Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin định kỳ do Bộ Nội vụ tổ chức chiều nay 16.6, ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ), cho biết Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Ban soạn thảo đã tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhất là những người chuyên sâu về pháp luật tại 3 miền về nội dung này.
Tuy nhiên, theo ông Ninh, đây là vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm nên Vụ Công chức - Viên chức tiếp tục tham mưu lãnh đạo bộ có văn bản lấy ý kiến các bộ, ban, ngành T.Ư và cả từ các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.
"Trên cơ sở tổng hợp tiếp thu các ý kiến góp ý, đến nay chúng tôi đã hoàn thiện dự thảo nghị định và trình Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo tiếp tục được hoàn thiện trên tinh thần bám sát chủ trương của Đảng, đặc biệt là Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các ý kiến tham gia cho thấy các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm, nhiều ý kiến thể hiện trách nhiệm cao", ông Ninh cho hay.
Dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung cơ bản được hoàn thiện với 5 chương, 27 điều. Trong đó chương 3 rất quan trọng, với nội dung "chính sách khuyến khích biện pháp bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ quan, tổ chức, cá nhân và xử lý vi phạm".
Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức chia sẻ: "Muốn bảo vệ được cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thì phải được cấp có thẩm quyền cho phép, bởi nếu sau khi người đứng đầu cơ quan đó cho phép mà xảy ra vấn đề gì thì ai bảo vệ họ. Chính vì thế, chúng tôi đã đề xuất cả việc bảo vệ các cơ quan, người có thẩm quyền quyết định cho phép thực hiện đề xuất đổi mới sáng tạo".
Tuy nhiên, ông Ninh cũng cho biết, trong quá trình xây dựng luật có một số vướng mắc. Đó là trong chính sách khuyến khích có một số nội dung nâng ngạch thăng hạng, quy hoạch bổ nhiệm vượt cấp vướng luật Công chức - Viên chức; vấn đề bảo vệ khi giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, được miễn trừ... thì vướng luật Hình sự, luật Bồi thường trách nhiệm thiệt hại.
"Để nghị định đi vào cuộc sống phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan tư pháp, viện kiểm sát, tòa án. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy có những nội dung trong nghị định này nếu ban hành thì vượt quá thẩm quyền của Chính phủ. Hiện chúng tôi đang tham mưu cấp có thẩm quyền theo hướng tham mưu để Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ lâp hồ sơ đưa vào kỳ họp Quốc hội trên tinh thần xây dựng Nghị quyết thí điểm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm", ông Ninh thông tin.
Trên cơ sở Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm, bộ sẽ đề xuất ban hành nghị định để triển khai thực hiện, như vậy mới đảm bảo tính pháp lý. Bộ Nội vụ đang rất cố gắng và kỳ vọng, nếu kịp các bước, đến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 10), nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho phép thì có thể trình dự thảo.
Liên quan đến thông tin sẽ giảm số lượng bộ, cơ quan ngang bộ, ông Trần Văn Khiêm, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ), cho biết cơ cấu Chính phủ khóa XV theo nghị quyết của Quốc hội giữ nguyên như hiện nay. Việc giảm bộ hay bớt bộ nào đều phải chờ tổng kết 20 năm cơ cấu Chính phủ.
Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết thêm, đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, động chạm đến cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu Chính phủ nên cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng và phải qua rất nhiều vòng.
"Bộ Nội vụ chưa có đề xuất nào với cấp có thẩm quyền về nhập bộ này hay bộ kia. Tương tự như trước đây, bộ cũng chưa có đề xuất nhập tỉnh này với tỉnh kia, mà chỉ đề xuất nhập huyện, xã", ông Minh nhấn mạnh.
Bình luận (0)