Thân yêu gởi các bà tám

06/03/2014 13:05 GMT+7

Bạn có biết nghĩa của chữ này không: GATO / Bạn có biết nghĩa của chữ này không: bà tám. Cám ơn bạn. Nếu biết nghĩa của cả 2 từ, vậy là chúng mình đã rất thấm nhuần một thứ "đặc sản văn hóa" của chúng ta. Chao ôi, thứ đặc sản hoang dã...!

Bạn có biết nghĩa của chữ này không: GATO. Bạn có biết nghĩa của chữ này không: bà tám.

 
Nói xấu người khác, chuyện rất dễ nhưng hệ lụy thì rất khó lường - Ảnh minh họa:  Shutterstock

Cám ơn bạn.

Nếu biết nghĩa của cả hai từ, vậy là chúng mình đã rất thấm nhuần một thứ "đặc sản văn hóa" của chúng ta. Chao ôi, thứ đặc sản hoang dã!

Một người bạn của tôi kể, trong thang máy chung cư anh gặp hai người phụ nữ say mê kể chuyện về một người phụ nữ vắng mặt. Người nọ đang có bầu đứa thứ hai. Hai "chị tám" khí thế, tỏ vẻ rất ái ngại người mẹ nọ vì đứa con này "lại" tiếp tục là con gái (ôi thế thì buồn nhỉ, thế chắc phải đẻ thêm đứa nữa kiếm đứa con trai, nhưng nhìn nó gầy thế chắc chả có con trai được...)

Một người phụ nữ lấy chồng nước ngoài kể, hai vợ chồng cô chưa định có con ngay mà muốn dành vài năm đầu đi du lịch. Vậy là gặp cô, hàng xóm người ý nhị hỏi bao giờ có tin vui đây, người sỗ sàng hỏi này chồng em nhìn... thế mà lại... thế à, hay là tốt dây xấu củ, đã bảo rồi tham gì chồng Tây em ơi, không có con thế là nó định ly dị đấy, nó tính trước để không phải chia của (!) eo ôi khôn thế! Người nhiệt tình đến độ xộc vào nhà mẹ cô chỉ vẽ đủ các kiểu để có em bé, từ thuốc thang, khấn vái đến... kamasutra. Người quen, đồng nghiệp thì dè bỉu, ôi giời con này trông vớ vẩn bỏ mẹ mà vớ thằng chồng Tây ngon cực, bọn Tây này ngu lắm toàn thích các con đen đen bẩn bẩn (!), hay là chơi chán ra không thằng Việt Nam nào thèm lấy mới đi kiếm anh Tây chứ gì...

 
Phàm, ở đời, ai cũng đều "có những niềm riêng làm sao nói hết" - Ảnh minh họa: DAD

Một người bạn tôi sống ở nước ngoài lâu năm kể, anh rất ngại về Việt Nam. Mẹ thì bóng gió, kiếm ai làm bạn cho vui con ạ, bằng tuổi mày người ta sắp gả con rồi đấy. Họ hàng phụ nữ thì hỏi chú đi lâu thế chưa lấy vợ là còn thích gái Việt rồi, phải đấy chú ạ, ta về ta tắm ao ta, gái Việt ngoan nết, gọi dạ bảo vâng, cơm dẻo canh ngọt, chứ cái bọn Tây trẻ thì thích mắt chứ già xấu lắm, người thì to đùng, thích lên thì ly dị (!) chẳng chung thủy như gái ta, lại lười việc nhà, ăn cái bát cũng đùn đẩy chồng rửa. Thế chị mai mối cho cậu mấy đám nhé, đảm bảo cậu thích, cô này làm chung với chị xinh xắn trắng trẻo lắm, nhà có hai anh em thôi, bố mẹ khá giả môn đăng hộ đối với nhà ta đấy cậu ạ. Đàn ông thì mượn rượu khề khà, này, súng còn bắn được không hay han rỉ hết mẹ rồi, tớ đếch tin cậu, ra làm quắn cave với tớ nhé, thấy mới tin, thanh niên gì mở mồm cám ơn xin lỗi, lại còn bôi cả nước hoa, tao nghi chú bê-đê lắm chú ạ. Thế quyết dứt khoát nhé, xong chầu rượu này theo các anh ra phố làm vài choác, các em này chú không thích thì anh đi đầu xuống đất. Nói xong chém tay cười khành khạch, y như đóng dấu "bảo đảm chất lượng".

Dường như có một số người rất thích sống giùm đời sống người khác? Hoặc rất thích dòm dỏ vào đời sống riêng tư của người khác?

Cái thói ngồi lê đôi mách còn được công khai hóa thành bài báo, mà trên một tờ báo của ngành tòa án nữa mới đáng sợ. Hôm nay tôi đọc được bài báo trứ danh này. Quả đáng khâm phục, "nhà báo" mang cả chuyện phòng the của người khác ra hỏi.

Trích:

Sẵn chuyện ông nói ông lớn tuổi, dân mạng gièm pha rằng ông cưới vợ quá trẻ, chắc chỉ để ... "ngắm nhìn" chứ không "làm ăn" gì được... Ông có thấy tức giận không?

