‘Thằng đi dạy thêm, đứa làm tiếp thị’: 'Giả' cô giáo kiếm tiền triệu/tháng

Là sinh viên năm 3 khoa Văn học, nhận làm gia sư 3 lớp, lịch dạy của Thư trải dài từ thứ 2 đến thứ 7 với tổng tiền công là 5 triệu đồng/tháng, Thư ‘sống khỏe’ mà không cần cha mẹ gửi tiền lên mỗi tháng. Có điều, cô bị trung tâm buộc 'đóng giả' cô giáo.

Khác với nhiều bạn sinh viên khác, khi vừa vào năm nhất đại học, Huỳnh Lê Anh Thư, sinh viên khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã bắt đầu đi làm thêm. Thư cho biết mình đi làm thêm vì muốn tự trang trải cuộc sống một phần, phần khác vì muốn có thêm kinh nghiệm sống.
Do vậy, Thư đã trải qua nhiều công việc làm thêm từ phục vụ quán cà phê, phụ bán xôi sáng sớm đến PG các chương trình chạy ở chợ cuối tuần, phục vụ tiệc cưới. Đến năm 3 đại học, Thư chuyển sang làm gia sư, đây là cột mốc mà bây giờ khi nhắc lại Thư nói: “Đó là ngã rẽ cuộc đời”.
Tuyển sinh viên ‘đóng vai’ giáo viên
Thư kể, đầu năm 3 đại học, Thư quyết định thử làm gia sư vì làm các nghề kia thấy cực quá. Ban đầu, Thư lên google gõ từ khóa “tuyển gia sư” sau đó đọc các thông tin về lớp cần gia sư và gọi điện thoại để tìm hiểu. Thư chọn được lớp rèn Toán - Tiếng Việt lớp 1, tuần 5 buổi, mỗi buổi 90 phút với tiền công 2 triệu tại quận Thủ Đức (cách chỗ Thư ở 12 km) mà trung tâm đăng tin lại ở quận Bình Tân.
“Chuẩn bị tinh thần xong mình gọi đến trung tâm, đầu dây bên kia nói mình nhận lớp lần đầu nên phải đến tận nơi để đóng tiền phí nhận lớp. Phí nhận lớp bằng 40% lương tháng đầu tiên, tức là 800.000 đồng. Khi đó mình rất sợ lừa đảo nhưng cũng ‘liều mạng’ chạy đến vì rất muốn nhận được lớp này”, Thư nhớ lại.
Giữa giờ học, Thư còn thường hay chơi, tâm sự cùng cậu học trò nhỏ Ảnh: NVCC
Theo lời Thư, khi đến trung tâm Thư khá bất ngờ vì mọi thứ khác hẳn với tưởng tượng ban đầu. Gọi là trung tâm nhưng căn phía trước không có bảng hiệu, bên trong căn phòng chưa đến 15 mét vuông nằm sâu trong con hẻm cụt cũng chỉ có 2 người ngồi ôm máy tính.
Một người đàn ông tầm 33 tuổi tự giới thiệu mình tên H. (trên website ghi là thầy H.), anh H. nói: “Đây là lớp phụ huynh yêu cầu người dạy là giáo viên nên bên anh sẽ giới thiệu em là giáo viên để đến nhận lớp”. Thư rụt rè: “Em mới là sinh viên năm 3 thôi ạ”.
H. tiếp lời: “Mấy lớp sinh viên lương thấp lắm, một buổi dạy lại kéo dài tới 120 phút, em sẽ mệt và tốn thời gian hơn. Ở lớp này, em chỉ cần đi làm ăn mặc chỉn chu, đừng mặc đồ teen như em đang mặc là được. Anh sẽ giới thiệu em là giáo viên chủ nhiệm lớp 1 trường tiểu học Đông Ba (Q.Phú Nhuận) để phụ huynh khỏi nghi ngờ. Khi gặp phụ huynh hỏi em nói y chang vậy là được rồi”.
Thư chia sẻ: “Đóng tiền xong họ đưa mình tờ biên nhận, nhưng vẫn trong tâm lý sợ bị lừa, khi vừa ra đến cửa mình gọi điện thoại ngay cho phụ huynh theo số mà người ta cho. Đầu dây bên kia nói đúng rồi, xong hẹn mình chiều tới trao đổi rồi mai dạy luôn”.

