Thận trọng tìm cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mỹ

20/09/2018 07:05 GMT+7

Căng thẳng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lại tiếp tục leo thang, theo các chuyên gia, đã đến lúc doanh nghiệp Việt rời vị trí quan sát để hành động.

Tổng thống Mỹ ngày 17.9 đã đưa ra quyết định áp thuế quan bổ sung 10% lên 200 tỉ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc vào ngày 24.9 tới đây và sẽ tăng bổ sung tiếp lên 25% vào đầu năm sau.
Cơ hội cho dệt may, da giày, đồ gỗ...
Cùng ngày, báo cáo chuyên đề về toàn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đưa ra nhận xét: “Ở các ngành hàng như lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất… của VN có cơ hội rất lớn trong việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ cũng như thu hút thêm vốn FDI vào các ngành hàng này, qua đó tạo thêm việc làm, tăng xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại”.
Một số mặt hàng Trung Quốc bị Mỹ áp thuế lần này VN cũng đã và đang sản xuất xuất khẩu sang Mỹ như hàng may mặc, giày dép và đồ gỗ nội thất. Thế nên, thay vì ngồi ở vị trí quan sát, DN Việt thuộc các ngành hàng này nên có chiến lược để mở rộng thị phần tại nước Mỹ…
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu

Khác với gói đánh thuế 50 tỉ USD trước đó, lần đánh thuế 200 tỉ USD này của Mỹ đã “phủ” lên rất nhiều mặt hàng là đầu vào của sản xuất hàng tiêu dùng. Từng nhận xét DN Việt chưa tìm thấy cơ hội rõ rét trong lần đánh thuế 50 tỉ USD trước, lần này chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: “Một số mặt hàng Trung Quốc bị Mỹ áp thuế lần này VN cũng đã và đang sản xuất xuất khẩu sang Mỹ như hàng may mặc, giày dép và đồ gỗ nội thất. Thế nên, thay vì ngồi ở vị trí quan sát, DN Việt thuộc các ngành hàng này nên có chiến lược để mở rộng thị phần tại nước Mỹ…”.
Tỏ ra thận trọng hơn, chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa phân tích: Mức thuế nhập khẩu 10% được áp chính thức vào ngày 24.9 không quá cao với hàng hóa nhập khẩu nói chung từ các nước khác vào Mỹ. Việc Mỹ đưa ra mức 10% này coi như “dò” đường trước. Nếu cuộc đàm phán giữa hai nước sắp tới diễn ra thành công, thì mức thuế 25% Mỹ dự định sẽ áp vào đầu năm sau khó khả thi. Ngoài ra, với những ngành hàng mà Trung Quốc đang chiếm lĩnh tại thị trường Mỹ là gia công điện tử thì VN không có cơ hội, thế nên bàn chuyện cơ hội khi chưa rõ cuộc đàm phán giữa hai nước có diễn ra hay không cũng hơi sớm.
Cũng có nhận định tương tự nhưng báo cáo của BVSC đánh giá: Câu chuyện thâm hụt thương mại của Mỹ và Trung Quốc không đơn thuần chỉ là con số tuyệt đối mang tính bề nổi. Bởi Trung Quốc hiện với vai trò “công xưởng thế giới” đã và đang là một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu của các công ty đa quốc gia Mỹ. Có rất nhiều mặt hàng bao gồm điện thoại, đồ điện tử, máy móc thiết bị… có thể được sản xuất tại Trung Quốc nhưng hàm lượng giá trị gia tăng của Trung Quốc trong tổng giá trị sản phẩm có thể thấp hơn nhiều do Trung Quốc chỉ là nơi lắp ráp còn nguyên liệu đầu vào, các chi phí liên quan đến thiết kế, quảng cáo… đều phải nhập hoặc do một nước khác đảm nhận.
Hàng Việt cẩn trọng để không bị vạ lây
Cơ hội lớn nhưng theo các chuyên gia, VN cần quản lý chặt nhằm tránh tối đa hiện tượng hàng Trung Quốc “mượn đường” để xuất khẩu sang Mỹ, ở chính các nhóm hàng có lợi thế là dệt may, da giày, sắt thép, đồ gỗ nội thất... Chuyên gia Đỗ Hòa khuyến cáo, việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao ngất ngưởng đối với mặt hàng thép Việt trước đây là do nghi ngờ thép Trung Quốc tuồn vào VN để xuất qua Mỹ. Lần này, nguy cơ lớn nhất là hàng dệt may, da giày, nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm từ VN, không loại trừ khả năng áp lệnh điều tra nào đó. Do vậy, DN VN hết sức cẩn trọng để tránh bị vạ lây như mặt hàng thép trước đây.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cũng cho rằng lo lắng lớn nhất của DN Việt là hàng may mặc từ Trung Quốc, theo đường tiểu ngạch vào VN rồi được “hóa kiếp” thành hàng “made in Vietnam” để xuất sang Mỹ.
“Các tổ chức DN, ngành nghề cũng cần thông tin rộng rãi nguy cơ này để các hội viên nắm và tự phòng ngừa trước. Ngoài ra, cơ quan hải quan cũng nên tăng cường biện pháp phòng chống để hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt không có cơ hội chen vào thị trường xuất khẩu của VN nói chung”, ông Hồng đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.