẢNH: CHỤP TÀI LIỆU
Vạch trần gian lận
Theo Tạp chí Nature, TS Anna Abalkina được tôn vinh bởi thành tựu "vạch trần gian lận" (fraud buster). Bà là người có rất nhiều đóng góp nổi bật trong việc đảm bảo liêm chính khoa học và làm trong sạch kho tài liệu học thuật, với tác động lớn ở phạm vi toàn cầu. Sự nghiệp "thám tử khoa học" đầu tiên của TS Anna Abalkina đánh dấu bằng việc phát hiện 2 bài báo của chính bà bị đạo văn năm 2010.
Sau đó, bà tham gia mạng lưới Dissernet gồm nhiều học giả và nhà báo để kiểm tra đạo văn trong các luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ tại Nga. Hoạt động của Dissernet đã khiến hàng trăm bằng thạc sĩ và tiến sĩ bị thu hồi, trong đó có bằng cấp của hàng loạt chính trị gia cao cấp ở Nga.
TS Abalkina còn phát hiện rất nhiều tạp chí lừa đảo, giả mạo (hijacked journals) xâm nhập cơ sở dữ liệu Scopus. Nghiên cứu của TS Abalkina về tạp chí giả mạo đã giúp Scopus xóa bỏ liên kết đến các trang web lừa đảo hồi cuối năm ngoái.
Bà cũng đã vạch trần nhiều công xưởng sản xuất và bán bài báo rởm (paper mills), điển hình là International Publisher có trụ sở tại Nga. Kết quả điều tra của TS Abalkina đã dẫn đến hàng trăm bài báo rởm bị các tạp chí gỡ bỏ.
Nhờ nghiên cứu của TS Abalkina về các công xưởng bán bài báo rởm cũng như hỗ trợ trực tiếp của bà, TS Dương Tú, người sáng lập nhóm Liêm chính khoa học, đã tìm hiểu và xác định một loạt tác giả Việt Nam được cho là đã mua bài từ công xưởng Nga.
Kết quả điều tra của TS Dương Tú đã được Báo Thanh Niên đăng tải trong loạt 3 bài trên, hồi tháng 11.2022. Đây là những bài viết đầu tiên trên báo chí Việt Nam cung cấp bằng chứng rõ ràng, chi tiết về các khách hàng Việt Nam mua bài từ công xưởng bán bài báo rởm (xem 3 bài báo tại đây: bài 1; bài 2, bài 3).
Top 10 được vinh danh gồm những ai?
Top 10 nhân vật mà Nature vinh danh "góp phần định hình nền khoa học toàn cầu năm 2024", ngoài TS Anna Abalkina còn có:
Nhà vật lý Ekkehard Peik (Viện Đo lường quốc gia Đức), TS Kaitlin Kharas (vừa hoàn thành chương trình tiến sĩ ung thư não nhi khoa tại ĐH Toronto), GS Li Chunlai (nhà địa chất ở Đài quan sát thiên văn quốc gia, Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc), GS Huji Xu (chuyên gia về khớp tại ĐH Y khoa hải quân, Thượng Hải, Trung Quốc), GS Muhammad Yunus (nhà kinh tế học người Bangladesh được giải Nobel hòa bình năm 2006), PGS Placide Mbala (nhà dịch tễ học tại Viện Nghiên cứu y sinh quốc gia, Cộng hòa dân chủ Công gô), bà Cordelia Bähr (luật sư bảo vệ môi trường ở Thụy Sĩ), TS Rémi Lam (chuyên gia về AI tại Google DeepMind), GS Wendy Freedman (nhà thiên văn học tại ĐH Chicago, Mỹ).
Trong số các nhân vật trên, bên cạnh những nhà nghiên cứu có phát kiến khoa học quan trọng, Nature còn vinh danh những người đã góp phần thúc đẩy môi trường khoa học lành mạnh mà TS Abalkina là trường hợp điển hình. Cạnh đó là luật sư Cordelia Bähr, người suốt 8 năm cùng hàng nghìn phụ nữ của Hiệp hội Phụ nữ cao tuổi bảo vệ khí hậu ở Thụy Sĩ đấu tranh chống lại những tác động gây ra bởi biến đổi khí hậu.
Một tấm gương khác là TS Kaitlin Kharas, từ khi còn là một nghiên cứu sinh, đã kế thừa vị trí lãnh đạo phong trào SOS (Hỗ trợ khoa học của chúng ta) đòi hỏi Chính phủ Canada tăng lương cho học viên sau đại học và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ. Nỗ lực của cô cùng với những người ủng hộ trên khắp đất nước đã dẫn đến kết quả lương cho nghiên cứu sinh sau đại học và sau tiến sĩ ở Canada tăng nhiều nhất trong hơn 20 năm.
Nature's 10 là danh sách thường niên của Tạp chí Nature, ra đời từ năm 2011. Danh sách này gồm những nhân vật "có tác động đáng kể đến thế giới, hoặc vị trí của họ trên thế giới có khả năng tác động quan trọng đến khoa học".
TS Abalkina không phải là "thám tử khoa học đầu tiên" được vinh danh trong Nature's 10. Năm 2023, danh sách Nature's 10 vinh danh PGS James Hamlin, người đã vạch trần sự gian lận trong tuyên bố về vật liệu siêu dẫn ở nhiệt độ thường. Năm 2021 có GS Guillaume Cabanac, người nghiên cứu phát triển các thuật toán có khả năng xác định các ấn phẩm khoa học giả mạo. Năm 2017 có GS Jennifer Byrne, người phát hiện gian lận trong nhiều nghiên cứu về di truyền, ung thư.
Điều đó cho thấy, ngoài những nghiên cứu khám phá tri thức mới giúp ích cho nhân loại, cộng đồng khoa học thế giới luôn quan tâm, tôn vinh những cá nhân đã nỗ lực và can đảm góp phần xây dựng môi trường khoa học trong sạch, lành mạnh và liêm chính.
Bình luận (0)