Trong vụ bắt gộp rồi lại cho tách giấy phép lái xe của Bộ GTVT, chưa bàn tới chuyện gộp hay tách tốt hơn, chỉ với việc đưa ra những quyết định tréo ngoe trong một thời gian ngắn, đặc biệt là với một vấn đề ảnh hưởng trên diện rộng đã làm khổ hàng triệu người dân.
Còn nhớ 2 năm trước, Bộ GTVT buộc phải gộp giấy phép lái xe ô tô và gắn máy trong cùng một thẻ nhựa. Lúc đó, dư luận cũng xôn xao, các chuyên gia cũng lên tiếng phân tích về những phát sinh, như sự bất tiện của bằng lái "2 trong 1", đặt ra tình huống bằng "2 trong 1" nhưng vi phạm "1 trong 2" thì xử thế nào, rồi thời hạn 2 bằng khác nhau, tích hợp vào khi 1 bằng hết hạn xử trí ra sao... Đó là chưa kể tới chuyện lãng phí tiền của, thời gian để đổi bằng... Nhưng tất cả các lý lẽ ấy đều bị gạt phăng, bộ đã quyết và người dân phải thực hiện. Thế là cảnh người dân lũ lượt xếp hàng rồng rắn đi đổi bằng lái diễn ra ở khắp nơi trên toàn quốc.
Ấy vậy mà, thời gian cầm chiếc bằng nhựa được ca ngợi là "sử dụng dài hơn, độ bền hơn, tiện lợi hơn, lực lượng tuần tra, kiểm soát phát huy hiệu lực tốt hơn" mới chỉ có 2 năm thì bộ lại đổi ý, cho phép tách riêng bằng lái xe gắn máy và ô tô. Lý lẽ cho tách là "thực hiện theo yêu cầu của người dân, không bắt buộc". Nghe đến đây, không ai nén được tiếng thở dài. Bởi giá mà điều này được nghĩ và thực hiện từ 2 năm trước thì đã không có chuyện ngày hôm nay, không tiếp tục tốn thêm hơn 355 tỉ đồng để thực hiện.
Tương tự, theo luật Căn cước công dân có hiệu lực từ 1.1.2016, công dân VN từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước 12 số. Đây là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ VN.
Điều đáng nói là dù biết trước việc cấp thẻ căn cước nhưng chúng ta vẫn tiến hành đổi CMND từ 9 sang 12 số gây ra bao phiền phức, tốn kém, mất thời gian của dân. Trong khi về cơ bản, chứng minh thư 9 số, 12 số và thẻ căn cước công dân chỉ khác nhau về tên gọi, còn giá trị sử dụng tương đương.
Trên thực tế tồn tại rất nhiều chính sách được đưa ra một cách áp đặt mà không quan tâm đến các ý kiến của đối tượng chịu tác động. Báo cáo nghiên cứu tham vấn công chúng trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật công bố cuối tháng 8.2015 cho thấy, có đến 56% người được hỏi cho biết cơ quan nhà nước không phản hồi hoặc không có ý kiến sau khi tham vấn. Nếu có phản hồi thì chỉ giải trình chung, theo ý muốn chủ quan của cơ quan soạn thảo, không xuất phát từ cơ sở tổng hợp một cách khách quan góp ý của người dân...
Đây là nguyên nhân dẫn tới các chính sách chết non khi không thể áp dụng trong thực tế hoặc phải thay đổi nhanh chóng sau khi đi vào thực hiện, gây lãng phí, bức xúc trong dư luận.
Nếu chính sách cứ thay đổi xoành xoạch, chỉ có người dân là thiệt thòi và mệt mỏi nhất.
Bình luận (0)