(TNO) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm chính thức Mỹ và gặp Tổng thống Barack Obama vào tháng 9 này. Nhiều người đang đồn đoán liệu 2 bên có tạo ra một kết quả tích cực nào trong bối cảnh vẫn còn nhiều mâu thuẫn chưa được giải quyết.
Trung Quốc có thể không đạt được những gì nước này muốn sau cuộc họp giữa lãnh đạo 2 nước - Ảnh: Reuters
|
Tạp chí Newsweek ngày 13.9 có bài bình luận cho biết đang có nhiều đồn đoán về việc liệu cuộc họp giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình có đưa ra được kết quả quan trọng nào hay không, có thể là về hợp tác chống biến đổi khí hậu, các mối quan hệ quân sự hoặc ít ra là những bước tiến tích cực về một hiệp ước đầu tư song phương.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sẽ không thể đạt được tham vọng của mình vì Mỹ chưa sẵn sàng đáp ứng những mong muốn này.
Đầu tiên là mong muốn sự thừa nhận về một trật tự thế giới mới. Các học giả và quan chức Trung Quốc thường nói về trật tự thế giới mới này. Tuy vậy, vẫn chưa rõ chính xác ý nghĩa của trật tự này, trừ việc những quan chức trên tin rằng Trung Quốc đang đảm nhận một vai trò ngang bằng với Mỹ trong việc cung cấp an ninh và thành lập các chuẩn mực, thể chế quốc tế, trong bối cảnh một thế giới lưỡng cực hoặc đa cực.
Đối với một số người Trung Quốc, trật tự thế giới mới đó phản ánh sáng kiến “một vành đai, một con đường” mà nước này đề xuất nhằm liên kết Trung Quốc với phần còn lại của thế giới bằng hệ thống cơ sở hạ tầng vận tải, công nghệ và năng lượng rộng lớn do Trung Quốc hỗ trợ. Quyền lực mềm của Trung Quốc cũng sẽ gắn liền với con đường này.
Một số khác thì nói rõ hơn về sự quản lý toàn cầu của cấu trúc lưỡng cực, với ý tưởng là Mỹ và Trung Quốc là 2 cường quốc lớn nhất thế giới, dựa trên những khái niệm như G-2, mối quan hệ nước lớn kiểu mới hoặc quan hệ Mỹ - Trung là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Obama dù cho có công nhận vai trò quan trong của Trung Quốc và khẳng định sự hợp tác 2 nước là điều tích cực cho thế giới, nhưng không cho rằng Trung Quốc là nước có thể đứng ngang hàng với Mỹ và có vẻ cũng sẽ không đáp ứng những mục đích trên của Trung Quốc.
Thứ hai là việc Bắc Kinh mong muốn Washington chấp nhận đặc quyền của Trung Quốc trong vấn đề an ninh khu vực. Những thách thức về an ninh tại Biển Đông và biển Hoa Đông là một trong số các vấn đề nổi lên nhanh nhất trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các nhà phân tích an ninh Trung Quốc cho rằng Mỹ không công nhận “những tuyên bố toàn vẹn lãnh thổ hợp pháp” của Trung Quốc; luôn đồng hành cùng các đồng minh và đối tác của Mỹ trong tranh chấp chủ quyền, cho phép "những hành vi nguy hiểm" của các nước đồng minh và đối tác.
Năm 2013, Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông, và sau đó tiến hành bồi đắp phi pháp đảo tại Biển Đông với quy mô và tốc độ lớn. Bắc Kinh tuyên bố rằng những vấn đề trên không phải là chuyện của Mỹ.
Trung Quốc tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông hồi năm 2013 - Ảnh: Reuters
|
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sẽ không đạt được những tham vọng trên sau cuộc họp giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 9 này. Ngược lại, Washington cũng sẽ khó có thể đạt mục tiêu của mình như yêu cầu Bắc Kinh ngừng các cuộc tấn công mạng vào doanh nghiệp và quan chức Mỹ, kêu gọi Trung Quốc thỏa thuận về việc ngừng tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Đến lúc đó, cuộc họp giữa 2 nguyên thủ có thể cũng không hơn gì so với những cuộc họp khác, chỉ đạt một số tiến triển về một vài vấn đề có thể là có ích. Tuy nhiên, với những bất đồng nền tảng về giá trị và quyền lợi của 2 nước hiện nay, những tiến triển đó có thể là một kết quả không tồi và ít ra cũng có người mong đợi.
Bình luận (0)