-Tui không tức giận mà tui mắc cười. (...)  Chẳng lẽ chuyện sinh hoạt vợ chồng, tui cũng phải trình bày cho mọi người biết (..) Tui xin nói là những người soi mói cuộc đời tui, hãy dành thời gian làm giàu, lo cho gia đình đi.

Vậy mà anh nhà báo chưa biết ngượng, vẫn nài nỉ hỏi bằng được mấy câu nữa.


Có những câu chuyện mách qué, rất mách qué, lại được chia sẻ ào ạt trên mạng - Ảnh minh họa: AFP

Một câu chuyện mách qué như vậy lại được chia sẻ ào ạt trên mạng. Đọc các bình luận lại càng thương hại. Người hào hứng kể, báo nói đúng đó, ở đây ai cũng biết thế này thế kia (ơ, bạn có nằm cùng giường với họ không mà dám đảm bảo?). Người buông một câu miệt thị vô cớ "Đồ bệnh hoạn" (họ bệnh hoạn chỗ nào?). Ở nhiều quán ăn trưa của dân công sở, câu chuyện được bàn tán rôm rả, phân tích đủ ngọn ngành, nào chừng ấy tuổi rồi thì bất khả thi, nào chắc giàu nên cô kia ráng chịu đựng, nào tụi mình ngon quá vầy sao không kiếm được em nào trẻ... Nói rồi cười ha hả, mắt sáng rực như sao, cứ như mới chiến thắng quân thù lại thêm vừa trúng số độc đắc. Khổ, hầu hết là đàn ông!

Những câu chuyện trên chỉ là ví dụ nóng sốt cho cái thói thọc mũi vào đời tư người khác của khá nhiều người. Hoặc thấy ai giàu có, nổi danh thì cố sức vạch lá tìm sâu để ngầm chứng tỏ "thằng ấy chả hơn quái gì mình". Hoặc chỉ đơn giản đem họ làm mồi nhậu ngày ngày. Để làm gì? Để cho ngày sống của mình bớt buồn thảm chăng? Hạ bệ mồm được ai thì hả hê khoan khoái, tự thấy cuộc đời mình bừng nắng hạ.

Tôi đồng tình với người đàn ông được "phỏng vấn" kia và không còn biết nói câu gì những "dư luận" đã khiến anh phóng viên kia phải lặn lội đi giải đáp. Lấy tuổi tác và khả năng sống đời vợ chồng của người khác để làm đề tài "báo chí", các anh thật khéo làm xấu nghề báo và khoe cái xấu của mình cho thiên hạ thấy.

Còn một số các anh đang hớn hở đọc bài báo ấy, các anh chê bai, các anh cười sằng sặc, nhưng hỏi các anh hơn gì? Có mấy anh không say mê sưu tầm bổ củi, cá ngựa, ngọc dương, Minh Mạng thang... để âm thầm tẩm bổ cho cái khả năng quý báu ấy của mình? Có mấy anh trong các bàn nhậu vắng phụ nữ mà không nổ văng mạng về số phụ nữ từng ân ái, xem như một thứ đẳng cấp sáng lòa? Thậm chí, các anh còn thầm lén so sánh với nhau và cay cú sử dụng đủ thứ biện pháp để "lên đời", bất chấp có thể nguy hiểm đến tính mạng. Xin khuyên các anh, nếu tự nguyện phụng hiến cái linga làm chứng chỉ cuộc đời mình, chẳng sao, các anh cứ vui vẻ phấn đấu. Nhưng đem những cái các anh tận hiến để bắt người khác cũng phải sống như các anh thì nền văn minh gọi là "thò mũi vào gầm giường người khác", nhẹ hơn thì là vô giáo dục đấy, các anh ạ.

(Xin lỗi, gọi các anh có hành vi bất hủ như trên là đàn ông, tôi nghĩ tôi đã dùng sai từ và gây mếch lòng những người đàn ông thực sự).

Tôi thật sự sợ hãi những kiểu người như trên, cả đàn ông lẫn đàn bà. Họ sẵn sàng dành thời gian và sức lực để "quan tâm" bạn, dù việc ấy chẳng đem lại lợi ích gì cho bất kỳ ai.

Sao không dùng trí và lực để làm giàu cho chính mình, hưởng thụ cuộc sống của mình và bớt chút cacbonic cho bầu không khí xã hội, hỡi các bà tám hay GATO? Con cháu các bạn sẽ biết ơn các bạn.

Hoàng Xuân (*)

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là nhà báo đang sống tại TP.HCM.

>> Nhờ “bà tám” chống stress
>> Bây giờ làm sao ? - GATO
>> Nghệ sĩ hài "tám" chuyện con heo
>> “Tám” chuyện ở cơ quan
>> “Tám” chuyện fan cùng ca sỹ
>> Tám chuyện cầu Rồng
>> Người đẹp tuổi Ngọ ‘tám’ chuyện kiêng kỵ trong năm Ngọ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.