Cụ thể, xăng dầu là mặt hàng nhập khẩu có biến động lớn theo chiều hướng giảm sâu, ước đạt 110.000 tấn, giảm 90,2% về lượng và có giá trị 42 triệu USD, giảm 89,4% so với tháng trước. Tính lũy kế 7 tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu ước đạt 4,423 triệu tấn và trị giá 1,765 tỉ USD, giảm 20,8% về lượng và giảm 48,7% về giá trị so với tháng 7.2019.
Ở chiều ngược lại, dầu thô cũng nằm trong nhóm hàng xuất khẩu chịu nhiều biến động trong tháng 7. Tháng 7, Việt Nam xuất khẩu khoảng 300.000 tấn, giảm hơn 24% về lượng và đạt giá trị 93 triệu USD, giảm hơn 23% so với tháng 6. Tính lũy kế hết 7 tháng của năm, lượng dầu thô xuất khẩu ước đạt 2,798 triệu tấn và trị giá 900 triệu USD, tăng 18,7% về lượng và giá trị ước tính giảm 26,5% so với cùng kỳ 2019.
Trước đó, nhập khẩu dầu thô vào Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng mạnh gần 45% về khối lượng và tăng 0,4% giá trị so với cùng kỳ năm 2019, đạt 6,27 triệu tấn, tương đương 2,08 tỉ USD. Giá dầu thô nhập khẩu trung bình 332,3 USD/tấn, giảm 30,7% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, 6 tháng, lượng dầu thô xuất khẩu tăng 22,4% so với cùng kỳ, đạt 2,5 triệu tấn nhưng kim ngạch giảm 24%, đạt 806,55 triệu USD; với giá 322,9 USD/tấn, giảm 37%. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, nhập siêu nhóm hàng dầu thô lên đến 1,28 tỉ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng xuất khẩu và nhập khẩu xăng dầu đều giảm mạnh. Khi giá dầu thế giới giảm sâu, Việt Nam tăng nhập khẩu nhiều hơn là xuất. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh, lượng xăng dầu nhập khẩu cũng giảm mức kỷ lục trong tháng 6. Tính đến 5 giờ chiều nay (4.8), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao ngay trên sàn của New York tiếp tục giảm mạnh, lùi 66 cent, tương đương 1,61%, về 40,35 USD/thùng. Dầu Brent trên sàn London cũng lùi 73 cent, tương đương 1,7%, xuống 43,42 USD/thùng. Một số dự báo trên các sàn giao dịch cho thấy, giá dầu thô đang theo chiều hướng giảm hơn là tăng.
Bình luận (0)