Hủy bỏ kế hoạch trải nghiệm theo lớp
Phụ huynh có con học lớp 10 một trường THPT tư thục ở Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: ban phụ huynh lớp con chị đã lên kế hoạch từ trước đó cả tháng là sẽ tổ chức cho các con đi trải nghiệm 2 ngày ngay sau lễ bế giảng năm học.
Cụ thể, buổi sáng sẽ đưa các con đến trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn quận, tặng quà cho các cụ già neo đơn, vừa là hoạt động thiện nguyện, vừa giáo dục cho các con về tinh thần tương thân, tương ái. Sau đó, cả lớp cùng phụ huynh sẽ lên xe đi Quảng Ninh để nghỉ ngơi, thư giãn và tổ chức các hoạt động giúp gắn kết các học sinh cũng như các gia đình trong lớp.
Tuy nhiên, kế hoạch đi Quảng Ninh bị "đổ bể" sau vụ việc một học sinh và một phụ huynh bị nước cuốn tử vong do đi trải nghiệm bắt ngao ở Nam Định mới đây. Các con chỉ đến tặng quà cho các cụ ở trung tâm bảo trợ xã hội, sau đó đến một nhà hàng ở Hà Nội để liên hoan tổng kết cuối năm.
"Các con ai cũng hụt hẫng nhưng bố mẹ và cô giáo chủ nhiệm đều thống nhất dừng lại. Trong bối cảnh Sở GD-ĐT Hà Nội khuyến cáo hạn chế tổ chức tự phát sau vụ việc đau lòng trên mà lớp vẫn tổ chức đi thì cũng không thoải mái và yên tâm", vị phụ huynh này chia sẻ.
Chị L.T.Q.H có 2 con đều đang học THPT ở Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: "Sở GD-ĐT khuyến cáo và hạn chế tối đa các hoạt động trải nghiệm tự phát là cần thiết. Không phải xảy ra vụ việc vừa rồi tôi mới không cho con tham gia các hoạt động tham quan do ban phụ huynh lớp tổ chức. Từ lâu nay, tôi đã không yên tâm với hoạt động này và không cho con tham gia nếu tôi không thể đi cùng".
Theo chị H., các hoạt động tự phát thường không có chuyên môn về tổ chức du lịch, trải nghiệm. Nếu nhà trường tổ chức thì thường sẽ hợp đồng với đơn vị được cấp phép hoạt động, có các thủ tục xin phép, phê duyệt kế hoạch đầy đủ, còn ban phụ huynh lớp tổ chức thì nhiều khi chính giáo viên và nhà trường cũng không biết, đặc biệt là vào thời điểm các con đã nghỉ hè.
"Không có văn bản nào cấm hoàn toàn"
Bên cạnh các quyết định "quay xe" phút chót, không ít lớp vẫn quyết tâm tổ chức cho các con đi tham quan, trải nghiệm theo kế hoạch trước đó và khẳng định sẽ đảm bảo an toàn hoặc thay đổi địa điểm, không đến những địa điểm du lịch sông nước nữa…
Một phụ huynh có con học tại Trường THCS Thanh Xuân (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) nêu quan điểm: các hoạt động theo đơn vị lớp sẽ giúp gắn kết các mối quan hệ như giữa học sinh với nhau, học sinh với giáo viên, cha mẹ học sinh với giáo viên, rồi các gia đình cũng có dịp gặp gỡ, giao lưu…
Do vậy, theo vị phụ huynh này, không vì nguy cơ mất an toàn mà cấm triệt để. Thay vào đó, cần có sự chuẩn bị chu đáo để bảo đảm an toàn cho tất cả mọi người tham gia; tuyệt đối không cho các con trải nghiệm những hoạt động, những trò chơi mạo hiểm…
Đồng quan điểm, phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở Q.Ba Đình (Hà Nội) cũng cho rằng, các con trải nghiệm là tốt nhưng những trải nghiệm thay đổi quá đột ngột so với sinh hoạt thường ngày của các con cũng cần phải cân nhắc. Ví dụ, học sinh ở thành phố chưa từng lội ruộng, mò cua bắt ốc bao giờ mà "đùng một cái" đưa các con lội ao, lội ruộng là rất không nên.
"Trải nghiệm cũng phải trang bị trước cho các con các kỹ năng để các con không bị mất an toàn hoặc ít ra là không hoảng sợ, chứ không phải vì muốn các con biết các bạn nông thôn sống như thế nào hoặc thời bé bố mẹ ra sao mà bắt các con thay đổi quá đột ngột", vị này nói.
Trước những lo ngại về việc cấm triệt để các hoạt động trải nghiệm do bố mẹ tự tổ chức theo đơn vị lớp, trả lời báo chí mới đây nhất, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng sở không có văn bản nào cấm hoàn toàn.
Để bảo đảm an toàn cho học sinh, sở yêu cầu các nhà trường lưu ý thực hiện nghiêm các quy định liên quan, hạn chế tổ chức các hoạt động trải nghiệm mang tính tự phát. Nếu các buổi trải nghiệm do cha mẹ học sinh tự tổ chức thì nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt trước khi triển khai để bảo đảm an toàn cho con em trong suốt quá trình tham gia.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng: "Thời gian vừa qua, về cơ bản, hoạt động tham quan, ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh được các nhà trường thực hiện tốt và mang lại hiệu quả tích cực trong quá trình giáo dục toàn diện của học sinh. Sở yêu cầu các trường thực hiện đúng các quy định đã có về nội dung này để bảo đảm an toàn cho học sinh".
Với các hoạt động trải nghiệm, tham quan, dã ngoại do trường tổ chức, Quy trình về việc tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm đã được Sở GD-ĐT Hà Nội ban hành từ năm 2019, tại Văn bản số 3867/SGDĐT-CTTT ngày 6.9.
Cụ thể, trước khi tổ chức, nhà trường phải xây dựng kế hoạch cụ thể, làm rõ thành phần tham gia, đơn vị thực hiện; thời gian, địa điểm, lịch trình, kinh phí tổ chức, phương án bảo đảm an toàn và lịch học bù cho học sinh (nếu tổ chức vào ngày không được nghỉ theo quy định). Sau đó, nhà trường gửi hồ sơ (trước ít nhất 7 ngày) xin phê duyệt kế hoạch tổ chức đến cấp quản lý trực tiếp. Hồ sơ gồm: tờ trình xin phê duyệt kế hoạch tổ chức; biên bản cuộc họp giữa nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh; kế hoạch tổ chức; giấy phép kinh doanh của đơn vị thực hiện.
Bình luận (0)