Nhà vật lý học Steven Desch và các đồng sự thuộc Đại học tiểu bang Arizona (Mỹ) muốn bù đắp khối lượng biển băng đang hao hụt với tốc độ chóng mặt trong khu vực bằng cách xây dựng hệ thống máy bơm gồm 10 triệu chiếc, chạy bằng năng lượng gió, khắp mặt băng Bắc cực.
Vào mùa đông, mạng lưới này sẽ liên tục bơm nước lên bề mặt băng, và tại đây nước sẽ nhanh chóng hóa rắn, tăng độ dày của băng tầng tại đây. Chuyên gia Desch cho rằng các máy bơm có thể làm dày thêm 1 m cho lớp băng hiện tại. Độ dày chỏm băng tại Bắc cực hiếm khi nào vượt quá 2 - 3 m, trong khi đang hao hụt dần mỗi năm trong bối cảnh hành tinh đầu hàng trước sự thay đổi khí hậu toàn cầu.
“Băng dày hơn có nghĩa là chúng sẽ bám trụ lâu hơn. Từ đó, nguy cơ biển băng hoàn toàn biến mất tại Bắc cực vào mùa hè sẽ được giảm đáng kể”, theo tờ Observer dẫn lời chuyên gia Mỹ. Đội ngũ các nhà nghiên cứu đã trình bày dự án của mình trên tờ Earth’s Future, chuyên san của Hiệp hội Địa lý Mỹ, đồng thời cũng đưa ra mức giá “khủng” nếu thực hiện: 500 tỉ USD. Đây chính là mức phí tổn cần thiết nếu chúng ta muốn ngăn chặn thảm họa đang chực chờ ập xuống Bắc cực.
Các nhà khoa học cho hay tốc độ ấm lên ở Bắc cực đang nhanh gấp 2 lần so với các mô hình khí hậu dùng để dự đoán cách đây vài năm, và cho rằng thỏa thuận tại Paris vào năm 2015 nhằm giới hạn tình trạng ấm lên toàn cầu không đủ sức ngăn chặn băng thất thoát và dẫn đến biến mất hoàn toàn vào mùa hè, có thể vào năm 2030.
tin liên quan
Dự đoán biến đổi khí hậu bằng lõi băng 700.000 năm tuổiMới đây, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu về cực ở Nhật Bản đã khoan sâu vào một mái vòng băng ở phía đông Nam cực để lấy được lõi băng có độ tuổi hơn 700.000 năm, trong đó có khoảng 7 chu kỳ của các sông băng: ấm lên, tan chảy và lại ấm lên.
Những dự án khác thường
“Chiến lược duy nhất mà chúng ta áp dụng hiện nay chính là yêu cầu mọi người ngưng đốt nhiên liệu hóa thạch”, theo ông Desch chỉ ra. Dù công nhận đây là ý tưởng khá hay ho, nhà vật lý học cho rằng cần phải nỗ lực hơn nữa nếu muốn Bắc cực vẫn giữ được lớp băng tầng lâu nay. Viễn cảnh mất đi lớp băng phủ vào mùa hè sẽ phá hoại sự sống trong khu vực, đẩy nhiều giống loài tại đây đến ngưỡng nguy hiểm, từ cá tuyết đến gấu trắng, và hủy hoại hoàn toàn môi trường nguyên sinh từ xưa để lại. Băng biến mất cũng đồng nghĩa với việc tăng tốc quá trình ấm lên toàn cầu do không còn lớp băng làm dội ngược bức xạ mặt trời về hướng không gian, phá vỡ các mô hình khí hậu dọc Bắc bán cầu và làm tan chảy băng tầng vĩnh cửu, thải thêm nhiều khí carbon vào khí quyển.
Đề xuất của ông Desch không phải là dự án duy nhất đang được cân nhắc để cứu lấy Bắc cực. Tờ The Guardian đã dẫn các dự án khác, bao gồm nhuộm trắng khu vực bằng cách rắc các hạt aerosol màu sáng, nhằm phản xạ ánh sáng mặt trời, hoặc phun nước biển vào khí quyển bên trên vùng cực để tạo ra các đám mây tống ngược bức xạ khỏi bề mặt địa cầu.
Điểm chung là mọi kế hoạch đều vô cùng đắt đỏ và mang đầy màu sắc tưởng tượng, phản ánh nỗi quan ngại đặc biệt nghiêm trọng của giới khoa học gia về những gì đang chờ đợi Bắc cực. Giáo sư Julienne Stroevecủa Đại học Cao đẳng London (Anh) thừa nhận tình thế giờ đây còn tồi tệ hơn những viễn cảnh ảm đạm nhất mà giới nghiên cứu có thể nghĩ ra.
Bình luận (0)