Ngày 13.1, Ban Kinh tế T.Ư tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
gia hân |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh đánh giá năm 2021 Ban Kinh tế T.Ư có một khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm rất cao để thực hiện và hoàn thành có chất lượng các đề án được giao.
Theo ông Trần Tuấn Anh, mặc dù trong điều kiện công tác rất khó khăn, đặc biệt là từ sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, làm cho nhiều nội dung, chương trình công tác không triển khai được theo kế hoạch đề ra, nhưng tập thể cán bộ, công chức người lao động của Ban Kinh tế T.Ư đã rất cố gắng để khắc phục, triển khai linh hoạt các hoạt động thông qua nhiều hình thức, qua đó bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trưởng ban Kinh tế T.Ư cũng cho biết, trong năm 2022, Ban Kinh tế T.Ư sẽ trình Ban Chấp hành T.Ư 3 đề án quan trọng.
Cụ thể, tại Hội nghị T.Ư 5 (5.2022), Ban Kinh tế T.Ư sẽ trình T.Ư 2 đề án:
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (Nghị quyết 19 năm 2012).
Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26 năm 2008).
Tại hội nghị T.Ư 6 dự kiến diễn ra vào tháng 10 năm nay, Ban Kinh tế T.Ư sẽ trình Ban Chấp hành T.Ư Đề án Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài ra, một số đề án sẽ được trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư như:
Đề án "Tổng kết Nghị quyết số 21 ngày 20.1.2003 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010;
Kết luận số 28- ngày 14.8.2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011 - 2020" (trình vào đầu năm 2022)…
Đề án Tổng kết Nghị quyết 19 năm 2012 gắn liền với việc sửa đổi luật Đất đai 2013. Thủ tướng Chính phủ được Bộ Chính trị làm Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng đề án. Dự thảo đề án đã được Ban Kinh tế T.Ư trình Bộ Chính trị vào 9.2021. Sau đó, Bộ Chính trị đã họp, xem xét và thống nhất chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện đề án để trình Hội nghị T.Ư 5 (tháng 5.2022).
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội cũng đã thống nhất sẽ đưa dự án luật Đất đai sửa đổi ra xem xét tại kỳ họp thứ 3, 5.2022.
Bình luận (0)