Niềm hy vọng bị dập tắt
Năm 2006, cả gia đình bà Phùng Thị Cử (55 tuổi, quê Bình Định) vui mừng, phấn khởi khi nhận tin con trai đầu là anh Trần Xuân Hiệu (37 tuổi, quê Bình Định) trở thành tân kỹ sư ngành tin học của trường đại học Quy Nhơn (Bình Định). Với tấm bằng đại học trên tay, con đường sự nghiệp của anh Hiệu rộng mở hơn, trở thành niềm tự hào và hy vọng của cả gia đình. Những tưởng những ngày tháng vất vả nuôi con sắp được đền đáp thì không lâu sau tai nạn ập đến khiến cả gia đình bà Cử suy sụp.
|
Sau khi ra trường, anh Hiệu nhanh chóng tìm được việc làm với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Tuy công việc trái ngành nhưng với số tiền 8 triệu đồng ở thời điểm đó, anh hoàn toàn có thể trả được số nợ mà gia đình đã vay ngân hàng cho anh ăn học.
Thế nhưng đi làm chưa được bao lâu, anh Hiệu thường xuyên bị chóng mặt và giảm thị lực sau một cơn sốt. Cứ nghĩ con bệnh do học hành vất vả, thiếu thốn nên bà Cử cố gắng bồi bổ, thuốc thang để con trai lại sức. Nhưng khi cầm cuốn sổ khám bệnh trên tay, mọi hy vọng của gia đình bà Cử đều bị dập tắt. Bác sĩ kết luận anh Hiệu bị suy thận nặng.
“Bác sĩ nói gia đình tôi chuẩn bị tinh thần vì bệnh này chỉ có thay thận mới có cơ hội trở lại bình thường, còn nếu không con tôi phải chạy thận suốt đời. Nhưng số tiền thay thận thì rất lớn, lên đến hàng trăm triệu, gia đình tôi khó có khả năng. Lúc nhận tin từ bác sĩ tôi bàng hoàng, chân tay bủn rủn, về đến nhà không ai nói một lời nào”, bà Cử tâm sự.
|
Bà Cử cũng chia sẻ, khi còn đang đi học, anh Hiệu là một chàng trai khỏe mạnh, tính tình hoạt bát. Biết gia đình không khá giả gì nên anh chăm chỉ học tập, chưa bao giờ để bố mẹ phiền lòng. Thấy con trai ngoan ngoãn, bà Cử cố dành dụm tiền và vay thêm để nuôi anh Hiệu học hết đại học.
“Ở quê nhà ai cũng nghèo nhưng tôi nghĩ bố mẹ đã nghèo chẳng lẽ để con cái mình lại nghèo như vậy. Lúc đó còn nuôi thêm thằng em nó ăn học nữa, chật vật lắm nhưng rồi cũng qua, ai ngờ…”, bà Cử nghẹn giọng.
Sau khi anh Hiệu bị bệnh, trong nhà còn thứ gì giá trị bà Cử đều đem bán, thậm chí cả sổ đỏ cũng mang đi cầm để có tiền chữa bệnh cho con. Người em trai của anh Hiệu khi ấy mới vừa lên cấp 3 cũng nghỉ học để đi làm phụ bố mẹ có tiền trang trải.
|
13 năm làm thuê giành sự sống cho con
Khi chỉ có tôi và bà Cử trong quầy rửa chén của một nhà hàng tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) (nơi bà Cử làm việc), giọng như sắp khóc, người phụ nữ bắt đầu trải lòng về hành trình 13 năm theo con chữa bệnh. Từ khi anh Hiệu bị suy thận, một tuần hai mẹ con bà phải đi viện chạy thận ít nhất là 3 lần. Chồng của bà Cử đã lớn tuổi, lại mắc bệnh thoát vị đĩa đệm, không thể đi lại nhiều nên việc chăm con một tay bà Cử lo hết.