Mình thấy áy náy khi giới thiệu là giáo viên, nhưng không dám nói sự thật với phụ huynh. Bù vào đó mình thường xuyên tham khảo các bài giảng trên mạng để biết cách dạy Nguyên dễ hiểu. Lâu dần thành quen, Nguyên bắt đầu kể với mình nhiều chuyện ở trường, hôm thì khoe có mấy bạn gái, hôm thì khoe mấy hình dán ngộ nghĩnh mới xin được của bạn. Có lần mình cảm nên khàn giọng, Nguyên cũng hỏi Cô ơi cô bệnh hả làm mình thương lắm. Rồi trước khi nghỉ tết, mẹ Nguyên còn tặng đòn bánh tét và ít bánh kẹo khiến mình thấy ấm lòng lắm

Huỳnh Lê Anh Thư tâm sự

Chiều đó, trên chiếc xe wave cũ cọc cạch, vừa hồi hộp vừa sợ kẹt xe Thư chạy tới nhà phụ huynh sớm hẳn nửa tiếng rồi đứng đợi. Nhà phụ huynh nằm trong một khu toàn biệt thự gần khu Cá sấu Hoa Cà, vừa tới nơi Thư đã bị choáng ngợp vì sự đồ sộ ở đây, chưa kể số nhà phụ huynh lại là 3 căn nhà liền kề.
Đúng giờ, Thư bấm chuông cửa, 10 giây sau, một người phụ nữ mang dáng dấp làm kinh doanh ra mở cửa hồ hởi mời Thư vào. Chị phụ huynh tự giới thiệu chị là mẹ của Khôi Nguyên - học sinh mà Thư sẽ dạy.
Thư kể tiếp: “Lúc đó chị phụ huynh lịch sự lắm, chị hỏi mình đang dạy trường nào, đã đi dạy được mấy năm. Lỡ rồi mình lí nhí nói theo sự hướng dẫn của trung tâm. Xong chị hỏi mình có phải đóng tiền cho trung tâm không? Mình nói có, rồi chị nói vậy để chị gọi lại bên đó giả bộ nói là không cần gia sư nữa để họ trả lại tiền cho mình. Nói rồi chị gọi liền, mình ra về mà day dứt mãi”.
Tình “thầy - trò”
Từ đó, thứ 2 đến thứ 6 đều đặn cứ 17 giờ 30 là Thư lại có mặt ở nhà cậu học trò để “đóng vai” cô giáo. Thư chia sẻ, cậu học trò của mình có khuôn mặt khá lanh lợi nhưng hơi cứng đầu, một phần có lẽ vì là con nhà giàu.
“Ngày nào mình đến dạy, Khôi Nguyên cũng xuống mở cổng khoanh tay chào cô rồi lấy hai chai nước lạnh để mình uống. Những ngày đầu dạy a, ă, â mà mãi Nguyên không nhớ, mình giận quá bắt Nguyên xòe tay để dùng thước kẻ đánh vô tay. Từ đó, Nguyên răm rắp nghe lời”, Thư kể.
Cũng có lần Thư đến dạy vào đúng lúc Nguyên đang chơi cùng anh chị em trong nhà, mải chơi, cậu nhóc “không thèm” chào cô dù mẹ nhắc mấy lần. Thế là lần đó Nguyên bị mẹ cầm cây đánh nhừ đòn, khóc nấc nhưng cũng biết sợ cô giáo.
Thư tâm sự: “Mình thấy áy náy khi giới thiệu là giáo viên, nhưng không dám nói sự thật với phụ huynh. Bù vào đó mình thường xuyên tham khảo các bài giảng trên mạng để biết cách dạy Nguyên dễ hiểu. Lâu dần thành quen, Nguyên bắt đầu kể với mình nhiều chuyện ở trường, hôm thì khoe có mấy bạn gái, hôm thì khoe mấy hình dán ngộ nghĩnh mới xin được của bạn. Có lần mình cảm nên khàn giọng, Nguyên cũng hỏi Cô ơi cô bệnh hả làm mình thương lắm. Rồi trước khi nghỉ tết, mẹ Nguyên còn tặng đòn bánh tét và ít bánh kẹo khiến mình thấy ấm lòng lắm”.
Không may mắn như Anh Thư, “sự nghiệp gia sư” của Lưu Thị Như Trang (22 tuổi, quê Ninh Thuận) gặp khá nhiều chông gai mà đến giờ nghĩ lại Trang cũng cảm thấy “buồn buồn nhớ đời”.
