Xe

'Thần tốc' kết luận điều tra vụ ông Đinh La Thăng có phạm luật?

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm việc Cơ quan điều tra Bộ Công an chỉ sau 12 ngày khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng đã cho ra bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can này tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.


Cụ thể, liên quan vụ án cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN), ngày 8.12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN. Ngày 20.12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra (KLĐT), gửi hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố ông Thăng cùng 5 bị can khác về tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank); Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường và Phan Đình Đức, cùng nguyên là thành viên HĐTV PVN; Ninh Văn Quỳnh, Phó tổng giám đốc PVN (bị đề nghị truy tố thêm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản).


Hy vọng, các vụ án hình sự khác cũng được cơ quan điều tra kết thúc điều tra một cách nhanh chóng, đúng pháp luật và trước thời hạn quy định. Điều đó sẽ góp phần giảm thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân liên quan và tăng tính thực thi của pháp luật

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng


Có vi phạm luật tố tụng?
Có ý kiến cho rằng, với một vụ án nghiêm trọng như trên, việc kết thúc điều tra chỉ vỏn vẹn 12 ngày có quá nhanh, có đảm bảo khách quan và đúng quy định về tố tụng... Về ý kiến này, Phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM Võ Văn Thêm cho biết điều 119 bộ luật Tố tụng hình sự 2003 chỉ quy định thời hạn điều tra vụ án là không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày khởi tố vụ án đến khi kết thúc điều tra. Luật không quy định việc điều tra phải tiến hành thấp nhất trong thời gian bao nhiêu ngày mới được ra kết luận. “Do vậy, khi thấy có đủ cơ sở, chứng cứ buộc tội thì cơ quan điều tra có quyền kết thúc điều tra. Chỉ cần việc điều tra đúng thủ tục tố tụng, khách quan”, ông Thêm nói.
Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cũng nhìn nhận việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an có KLĐT chỉ sau 12 ngày khởi tố, bắt tạm giam bị can Đinh La Thăng không có nghĩa là vi phạm tố tụng, thu thập chứng cứ ẩu. “Vụ án cố ý làm trái xảy ra tại PVN đã được khởi tố từ lâu cùng một số bị can khác, các chứng cứ đã được thu thập làm rõ trước đó. Ông Đinh La Thăng có thể là bị can cuối cùng trong vụ án được khởi tố, bắt tạm giam trong vụ PVN nên việc có KLĐT sớm là bình thường”, luật sư Ứng phân tích.
Tín hiệu đáng mừng
Theo một lãnh đạo của Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an), việc khởi tố đi đến KLĐT trong thời gian ngắn là đáng mừng trong hoạt động tố tụng. "Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 chỉ quy định thời hạn điều tra tối đa bao nhiêu chứ không có quy định tối thiểu bao nhiêu. Cơ quan điều tra có thể KLĐT trong ngày, sau 1 ngày khởi tố, sau 1 tháng, 2 tháng... đều đúng quy định pháp luật, miễn là không quá thời hạn điều tra tối đa. Nếu vụ án KLĐT sớm tức là chứng cứ tội phạm đã rõ, như vậy là đáng mừng", vị này nhấn mạnh.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích hành vi phạm tội của bị can Đinh La Thăng thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, nên thời hạn điều tra là không quá 4 tháng, chưa tính thời gian gia hạn. Vì vậy, cơ quan điều tra kết thúc điều tra sau 12 ngày kể từ ngày khởi tố bị can là hoàn toàn đúng luật. “Hành vi phạm tội của ông Thăng có liên quan đến một vụ án khác cũng do Bộ Công an điều tra. Các hồ sơ, tài liệu và chứng cứ vụ án làm căn cứ để khởi tố, truy tố ông Thăng đã tương đối đầy đủ trước khi quyết định khởi tố nên việc rút ngắn thời hạn điều tra là không có gì bất thường. Đó cũng là tín hiệu đáng mừng trong hoạt động tố tụng, hoàn tất một cách nhanh chóng và kịp thời thể hiện trách nhiệm và tính độc lập trong điều tra. Hy vọng, các vụ án hình sự khác cũng được cơ quan điều tra kết thúc điều tra một cách nhanh chóng, đúng pháp luật và trước thời hạn quy định. Điều đó sẽ góp phần giảm thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân liên quan và tăng tính thực thi của pháp luật”, luật sư Hưng nhấn mạnh.
Ông Thăng cùng các đồng phạm gây thiệt hại ra sao?
Theo KLĐT vụ án cố ý làm trái... xảy ra tại PVN, năm 2006, PVN được Chính phủ cho phép thành lập một ngân hàng cổ phần dầu khí và nắm giữ 50% vốn điều lệ. PVN đã hoàn thành một số thủ tục để thành lập Ngân hàng Hồng Việt, nhưng đến năm 2008 lại chuyển sang phương án góp vốn mua cổ phần của OceanBank. Dù biết rõ OceanBank hoạt động kém hiệu quả, cũng như các chỉ đạo của Chính phủ trong việc rà soát cân đối nguồn vốn, nhưng ông Đinh La Thăng đã không có bất cứ chỉ đạo nào đối với HĐQT và Ban điều hành PVN để thống nhất chủ trương, thực hiện thẩm định OceanBank hay tính toán đến phương án khả thi khi góp vốn.
Ông Thăng đã không thông qua HĐQT mà ký hợp đồng thỏa thuận góp vốn với Hà Văn Thắm, Chủ tịch OceanBank khi đó, cũng không báo cáo với Thủ tướng theo quy định. Sau khi ký thỏa thuận, ông Thăng tiếp tục có chủ trương, ký ban hành các nghị quyết góp vốn, bổ sung vốn vào OceanBank mà chưa có chỉ đạo của Thủ tướng. Việc làm của ông Thăng là trái các quy định tại nghị định của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, đã gây thiệt hại 800 tỉ đồng cho PVN tại OceanBank…
Ngoài vụ án trên, ngày 21.12, ông Đinh La Thăng tiếp tục bị đề nghị truy tố trong vụ sai phạm tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định ông Thăng với vai trò Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí VN đã chỉ định Tổng công ty CP xây lắp dầu khí VN làm nhà thầu thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng sai nguyên tắc gây thiệt hại cho nhà nước gần 120 tỉ đồng. Ông Thăng và ông Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN cùng 11 người khác bị đề nghị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 8 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội tham ô tài sản. Hai bị can Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận bị đề nghị truy tố cả 2 tội danh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.