Tại Công ty công nghệ sinh học và di truyền Colossal Biosciences ở Mỹ, các nhà khoa học đang tìm cách hồi sinh voi ma mút, hổ Tasmania và chim dodo.
Mức độ khả thi của ý định này là khả quan, và công ty nói với báo The Sun rằng có hy vọng chim dodo sẽ trở lại với thế giới vào năm 2028 sau một thời gian dài tuyệt chủng.
Lúc này, các nhà khoa học tiếp tục chú ý loài vật khác trong danh sách này, bao gồm gấu lớn từ Kỷ băng hà và hải ly cao 1,5 m.
Giáo sư Beth Shapiro, Giám đốc khoa học tại Colossal Biosciences, nói rằng có một danh sách "rất dài" những loài vật mà bà muốn hồi sinh. "Tôi muốn nghiên cứu tất cả chúng vì muốn tìm hiểu thêm đặc điểm sinh học của những loài vật này. Có động vật ăn thịt sẽ rất tuyệt", bà nói, The Telegraph đưa tin ngày 5.10.
Một trong những loài vật khiến bà Shapiro chú ý là loài gấu lớn mặt ngắn, được gọi với tên Arctodus, cao 4,2 m, cùng với loài hải ly sống ở Bắc Mỹ, cao khoảng 1,5 m.
Arctodus sống tại Bắc Mỹ vào Kỷ băng hà, cách đây khoảng 2,5 triệu năm, trước khi tuyệt chủng vào khoảng 11.000 năm trước. Các nhà khoa học cho rằng đây là loài sống trên cạn lớn nhất từng tồn tại trên lục địa này. Theo giới chuyên gia, loài gấu trên đã tuyệt chủng có thể do sự sụt giảm của những động vật ăn cỏ lớn khiến Arctodus không thể săn mồi, cùng với đó là sự xuất hiện của con người và loài gấu nâu đã cạnh tranh môi trường sống.
Loài hải ly lớn, với tên gọi Castoroides, cũng sống vào Kỷ băng hà và tuyệt chủng cách đây khoảng 10.000 năm. Phân tích hộp sọ cho thấy loài này có thể bơi dưới nước trong thời gian dài.
Voi ma mút lông xoăn sẽ được hồi sinh?
Bên cạnh mong muốn làm sống lại những loài đã tuyệt chủng, các nhà khoa học còn đặt mục tiêu đưa ra những giải pháp để các loài động vật hiện nay không phải lâm vào cảnh tuyệt chủng.
Hồi đầu năm, nhóm khoa học tại Colossal Biosciences tuyên bố đã tạo thành công tế bào gốc đa năng từ tế bào da voi châu Á, một bước đột phá quan trọng có thể giúp tạo ra tinh trùng và trứng voi, đảm bảo sự sống còn của loài này. Phát hiện trên cũng mở ra cơ hội hồi sinh voi ma mút, vốn chia sẻ 99,5% bộ gien với voi châu Á.
Bình luận (0)