Thần Bạch Mi, vì sao đại thi hào Nguyễn Du xem là ‘ông tổ’ gái lầu xanh?

18/08/2022 08:24 GMT+7

Bạch Mi là vị thần có đôi mắt đỏ, lông mày trắng, thường cưỡi ngựa và mang kiếm. Theo truyền thuyết Trung Hoa, thần Bạch Mi còn được gọi là Đạo Chích, một thủ lĩnh phiến quân nô lệ thời Xuân Thu.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cho biết ông tổ của gái lầu xanh là thần Bạch Mi (vị thần có lông mày trắng) qua đoạn Mã Giám Sinh đưa Kiều về gặp Tú bà. Đoạn này mô tả cảnh những cô gái lầu xanh ở một bên; còn bên kia có 4-5 khách làng chơi, ở giữa bày hương án, treo một tượng trắng đôi lông mày. Và Nguyễn Du khẳng định gái lầu xanh phụng thờ vị thần này làm “tiên sư”.

Đoạn mô tả cảnh Mã Giám Sinh đưa Kiều về gặp Tú bà, những cô gái lầu xanh ở một bên; còn bên kia có 4-5 khách làng chơi, ở giữa bày hương án, treo một tượng trắng đôi lông mày, đó là thần Bạch Mi. Trích Truyện Kiều (bản Kiều Mậu Oánh, 1902)

nomfoundation.org

Vậy, tổ của gái lầu xanh chính là thần Bạch Mi (白眉神), được xem là có nét giống Quan Công, vị tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc bên Trung Hoa. Trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh, nhiều nhà chứa đã lập nơi thờ thần Bạch Mi.

Bạch Mi là vị thần có đôi mắt đỏ, lông mày trắng, thường cưỡi ngựa và mang kiếm. Theo truyền thuyết Trung Hoa, thần Bạch Mi còn được gọi là Đạo Chích, một thủ lĩnh phiến quân nô lệ thời Xuân Thu, có 9.000 quân, thường đào tường khoét vách, trộm cướp gia súc, bắt đi vợ và con gái của người khác.

Truyền thuyết về Đạo Chích được ghi nhận khá nhiều trong những tài liệu thời nhà Tần và trước đó, ví dụ như trong tác phẩm của Trang Tử, Mạnh Tử và Tuân Tử. Tuy nhiên, việc xem ông là tổ nghề của gái mại dâm chỉ bắt đầu từ thời nhà Minh, được ghi chép ở chương 72 của quyển Tiếu tán (笑赞) và chương 8 của Trảm quỷ truyện (斩鬼传), cũng như trong những tác phẩm khác thời nhà Minh - nhà Thanh.

Thần Bạch Mi còn được xác định là Linh Luân, người sáng lập âm nhạc thần kỳ của Trung Hoa thời Hoàng Đế (2698–2598 TCN). Do mại dâm ở Trung Hoa thời cổ đại thường gắn liền với âm nhạc nên người sáng lập âm nhạc được coi là tổ nghề của gái lầu xanh.

Vào thời Trung Quốc cổ đại, những ca nương có địa vị thấp trong xã hội, song họ chỉ theo nghề hát kiếm sống, không phải là kỹ nữ

ifuun.com

Thần Bạch Mi

baike.com

Ngày xưa, khi một cô gái mới gia nhập lầu xanh, cô ta phải đốt nhang bái kiến thần Bạch Mi và cầu thần phù hộ cho cô đắt khách, gặp nhiều may mắn. Tương truyền rằng người nào đó thêu hình ảnh thần Bạch Mi lên khăn tay và cầu nguyện vào ngày mùng 1 và ngày rằm của năm mới thì tình yêu của họ sẽ không gặp bất trắc, người yêu sẽ không đến với người khác.

Trong quyển Vạn lịch dã hoạch biên (万历野获编) cho biết nhiều điều về thần Bạch Mi, xem ra giới buôn bán không thích vị thần này, ngoại trừ giới “kỹ nghệ mại dâm”.

Kỹ nữ là gái làng chơi, ngày nay gọi là ứng chiêu nữ lang

Đa số gái mại dâm thuộc tầng lớp dưới cùng trong xã hội, có hoàn cảnh cực kỳ khốn khổ. Khi lâm vào đường cùng, không còn nơi để cầu cứu thì họ đành phải dựa vào sự che chở của thần linh. Họ thờ phụng nhiều vị thần, trong đó quan trọng nhất là thần Bạch Mi.

Ở Trung Quốc có cụm từ “hiệp tà gia” (狭邪家) dùng để chỉ nơi ở của gái điếm. Đó là những căn nhà nhỏ hẹp, tối tăm, nằm sâu trong những con hẻm. Còn “nghệ gia” (艾豭) vốn dùng để chỉ con lợn già, nay biến thành từ lóng chỉ “phiêu khách” (khách làng chơi).

Quyển Nhai thị kỷ đệ lục của Như Mộng Lục đã từng ghi lại nơi thờ thần Bạch Mi trong nhà chứa ở thành Khai Phong thời nhà Minh: “Ở phía đông của thành có 3 cánh cổng màu đen treo bảng ghi “Phú nhạc viện” (nhà chứa), bên trong là những nơi thờ thần Bạch Mi, có 27 hộ gia đình hành nghề chơi nhạc và phục vụ khách. Nhiều người trong số đó là những cô gái điếm xinh đẹp đến ngỡ ngàng”.

Phim Những cô gái không có ngày mai (Girls Without Tomorrow, 1992), hay Những ứng chiêu nữ lang hiện đại, là một bộ phim lãng mạn phát hành tại Hồng Kông vào ngày 30.7.1992

carousell.com.hk

Tóm lại, tổ của gái lầu xanh xưa và nay đều là thần Bạch Mi. Ngày xưa, khái niệm “vũ nữ” dùng để chỉ người con gái múa cho khách thưởng ngoạn, không phải là gái điếm, Trong bài Ký Vương Hán Dương (năm 760), Lý Bạch đã từng nhắc đến người con gái xinh đẹp sống bằng nghề múa này: vũ nữ kiều (舞女嬌). Tương tự như vậy, những từ như ca nương, ca kĩ, ca nhi, ca cơ… đều dùng để chỉ các cô gái theo nghề hát kiếm sống ngày xưa. Khi những cô này muốn “kiếm thêm thu nhập” thì người ta mới gán cho họ từ “kỹ nữ”, tức gái làng chơi, ngày nay Trung Quốc gọi là “ứng chiêu nữ lang” (應召女郎).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.