Nhiều bạn trẻ luôn miệng than hết tiền nhưng bạn bè rủ đi đâu cũng đi |
NVCC |
Mượn tiền bạn để đi chơi rồi có lương sẽ trả lại
Đó là lý do mà Trần Ngọc Ánh Trúc, sinh viên (SV) năm thứ tư, khoa Quản lý thông tin, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (TP.HCM) trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên.
Là một SV năng nổ, tích cực tham gia nhiều câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa. Chính vì vậy những mối quan hệ bạn bè xung quanh cô nàng này rất nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc số lần bạn bè rủ đi chơi trong tháng cũng nhiều vô kể, Ánh Trúc kể: “Nhiều lúc bạn bè rủ đi chơi mà ngay cuối tháng hết tiền, không còn cách nào khác mình phải mượn tiền bạn để đi chơi rồi đầu tháng có lương sẽ trả lại sau. Mình sợ nếu bây giờ không đi thì sau này sẽ không còn cơ hội gặp mặt bạn bè đông đủ hay thậm chí là không bao giờ gặp lại nhau”.
Ánh Trúc còn cho biết thêm, thỉnh thoảng cô cũng nghĩ về số tiền mình đã tiêu trong những lần đi chơi nhưng đó chỉ là suy nghĩ thoáng qua trong đầu: “Nghĩ lại thì những gì mình có được là những kỉ niệm đẹp vẫn xứng đáng hơn số tiền kia, tiền thì có thể làm ra lại được nhưng kỉ niệm thì sẽ không bao giờ quay trở lại. Mỗi người chỉ có một cuộc đời, một tuổi trẻ, không chơi, không tận hưởng thì còn đợi đến bao giờ”, Trúc nói.
Ánh Trúc trong một chuyến đi chơi xa cùng bạn bè |
NVCC |
Còn với Nguyễn Thị Lựu, 22 tuổi, làm nhân viên truyền thông tại TP.HCM cho biết: “Với mình, tiền làm ra là để thỏa mãn những nhu cầu của bản thân nên việc ra ngoài để vui chơi, giải trí sẽ làm cho tinh thần thoải mái hơn. Chăm sóc cho sức khỏe tinh thần là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, mình chỉ dành thời gian cho những cuộc hẹn với những người mình thực sự muốn. Với mình, những người bạn đó còn quan trọng hơn cả tiền bạc, tiền thì lúc nào chả kiếm được, còn những dịp đi chơi không thể hẹn sang lần khác”.
Với những bạn trẻ khác thì việc từ chối “kèo” đi chơi có thể dễ gây “rạn nứt” một mối quan hệ: “Mình ngại từ chối vì nếu rủ mà mình không đi thì liệu lần sau người ta có còn rủ mình tiếp không? Mình có một nhóm bạn, trong nhóm có một thành viên mà lúc nào rủ đi chơi bạn cũng tìm lý do từ chối, dần dần bạn bị tách ra khỏi nhóm. Vì vậy mình rất ít khi từ chối những cuộc vui, gặp gỡ bạn bè”, đó là suy nghĩ của Huỳnh Văn Tuấn, SV năm 3, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (TP.HCM).
Tuấn cũng cho rằng, việc đi chơi, gặp gỡ nhiều người cũng là cách tốt để duy trì và mở rộng mối quan hệ. “Sau này có việc gì cần người ta giúp đỡ thì cũng dễ dàng hơn. Vì vậy mình thấy việc đi chơi nhiều cũng có ích, mặc dù hơi tốn tiền nhưng mình nhận lại được nhiều thứ”.
Ăn uống tiết kiệm để có tiền đi chơi
Để đáp ứng cho những cuộc vui, nhiều bạn trẻ chọn cách ăn uống sơ sài hoặc nhịn ăn để có tiền đi chơi. Liệu đó có phải là cách để tiết kiệm hay là chỉ là đang chi tiêu không hợp lý?
“Với mình, đã chơi thì phải chơi cho tới nên những lần đi chơi được lên kế hoạch từ trước thì những ngày trước khi đi mình sẽ ăn uống sơ sài bằng việc ăn mì gói, cũng có khi nhịn ăn luôn. Vì đi chơi vui hơn nên thỉnh thoảng ăn uống qua loa tí cũng chả sao”, đó cách mà Lê Thị Cẩm Tú, SV năm tư khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) “tiết kiệm” để có tiền đi chơi.
Cùng cách làm đó là Nguyễn Thượng Hải, SV của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (TP.HCM), cho biết: “Để có tiền cho những chuyến đi chơi xa mình sẽ ăn uống tiết kiệm lại và không mua sắm gì. Có lúc còn phải vay tiền bạn rồi về trả sau”.
Nhiều bạn trẻ chọn "tiết kiệm" theo cách riêng của mình để có tiền đi chơi |
NVCC |
Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn trẻ “vui chơi có điểm dừng”, không phải ai rủ cũng đồng ý đi. “Với mình, hết tiền thì thỉnh thoảng mới đi chơi chứ không hẳn là bạn bè rủ là cứ đi. Quan trọng người rủ là ai, có mối quan hệ như thế nào với mình, từ đó mới quyết định đi hay không. Và mình nghĩ nếu thật sự thân thiết thì việc tiền bạc sẽ không phải là vấn đề hàng đầu”, đó là quan điểm của Phan Thị Thương (21 tuổi), làm việc tại tạp chí Doanh nhân Sài Gòn.
Thương còn chia sẻ thêm: “Bình thường mình sẽ trích ra một khoản dự trù cho việc đi chơi cùng bạn bè, nên việc ăn uống vẫn phải được đảm bảo còn việc mượn tiền người khác thì trong những trường hợp bất đắc dĩ mới dùng đến”.
Vậy làm thế nào để quản lý chi tiêu cho hợp lý? Để bạn bè rủ đi chơi vẫn đi nhưng không phải “chật vật” nhịn ăn hay đi vay mượn vào những ngày cuối tháng?
Theo Thạc sĩ Đoàn Đức Minh, chuyên gia tư vấn và hoạch định tài chính cá nhân, giảng viên ĐH Kinh tế (TP.HCM), cho biết: “Quản lý chi tiêu cá nhân là việc làm tưởng chừng như đơn giản nhưng với các bạn trẻ đôi khi lại là vấn đề thách thức vì chúng ta không được học hay đào tạo về tài chính cá nhân một cách bài bản và chính thống. Về tài chính cá nhân cơ bản thì chỉ có 4 bước căn bản: kiếm tiền - tiêu tiền - tiết kiệm - đầu tư/kinh doanh. Với các bạn trẻ thì thường chỉ thực hiện được 2 bước đầu tiên. Do không có kế hoạch cụ thể cho mỗi tháng, do đó không thể kiểm soát được chi tiêu và còn bị việc chi tiêu theo cảm xúc (mua sắm trực tuyến, mua sắm theo trend, mua cho 'bằng bạn bằng bè', ai rủ đi đâu chơi cũng đi...)".
Thạc sĩ Đoàn Đức Minh, chuyên gia tư vấn và hoạch định tài chính cá nhân, giảng viên Trường ĐH Kinh tế (TP.HCM) |
NVCC |
Thạc sĩ Minh cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ: “Bước đầu tiên nên tập ghi chép chi tiêu để có thể kiểm soát và biết cách kỷ luật bản thân trong việc chi tiêu. Sau đó, tập lên ngân sách tài chính cá nhân cho bản thân để tự khống chế những khoản chi tiêu 'ngoài mong đợi' để không bị vượt ngân sách, dẫn đến hết tiền làm ảnh hưởng đến cuộc sống”.
Bình luận (0)