Tham vấn cộng đồng cho hạ lưu Mê Kông

10/10/2016 10:00 GMT+7

Một hướng dẫn chung về tham vấn cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường đang được các chuyên gia của Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và VN tích cực triển khai.

Trong hai ngày 5 và 7.10, tại Hà Nội và TP.HCM diễn ra hai buổi hội thảo tham vấn quốc gia, lấy ý kiến cho bản hướng dẫn khu vực về tham vấn cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường ở tiểu vùng sông Mê Kông, gồm các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và VN.
Hàng trăm đại biểu đến từ các doanh nghiệp, viện, trường, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và cơ quan chính phủ cùng tham vấn cho bản dự thảo trên, vốn được thực hiện bởi một nhóm gồm 25 người là đại diện các tổ chức chính phủ, phi chính phủ đến từ 5 quốc gia nằm trong tiểu vùng sông Mê Kông (mỗi quốc gia cử 5 đại diện). Bản hướng dẫn nằm trong khuôn khổ dự án Hợp tác giữa các nước tiểu vùng Mê Kông về bảo vệ môi trường (MPE), do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ.
Ông Craig Hart, quyền Giám đốc USAID VN, cho rằng: “Tham gia của cộng đồng là yếu tố cơ bản quyết định đến chất lượng của việc thực hiện đánh giá tác động môi trường và cũng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Điều này cũng giúp đảm bảo các yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội sẽ được xem xét trong các dự án phát triển, góp phần chia sẻ và hướng tới các giải pháp bền vững”.
Với tham vọng xây dựng một bộ khung hướng dẫn khu vực về tham vấn cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường, bản hướng dẫn nhấn mạnh đến những nguyên tắc chung để tham vấn cộng đồng; quy trình tham vấn; xác định đối tượng được tham vấn; việc thực thi, giám sát sau dự án và đặc biệt là tính pháp lý...

tin liên quan

Thi nhau 'xẻ thịt' dòng Mê Kông
Sông Mê Kông đang bị các nước thượng nguồn thi nhau xẻ thịt, nhưng theo các chuyên gia, VN dường như chưa quan tâm đúng mức tới những hiểm họa không thể lường hết - đặc biệt là khả năng tan rã ĐBSCL.
Minh bạch thông tin
Đánh giá về thực trạng tham vấn cộng đồng hiện nay, TS Vũ Ngọc Long (Viện Hàn lâm khoa học miền Nam) cho biết cộng đồng thường không có thông tin về những tác động của dự án. Ví dụ như các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông ảnh hưởng thế nào đến ĐBSCL hay Biển Hồ (Campuchia)... “Chính vì thế phải có một khung hướng dẫn để tổ chức tham vấn cộng đồng tại chỗ sâu rộng, nghiêm túc. Qua đó truyền tải cho người dân biết những tác động của các dự án có thể ảnh hưởng đến đời sống của họ như thế nào. Người dân phải biết những viễn cảnh của họ, bức tranh xấu nhất là như thế nào, như phải di cư, phải chuyển đổi nghề nghiệp...”, ông Long nói.
Bản hướng dẫn trên hình thành trong bối cảnh khu vực hạ lưu Mê Kông đang trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án cơ sở hạ tầng có nguy cơ tác động tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên, thủy sản, nông nghiệp, văn hóa và y tế cộng đồng.
Bà Lê Hoàng Lan, một trong 25 chuyên gia xây dựng bản dự thảo hướng dẫn, cho biết mục tiêu cao nhất của hướng dẫn là làm sao để người dân các nước tiểu vùng sông Mê Kông được tham gia tham vấn một cách có hiệu quả vào các dự án ngay từ khi đầu tư. Đây là lần đầu tiên một hướng dẫn khu vực về tham vấn cộng đồng, có sự tham gia của các cơ quan chính phủ như Bộ TN-MT, Bộ KH-ĐT cùng ngồi soạn thảo. Vì lẽ đó, hướng dẫn được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề tham gia của cộng đồng trong các dự án xuyên biên giới, để các nước có các dự án có tác động xuyên biên giới phải nghĩ đến các nước khác.
Bà Christy Owen, đại diện cho chương trình Hợp tác giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông về bảo vệ môi trường, cho biết các ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo sẽ góp phần vào nỗ lực chung của rất nhiều bên trong khu vực nhằm giải quyết các vấn đề tác động đến môi trường và xã hội của các dự án trong khu vực như thủy điện, khai thác hầm mỏ, nhà máy điện, khu công nghiệp.
Các hội thảo tham vấn quốc gia sẽ được thực hiện lần lượt ở 5 quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông, đồng thời được đưa lên website mekongcitizen.org/EIA để lấy ý kiến đến hết ngày 31.10.2016. “Dự kiến đến tháng 5 hoặc 6.2017 sẽ hình thành bản hướng dẫn chính thức”, bà Christy Owen cho biết. Sau khi bản hướng dẫn hoàn thành sẽ được gửi đến các cơ quan chính phủ của 5 nước để xem xét hoàn thiện hơn các quy định chính sách hiện nay và đưa vào thực thi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.