Thắng cảnh Ô Loan bị lấn chiếm tràn lan

01/06/2018 14:05 GMT+7

Đầm Ô Loan (H.Tuy An, Phú Yên) đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 1996, nay đang bị lấn chiếm tràn lan do chính quyền xử lý thiếu kiên quyết.

Đầm Ô Loan có diện tích khoảng 1.570 ha, hiện có gần 415 ha nuôi tôm nhưng trong số đó chỉ khoảng 65,7 ha được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn lại là lấn chiếm. Đặc biệt gần đây xuất hiện nhiều trường hợp lấn chiếm mặt nước đầm để nuôi trồng thủy sản trái phép. Nhiều hồ nuôi thủy sản rộng hàng nghìn mét vuông “xuất hiện” chỉ sau một đêm.

Với cọc nhọn và lưới mùng chuẩn bị trước, chỉ cần đóng cọc và kéo lưới bao quanh là hoàn thành một hồ nuôi thủy sản. Nếu chính quyền địa phương không phát hiện thì những bờ lưới và cọc sẽ dần được thay thế bằng bờ đá, bờ đất kiên cố.
Ông Huỳnh Văn Cư, một người nuôi tôm ở đây, cho biết: “Từ khi khởi công tuyến đường giao thông An Cư - An Hiệp - An Hòa đến nay, nạn lấn chiếm đầm nở rộ hơn”. Ngoài ra, người dân còn xây nhà trái phép ven bờ đầm Ô Loan. Việc UBND xã An Cư xử lý không nghiêm những người lấn chiếm và xây cất nhà trái phép khiến cho nhiều người bất bình, một số người khác lấy cớ này để tiếp tục lấn chiếm. Theo ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND H.Tuy An, có trường hợp lấn chiếm đầm là nguyên cán bộ, đảng viên.
Ông Tiếu Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã An Cư (H.Tuy An), cho biết năm 2002 huyện và xã đã có kế hoạch giải tỏa diện tích bị lấn chiếm, nhưng khi triển khai thì người dân tụ tập đông người và kéo đến UBND xã, sợ xảy ra điểm nóng nên huyện dừng việc giải tỏa. Từ đó, người dân càng lấn tới, khiến việc quản lý đất đai ở địa phương gặp nhiều khó khăn.
Ông Cừ lo lắng: “Các trường hợp vi phạm nêu trên, UBND xã đều lập biên bản nhưng không thể ra quyết định xử phạt vì vi phạm đất di tích thắng cảnh cấp quốc gia nên mức phạt quá cao, thuộc thẩm quyền cấp trên. Đối với mặt nước đầm Ô Loan, xã đã có chủ trương giao mặt nước cho dân và chỉ trong phạm vi 100 m tính từ bờ trở ra, ngoài phạm vi này xã kiên quyết xử lý”.
Ông Cừ còn cho biết thêm hiện có 243 hồ nuôi thủy sản với diện tích khoảng 992.570 m2 không có quyết định giao đất, nhưng địa phương chưa nắm rõ trong số này có bao nhiêu cán bộ, đảng viên vi phạm…

Trước tình trạng này, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó chủ tịch UBND H.Tuy An, nhìn nhận công tác quản lý, bảo vệ di tích thắng cảnh cấp quốc gia đầm Ô Loan của chính quyền các xã ven đầm và cơ quan chủ quản thuộc Sở VH-TT-DL hầu như buông lỏng. Ông Thanh khẳng định nhà ở xây dựng trái phép nằm trong diện tích thuộc khu vực 1 đầm Ô Loan thì buộc phải tháo dỡ.
Riêng các khu vực thuộc thôn Tân Hòa (xã An Hòa), xóm Bến (xã An Hiệp), xóm Chuối, xóm Chiếu, xóm Đá (xã An Cư) có số hộ vi phạm nhiều, các hộ dân ở từ trước năm 1996, nếu di dời sẽ gây thiệt hại lớn nên đề nghị tỉnh xem xét cho phép tồn tại. Việc tồn tại các khu vực nuôi trồng thủy sản trong đầm Ô Loan sẽ thực hiện và xử lý theo quy hoạch của tỉnh.
UBND H.Tuy An đề nghị Sở VH-TT-DL sớm tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản giao mốc khu vực 1 đất di tích thắng cảnh đầm Ô Loan cho các địa phương để quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm. Trong khi đó, ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Yên, cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND H.Tuy An thống kê toàn bộ những trường hợp lấn chiếm đầm để xử lý trong tháng 6.2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.