Trang kể, học trò đầu tiên của Trang là một cậu nhóc học lớp 1 nhà siêu giàu. Ngay từ ngày gặp đầu tiên, cậu nhóc đã tỏ vẻ khó chịu khi nhìn thấy cô giáo khiến Trang cũng không mấy vui.
Đắng cay nhất là khi Trang vừa ra tới cổng, người giúp việc mở cổng rồi lắc đầu nói với Trang: “Tội nghiệp em, thằng nhóc không chịu học ai đâu, em là cô giáo thứ 5 trong 5 tháng liên tiếp đó”.
“Nếu bé khó chịu với mình mà chịu học thì cũng không sao, đằng này lại cứ đơ cái mặt ra không chịu học, mình nói ngọt, nói nặng, dùng kẹo, đủ kiểu hết mà bé vẫn kiên quyết không chịu học. Mỗi lần mình đến bé liếc một cái như dao cứa ngang mặt mình vậy đó, không thèm chào hỏi gì, không hiểu sao mà bé ghét mình dữ vậy”, Trang bộc bạch.
Cuối cùng, sau khi kết thúc 1 tháng dạy, người dì của cậu học trò nói với Trang rằng Vì bé không thích em dạy nên nhà chị sẽ kiếm giáo viên khác. Trang nhận tiền lương rồi lúi húi dắt xe ra về.
Đắng cay nhất là khi Trang vừa ra tới cổng, người giúp việc mở cổng rồi lắc đầu nói với Trang: “Tội nghiệp em, thằng nhóc không chịu học ai đâu, em là cô giáo thứ 5 trong 5 tháng liên tiếp đó”.
Kiếm tiền triệu mỗi tháng
Từ 1 lớp ban đầu, sau 3 tháng, Thư bắt đầu nhận thêm lớp để có thêm thu nhập. Đó là 1 lớp Văn 7, 2 buổi/tuần, mỗi buổi 1 giờ 30 phút tại quận Bình Thạnh (gần lớp Thư đang dạy) với tiền công là 1,2 triệu đồng. Dĩ nhiên, mức lương cao như vậy Thư cũng được trung tâm giới thiệu đang là giáo viên.
Học trò của Thư đều là những em rất ngoan và biết nghe lời Ảnh: NVCC
Sau buổi gặp phụ huynh, Thư sắp xếp giờ dạy tại đây từ 19 giờ 15 thứ ba, thứ năm. “Mình nghĩ khá tiện đường, từ nhà Khôi Nguyên di chuyển qua nhà phụ huynh này cũng không xa nên sẵn công đi mình nhận dạy luôn”.
“Lớp Văn này là một bé gái rất ngoan, nhà bé cũng là công ty. Mình bước đến đâu đèn tự động sáng đến đó. Vừa đi mà mình vừa nghĩ bụng Không biết khi nào nhà mình mới được như vậy (cười).
Vì học chuyên ngành Văn, lại học qua nghiệp vụ sư phạm nên những văn bản, từ ngữ, tập làm văn trong cuốn sách chẳng thể làm khó được Thư. Thư nói: “Đây là lớp học mình khoái nhất vì mình không chỉ nói với học sinh những gì trong sách mà còn nói về những gì mình hiểu được. Cô bé học sinh rất hào hứng, đến mức khi ra trường đi làm mình bận quá không dạy được cô bé nhất quyết không học thêm ai”.
Thấy đi làm gia sư “khỏe re”, tiền công lại cao, Thư quyết định nhận dạy thêm Toán – Tiếng Việt cho học sinh lớp 4, tuần 2 buổi (thời gian do Thư chọn), 90 phút/buổi, tiền công 2 triệu.
“Đến khi dạy 3 lớp, tổng thu nhập của mình đã ở mức 5,2 triệu/tháng. Trong khi đi dạy về mình vẫn có thời gian học bài, đi chơi cùng bạn bè. Công việc này không quá mệt mỏi và tốn thời gian như các công việc trước đó mình đã làm. Tính ra một buổi dạy 90 phút là đã có khoảng 120.000 - 150.000 đồng. Lúc này thì gia đình không cần gửi tiền cho mình nữa mà mình vẫn dư giả và có tiền lo ăn ở với đóng tiền học”, Thư hào hứng cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.