Nghi lễ chào cột mốc diễn ra nghiêm trang. Cả đoàn người lặng đi để cảm nhận về ý nghĩa thiêng liêng của cột mốc quốc gia, về ranh giới và chủ quyền lãnh thổ.
Trong 2 ngày 17 - 18.3, tại xã biên giới Axan (H.Tây Giang), Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tổ chức chương trình “Tháng ba biên giới” chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi” với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.
Chào cột mốc chủ quyền |
THU VUI |
Xúc động trước cột mốc biên cương
Đại úy Nguyễn Văn Lợi, Chính trị viên Đồn biên phòng Axan, cho biết đoàn viên, thanh niên tham quan và thực hiện nghi thức “Chào cột mốc chủ quyền” là hoạt động hết sức ý nghĩa nhằm tuyên truyền, giáo dục cho các bạn trẻ về mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào và chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
“Qua đây, thanh niên sẽ thấy được vai trò, trách nhiệm của mình. Mỗi đoàn viên, thanh niên sẽ trở thành tuyên truyền viên để cùng với lực lượng biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc”, đại úy Lợi nói.
Nhiều phần quà đến với người dân
Chương trình “Tháng ba biên giới” có nhiều hoạt động thiết thực: tặng 300 đôi giày thể thao cho 300 học sinh; 1 km công trình “Thắp sáng vùng biên” bằng năng lượng mặt trời; vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 cho UBND H.Tây Giang. Đồng thời trao 100 suất quà cho gia đình có công cách mạng, gia đình hoàn cảnh khó khăn tại xã Axan; cấp phát thuốc miễn phí cho 100 hộ dân, hỗ trợ sinh kế cho 5 hộ thanh niên dân tộc thiểu số... Tổng kinh phí thực hiện hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, Tỉnh đoàn Quảng Nam cũng khánh thành, bàn giao 1 “Nhà nhân ái” cho thanh niên nghèo tại xã Lăng (H.Tây Giang).
Trong chương trình “Tháng ba biên giới”, các đoàn viên, thanh niên tình nguyện tích cực sẻ chia khó khăn với người dân bản địa. Bác sĩ Nguyễn Trung Hiếu (Khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa Quảng Nam) không ngơi nghỉ khi liên tục phát thuốc, thăm khám cho các cụ già và em nhỏ. Nhiều năm tham gia công tác thiện nguyện, bác sĩ Hiếu hiểu rõ nỗi cực nhọc, khó khăn của người dân vùng cao, nhất là trong việc khám chữa bệnh.
“Ở đây bà con còn chịu quá nhiều thiệt thòi. Tôi biết việc khám, cấp thuốc miễn phí này cũng không là gì so với những hoạt động lớn lao khác, chỉ mong sẽ giúp được bà con một phần nào đó. Qua đây, tôi cũng mong tuổi trẻ tỉnh nhà có nhiều hoạt động hơn nữa ở vùng sâu, vùng xa như một sự tri ân đối với vùng đất chủ quyền và con người nơi đây”, anh Hiếu chia sẻ.
Gắn kết hai miền xuôi - ngược
Sau chuyến đi, bác sĩ Hồ Thị Thúy Hằng (Khoa Nội, Bệnh viện đa khoa Quảng Nam) cho biết mình có thêm nhiều cảm xúc về vùng biên giới chủ quyền, về đồng bào vùng sâu và gia tăng trách nhiệm. “Có trải nghiệm, chứng kiến cuộc sống của người dân mới cảm nhận hết những khó khăn, thiếu thốn của họ. Tôi cũng thường xuyên tâm sự với bạn bè rằng còn trẻ thì hãy làm những việc có ý nghĩa nhất cho cộng đồng. Những hoạt động này đã giúp tôi hiểu và yêu hơn con người nơi đây”, chị Hằng tâm sự.
Ông Ta Ngôn Thiếu, Chủ tịch UBND xã Axan, cho biết đời sống người dân vùng biên giới đang gặp khá nhiều khó khăn, chính vì lẽ đó địa phương mong những hoạt động tình nguyện sẽ được các đoàn thể, bạn trẻ tiếp tục duy trì. “Những năm qua, với tinh thần cống hiến và sức trẻ, đoàn viên, thanh niên đã đóng góp rất nhiều phần việc ý nghĩa, thiết thực. Chính những hoạt động này đã gắn kết vẹn tròn nghĩa tình giữa hai miền xuôi - ngược”, ông Thiếu khẳng định.
Anh Hoàng Văn Thanh, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Nam, tin tưởng chương trình “Tháng ba biên giới” sẽ giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về truyền thống, lịch sử của cột mốc, đường biên tại khu vực biên giới Việt - Lào. “Đây là hoạt động ý nghĩa, thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, đồng thời góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa thanh niên với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở khu vực biên giới”, anh Thanh nhấn mạnh.
Bình luận (0)