Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết phấn đấu trong năm 2021 có ít nhất một vắc xin Covid-19 trong nước sản xuất thành công.
Tại cuộc họp, các thành viên cùng bàn thảo nhằm thống nhất kế hoạch mời chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ nghiên cứu phát triển vắc xin Covid-19 tại Việt Nam; thúc đẩy nghiên cứu TNLS vắc xin Nanocovax, Covivac trong nước nghiên cứu, phát triển; thống nhất kế hoạch hợp tác chuyển giao công nghệ, kế hoạch triển khai TNLS vắc xin chuyển giao công nghệ. Việt Nam sẽ tiếp nhận tối đa hỗ trợ của chuyên gia WHO trong công nhận phòng xét nghiệm, công nhận tiến trình TNLS và quan trọng nhất là công nhận vắc xin Covid-19 của Việt Nam để tiến tới tự chủ vắc xin và có thể xuất khẩu.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết sẽ sớm trình Chính phủ kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 hỗ trợ triển khai TNLS giai đoạn 3 (đối với vắc xin nghiên cứu sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ) và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, các địa phương phối hợp Bộ Y tế trong việc tham gia các nghiên cứu TNLS triển khai tại các địa phương. Theo phân công của lãnh đạo Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Viện Pasteur TP.HCM là 2 đơn vị đầu mối trong việc tổ chức thực hiện TNLS chủ động các điều kiện tham gia (nhân lực, cơ sở vật chất, phương tiện...) và triển khai các nội dung nghiên cứu thử nghiệm vắc xin chuyển giao công nghệ.
Thông tin cụ thể về vắc xin được kỳ vọng trong năm nay, một lãnh đạo của Bộ Y tế cho hay hiện vắc xin Nanocovax đang TNLS giai đoạn 3 và Covivac (TNLS giai đoạn 2). Trong đó, Nanocovax đã tiêm cho 14.000 người, khẳng định an toàn và đã đánh giá về sinh miễn dịch tốt, nhưng hiện chưa đủ thời gian đánh giá về hiệu lực (thời gian mà người tiêm có thể được bảo vệ sau tiêm đủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất).
Dự kiến, nếu Nanocovax hoàn thành TNLS giai đoạn 3 với kết quả tốt, được Hội đồng đạo đức quốc gia chấp thuận, sẽ được xem xét để cấp phép khẩn cấp cho chống dịch. Tuy nhiên, việc cấp phép đặc biệt này sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể: tình hình dịch, nguồn cung vắc xin khan hiếm, và phải trình Chính phủ, Quốc hội thông qua. Và sớm nhất, tháng 11 năm nay sẽ có vắc xin “made in Vietnam” được tiêm rộng rãi. Theo báo cáo của nhà sản xuất, công suất có thể đạt 5 - 10 triệu liều/tháng.
Bình luận (0)