Trong 9 năm đầu, anh Hiệu chạy thận ở Bệnh viện tỉnh Bình Định, cách nhà hơn 100 km. Để có tiền lo viện phí, bà Cử rất ít khi về nhà mà ở lại bệnh viện, vừa lo cho con, vừa làm công việc dọn dẹp vệ sinh và chăm sóc cho các bệnh nhân khác để kiếm tiền. “Lúc đó ai kêu làm gì tôi đều nhận, chủ yếu là người nhà của bệnh nhân khác họ ngại chăm những người bệnh nặng hoặc nằm liệt giường thì họ thuê mình. Tôi thì chẳng ngại, muốn có tiền mình phải cố thôi”, bà Cử nói.
|
9 năm dài đằng đẵng cứ thế trôi qua, bệnh tình của anh Hiệu không thuyên giảm. Thấy vậy, hai mẹ con bà Cử mới quyết định khăn gói vào TP.HCM để tiếp tục hành trình. Những ngày đầu, bà Cử xin làm ở căn tin của bệnh viện với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng số tiền ít ỏi không thấm tháp vào đâu so với viện phí và tiền trang trải sinh hoạt nên bà Cử xin đi làm rửa chén, mỗi tháng được 5,2 triệu đồng.
Dù vất vả hơn nhiều nhưng khi nhìn đứa con trai mạnh khỏe ngày nào giờ gầy đi vì bệnh, bà không khỏi xót xa: “Nếu tôi không làm, con tôi sẽ chết mất. Ngày xưa nó tới 70 kg, bây giờ không biết còn nổi 50 kg không nữa”.
'Không bao giờ bỏ cuộc'
Bà Cử khóc nhiều trong lúc nói chuyện với tôi nhưng khi có điện thoại, bà lau vội nước mắt, cố cho giọng bình thường rồi mới dám nghe. Đó là điện thoại của anh Hiệu.
Bà Cử tâm sự, suốt 13 năm qua không ít lần mệt mỏi và mất phương hướng, nhưng tuyệt nhiên bà chưa từng than thở trước mặt con trai. Là người ở bên cạnh con, hơn ai hết, bà hiểu anh Hiệu cũng dằn vặt bản thân khi nghĩ mình là gánh nặng của cả gia đình.
“Nó ở phòng trọ một mình buồn nên hay gọi điện cho tôi lắm, hỏi tôi khi nào về. Cứ khoảng chiều chiều vắng khách hay khi nào nó gọi điện kêu mệt tôi lại chạy về thăm nó. Tôi biết nó buồn nên mỗi lần về nhà không dám khóc hay than mệt, sợ nó lại nghĩ ngợi lung tung lại bệnh thêm. Giờ bệnh tật thì nó vẫn là con mình, nó còn chịu được thì tôi cũng chịu được, không bao giờ bỏ cuộc giữa chừng ”, bà Cử nói.
|
Tôi chở bà Cử về thăm anh Hiệu ở nhà trọ cách chỗ làm không xa. Trong căn phòng khá hẹp và tối, anh Hiệu nhìn xanh xao, đang ngồi trên chiếc võng đặt giữa phòng. Thấy mẹ về, mặt anh vui hơn hẳn, anh cũng đáp lại lời chào của tôi bằng một giọng yếu ớt. Tôi hỏi anh có buồn lắm không, anh Hiệu cười nhẹ rồi nói: “Buồn chứ, ở đấy không giống ngoài quê, không có ai để nói chuyện, tôi bệnh cũng không đi xa được. Chỉ có khi nào mẹ về thì hai mẹ con nói chuyện với nhau vui hơn”.
Vào TP.HCM chạy thận được 3 năm nhưng tình hình bệnh của anh Hiệu cũng không tiến triển nhiều. Ngoài việc một tuần chạy thận 3 lần thì cứ khoảng gần 3 tháng anh lại bị thiếu máu một lần, mỗi lần truyền máu hết khoảng 10 triệu đồng. Chính vì để tiết kiệm tiền nên hai mẹ con bà Cử đã 2 năm chưa về quê ăn tết.
|
“Hầu như tháng nào làm cũng đủ tiền cho hai mẹ con nên không có dư, về tết thì vé rất đắt nên ở lại dành tiền chữa bệnh. Được cái tết không đi làm, hai mẹ con ở nói chuyện với nhau cũng đỡ buồn”, vừa nói bà Cử vừa nhẹ nhàng xoa xoa bàn tay cho đứa con trai tội nghiệp.
13, 15 hay 20 năm nữa, không ai biết bao giờ hành trình chạy thận của mẹ con bà Cử mới kết thúc. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, dù cho hành trình ấy có dài bao lâu đi chăng nữa thì tình yêu thương của bà Cử dành cho con trai của mình cũng không bao giờ vơi.
Bình luận (0)