Tham vọng tàu sân bay Thổ Nhĩ Kỳ

12/01/2016 14:00 GMT+7

Thổ Nhĩ Kỳ đang ra sức chuẩn bị cho việc mở rộng tầm hoạt động của quân đội thông qua dự án “tàu sân bay” đa nhiệm với khả năng vận hành xuyên lục địa.

Thổ Nhĩ Kỳ đang ra sức chuẩn bị cho việc mở rộng tầm hoạt động của quân đội thông qua dự án “tàu sân bay” đa nhiệm với khả năng vận hành xuyên lục địa.

Tàu TGC Anadolu được đóng dựa trên thiết kế tàu Juan Carlos I - Ảnh: Hurriyet Daily NewsTàu TGC Anadolu được đóng dựa trên thiết kế tàu Juan Carlos I - Ảnh: Hurriyet Daily News
Chiếc tàu dài 225 m mang tên TGC Anadolu (hoặc TGC Anatolia) dự kiến sẽ gia nhập hải quân Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2021. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tàu được thiết kế để chở theo máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, xe tăng, binh sĩ và xuồng đổ bộ đến các khu vực quanh Địa Trung Hải hoặc xa hơn như Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.
Theo trang tin Daily Beast, dù một số chuyên gia nhận định Ankara cần sở hữu một phương tiện “khủng” như vậy, song có ý kiến cho rằng dự án có chi phí 1 tỉ USD nói trên là một sự phô trương uy thế tốn kém, vượt quá khả năng của đất nước. Tuy nhiên, đó là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO đang nuôi tham vọng trở thành thế lực dẫn đầu tại Trung Đông và xa hơn nữa.
Trong một khu vực bất ổn bởi cuộc xung đột tại Syria, tranh cãi gay gắt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga quanh vụ Ankara bắn hạ một chiếc Su-24 của Moscow hồi tháng 11.2015 cùng sự hiện diện hải quân ngày càng gia tăng của Iran ở phía đông nam đang khiến cho căng thẳng dâng cao.
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia khác trong khu vực cũng chủ trương trang bị “tàu sân bay” là Ai Cập.
Tờ The Wall Street Journal hồi tháng 9.2015 dẫn lời giới chức quốc phòng Pháp đưa tin Ai Cập đồng ý mua 2 tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral với giá 1,06 tỉ USD. Hai chiếc tàu này ban đầu được Pháp đóng cho Nga nhưng Paris cuối cùng quyết định không chuyển giao vì vai trò của Moscow trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Với độ choán nước 16.500 tấn, tàu Mistral được xem như tàu sân bay cỡ nhỏ, do nó có thể chở đến 40 xe tăng, 16 trực thăng tác chiến và 900 binh sĩ.
Nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ Milliyet tuần qua đưa tin việc đóng tàu Anadolu vừa được khởi công tại Nhà máy Sedef ở thành phố Istanbul và đây sẽ là chiến hạm “lớn nhất và được trang bị tốt nhất” của hải quân nước này. Tờ báo dẫn lời ông Orkun Kalkavan, một giám đốc của nhà máy, cho biết tàu có chiều dài 225 m và rộng 32 m. Với độ choán nước 28.000 tấn, nó có khả năng chuyên chở 8 trực thăng chiến đấu, 1 tiểu đoàn bộ binh với 700 binh sĩ cùng 1.400 thành viên thủy thủ đoàn. TGC Anadolu cũng sẽ được trang bị một đường băng nghiêng 12o dành cho máy bay chiến đấu và trực thăng tác chiến. Cũng theo tờ báo, chiến đấu cơ tàng hình Lockheed Martin F-35 Lightning II và máy bay quân sự cánh quạt nghiêng Bell Boeing V-22 Osprey nằm trong số các phương tiện có thể cất cánh từ đường băng của tàu.
Hợp đồng đóng tàu Anadolu đã được ký kết vào tháng 5.2015, cùng với đối tác kỹ thuật là Công ty Navantia của Tây Ban Nha. Tàu được đóng dựa theo thiết kế tàu đổ bộ tấn công Juan Carlos I của Tây Ban Nha. Theo các chuyên gia, trên thực tế Anadolu là tàu đổ bộ nhưng với những khả năng đáng gờm, nó được ví như một tàu sân bay.
Nâng cao vị thế
Trong một bài viết mới đây trên trang blog Bosphorus Naval News, ông Devrim Yaylali, một chuyên gia về hải quân Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã lên kế hoạch đóng chiếc tàu mới từ năm 2006. “Các tàu đổ bộ cỡ lớn là những chiến hạm đa nhiệm đúng nghĩa duy nhất mà bất cứ lực lượng hải quân nào cũng có thể sở hữu và được xem như “những con dao Thụy Sĩ” của hải quân”, ông Yaylali viết trong email trả lời phỏng vấn của The Daily Beast.
Theo chuyên gia này, có thể sử dụng những chiến hạm như Anadolu để triển khai như một “tàu mẹ” cho các chiến dịch bằng tàu nhỏ và máy bay trực thăng. Với trang bị mới, sức mạnh quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tăng cường đáng kể. Bên cạnh đó, Anadolu còn có thể thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo trong trường hợp khủng hoảng hoặc thảm họa, thậm chí có thể được huy động để sơ tán binh sĩ hoặc dân thường. Ông Yaylali cho rằng hải quân Thổ Nhĩ Kỳ “thực sự cần những khả năng này”.
Theo ông Behlul Ozkan, chuyên gia về chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Marmara ở Istanbul, chương trình đóng tàu Anadolu nằm trong kế hoạch của Thủ tướng Ahmet Davutoglu nhằm nâng cao vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trên thế giới. “Ông ấy thực sự nghĩ rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một cường quốc đại dương”, ông Ozkan nhận định, và cho biết thêm rằng kỳ vọng của ông Davutoglu có thể “vượt quá khả năng của đất nước”.
Kế hoạch phát triển hải quân của Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể trở thành vấn đề lớn đối với các quốc gia láng giềng không mấy hữu hảo như Syria, Iraq, Iran và Ai Cập. Chưa hết, Ankara còn đang vướng vào cuộc xung đột tại Cyprus và tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết tại vùng biển Aegea với nước láng giềng và là đồng minh NATO Hy Lạp. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã có quân đội hiện đại với hơn 600.000 binh sĩ, cũng là lực lượng lớn thứ hai trong NATO, chỉ đứng sau Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.