Thắng Lợi ở Hoàng Sa

15/06/2021 09:02 GMT+7

Thắng Lợi - tổ đoàn kết vươn khơi xa bám ngư trường Hoàng Sa ( Đà Nẵng ) nhiều năm qua là điển hình trong tương trợ giữa các tàu cá, cũng như tăng cường sự hiện diện, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Chúng tôi là anh em”
Giữa cái nắng mùa hè miền Trung cháy da, trở về sau chuyến biển dài ngày từ ngư trường truyền thống Hoàng Sa, ông Nguyễn Phương Bình (46 tuổi, chủ tàu cá ĐNa 91095), Tổ phó Tổ đoàn kết Thắng Lợi, chưa kịp nghỉ ngơi, thì nhận được điện thoại từ một thành viên báo tin tàu đang lên đà sửa chữa... Ông Bình liền ra âu thuyền Thọ Quang (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) để kịp thời giúp đỡ tàu bạn.
“Chúng tôi ai cũng vậy, nghe tin tàu các thành viên sửa chữa, thì không ai bảo ai cứ thế kéo đến hỗ trợ. Trên đất liền chúng tôi là bạn bè, hàng xóm thân thiết. Khi vươn khơi bám biển Hoàng Sa, chúng tôi là anh em, có sướng cùng hưởng, có họa cùng chia”, ông Bình giọng chắc nịch.
Cái “sướng” mà ông Bình nhắc đến, chính là sự hỗ trợ lẫn nhau trong việc khai thác trên ngư trường. Hễ tàu nào xác định được vị trí dồi dào hải sản, thì báo ngay qua hệ thống điện đàm ICOM để tàu khác đến đánh bắt, tăng thu nhập. Còn “họa” để chia chính là những lúc các tàu trong tổ gặp thiên tai, tàu Trung Quốc cản trở...
Tổ đoàn kết Thắng Lợi được thành lập ngày 27.10.2019, tập hợp 14 tàu cá có công suất lớn, với nhiều ngành nghề khác nhau, như hậu cần, lưới chuồn, câu cá ngừ đại dương... Riêng gia đình ông Bình có 4 chiếc tàu, trong đó ông làm chủ chiếc ĐNa 91095, 2 chiếc của 2 em gái là ĐNa 91089 và ĐNa 91086. Cha ông Bình là ông Nguyễn Sáu vì tuổi cao nên đã chuyển chiếc tàu cá cho con trai út là Nguyễn Lợi kế tục công việc đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa. Ông Sáu tuy ở nhà nhưng là Tổ trưởng Tổ đoàn kết Thắng Lợi, hằng ngày xử lý các công việc trong đất liền.
“14 tàu ra đến ngư trường Hoàng Sa sẽ tản ra để đánh bắt. Trúng luồng cá tốt thì gọi nhau đến. Chúng tôi quy ước với nhau sẽ tập hợp lại một địa điểm vào đầu giờ chiều thông qua tần số riêng để kịp thời tương thân, tương trợ lẫn nhau lúc gặp gió máy hoặc tàu Trung Quốc xua đuổi”, ông Bình kể.
Ngoài những việc hỗ trợ trên biển, ngư dân Thắng Lợi còn giúp đỡ lẫn nhau những lúc tàu vào bờ. Khi tàu sửa chữa nhỏ thì dùng quỹ tích lũy hằng năm để hỗ trợ. Nếu sửa chữa lớn, vốn chung không đủ thì các tàu góp lại, cốt làm sao tàu có thể trở lại biển sớm nhất.
Thắng Lợi ở Hoàng Sa

Cờ Tổ quốc được ngư dân trên tàu ĐNa 90195 phất lên khi thấy tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện từ xa (khoanh tròn)

ẢNH: P.B

Hoàng Sa là nhà

Đang sửa chữa tàu ĐNa 90268 ở âu thuyền Thọ Quang, ngư dân Phạm Văn Liêm (47 tuổi) bảo: “Khi tàu này xong, anh em lại quay sang hỗ trợ tàu của thằng út trong tổ là Nguyễn Lợi. Nó mới cưới vợ, tàu đi lưới chuồn gần đây nên vốn tích lũy cũng chưa được là bao. Nếu sự tương trợ lẫn nhau khi tàu về bờ quý 1 thì trên biển quý thành 10. Nhất là trong những tình huống gặp tàu hải cảnh Trung Quốc phá lưới, hung hãn xua đuổi... Đã không ít trường hợp các tàu cá kịp thời tập hợp thành đội hình đoàn kết khiến tàu hải cảnh Trung Quốc không dám manh động”.

