Chứng kiến đội tuyển Việt Nam tham dự một kỳ World Cup có thể nói là ước nguyện với hàng triệu người hâm mộ Việt Nam. Tuy nhiên, thực lực của nền bóng đá nước nhà so với mặt bằng chung châu Á còn nhiều hạn chế, nên việc vượt qua vòng loại để có tấm vé thẳng đến World Cup là chặng hành trình đầy chông gai.
Không có cách này thì vẫn còn cách khác, đội tuyển Việt Nam vẫn có vinh dự đó nếu như Việt Nam là quốc gia chủ nhà đăng cai một kỳ World Cup. Ngày 12.4.2023, Tổng cục Thể dục thể thao đã có cuộc họp với đại diện Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), để bàn về kế hoạch cùng các nước Đông Nam Á chạy đua đăng cai World Cup 2034.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Ủy ban Thể dục thể thao (tên gọi cũ của Tổng cục Thể dục thể thao) đưa ra quan điểm tích cực về khả năng Việt Nam đồng đăng cai một kỳ World Cup. Ông nhận định Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến bóng đá. Nếu có thể đưa ra một dự án chi tiết, đầy đủ về công tác tổ chức thì các cấp thẩm quyền có thể sẽ xem xét thận trọng để đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng Việt Nam có thể xem xét đến phương án tổ chức một bảng đấu với sự hỗ trợ đắc lực từ các chuyên gia FIFA, AFC.
Một trong những ưu tiên được đề ra là xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng đúng theo yêu cầu của FIFA. Đây được xem là khâu tối quan trọng. Ngoài ra, các nước đồng đăng cai cũng cần dự trù kinh phí và yêu cầu cao về hạ tầng giao thông.
FIFA đang hướng tới chất lượng chuyên môn của các đội tuyển phải tốt, nên nếu muốn đăng cai World Cup 2034, các nước ASEAN cần phải tạo ra những đội tuyển đủ tốt để so kè được với các ông lớn, trước mắt là trong khuôn khổ châu Á.
Một quốc gia đăng cai sẽ có một suất đặc cách tham dự vòng chung kết World Cup. Ngoài ra, chủ nhà World Cup có thể thông qua việc tổ chức giải đấu để quảng bá hình ảnh đất nước, thúc đẩy kinh tế và kiến tạo công ăn việc làm, mở ra những cơ hội phát triển mới. Nếu đầu tư thông minh và đúng hướng, những giá trị thu về có thể bù đắp được chi phí, hoặc thậm chí là có lời.
Theo tạp chí Forbes, World Cup 2022 tại Qatar là giải đấu đắt đỏ lịch sử, khi quốc gia vùng vịnh chi ra đến hơn 200 tỉ USD.
Với các kỳ World Cup trước, Tập đoàn Truyền thông Nga RBC cho biết World Cup 2018 có kinh phí khoảng 14,2 tỉ USD.
Với World Cup 2014 tại Brazil, báo cáo tài chính từ trang chủ FIFA công bố giải đấu tiêu tốn khoảng 11,6 tỉ USD.
World Cup 2010 là lần đầu tiên giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh được tổ chức đến châu Phi, quốc gia chủ nhà Nam Phi cũng bỏ ra đến hơn 3 tỉ USD, theo ESPN.
Nhìn lại khu vực Đông Nam Á, bài toán để có tổng số tiền đầu tư lên đến hàng chục tỉ đô lại là câu chuyện khác. Cho dù có chia ra nhiều nước ASEAN đồng đăng cai, thì mỗi quốc gia cũng phải "gánh" hàng tỉ đô, và điều này thực sự không đơn giản.
Bình luận (0)