Góp phần thiết thực bảo vệ chủ quyền biển đảo

Đại úy Dương Hữu Hưng, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Sơn Trà (Bộ đội biên phòng Đà Nẵng), chia sẻ: “Tàu cá của các tổ đoàn kết, mà Thắng Lợi là điển hình, không chỉ giúp nhau làm ăn, đánh bắt trên biển hiệu quả, mà còn góp phần thiết thực nhất trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, bởi sự hiện diện thường xuyên ở Hoàng Sa”.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng Lưu Quang Khánh, Đà Nẵng hiện có 94 tổ đoàn kết với 575 tàu cá đánh bắt chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa. Chỉ riêng năm 2014, có 25 tàu cá Đà Nẵng là thành viên các tổ đoàn kết tham gia đấu tranh, ngăn chặn Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Do thường xuyên bám biển Hoàng Sa nên việc chạm mặt với các tàu hải cảnh Trung Quốc diễn ra như “cơm bữa”, có khi hải cảnh Trung Quốc cho thả bo bo rồi cho người có vũ trang xuống áp sát, gây áp lực… “Cứ thấy tàu ngư dân Việt Nam là gần như ngay lập tức tàu hải cảnh Trung Quốc quay đầu truy đuổi. Vì tàu lớn cộng với thái độ hung hãn nên chúng tôi buộc phải rời đi để tránh những va chạm nguy hiểm trên biển. Nhưng chúng tôi hoàn toàn không sợ, không bao giờ bỏ ngư trường truyền thống”, ông Liêm kể. Còn ngư dân Nguyễn Lợi cho biết đã nhiều lần phát hiện tàu Trung Quốc vào đến vị trí vùng biển của Đà Nẵng chỉ cách bờ hơn 140 hải lý. Ngay lập tức các tàu trong Tổ đoàn kết Thắng Lợi đã báo về cho bộ đội biên phòng ở Đà Nẵng xử lý.
Còn theo ông Bình, hiện nay tình hình trên biển đang phức tạp nên để tránh những va chạm, các ngư dân tránh chạm mặt các tàu của Trung Quốc. Thủ đoạn của tàu Trung Quốc là cho chạy quanh khu vực ngư dân đang bỏ lưới để phá lưới. Khi phát hiện tàu Trung Quốc, các thành viên lấy cờ Tổ quốc ra phất để cảnh báo cho tàu khác biết và ứng phó. “Có đêm, đã
2 giờ, chúng tôi đang ngủ thì tàu Trung Quốc đến hụ còi inh ỏi để xua đuổi. Chúng tôi luôn xác định, nó làm việc gì kệ nó, Hoàng Sa là của mình. Tuy nhiên, do tàu mình là tàu nhỏ, trong khi đó tàu Trung Quốc to, lại được trang bị vòi rồng công suất lớn, nên vì sự an toàn là trên hết, chúng tôi tạm di chuyển đến nơi khác để trú”, ông Bình kể thêm.
Thắng Lợi ở Hoàng Sa

Ngư dân Nguyễn Phương Bình đã nhiều năm kiên cường trụ vững ngư trường Hoàng Sa

ẢNH: P.B

Kiên cường trụ ở Hoàng Sa

Năm 2020, ông Nguyễn Phương Bình được tuyên dương vì thành tích thông tin bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Là anh cả trong gia đình có 4 anh em, ông Bình từ nhỏ đã sớm theo chân cha bám biển Hoàng Sa để phụ giúp gia đình. Mỗi năm, ông có mặt ở trên biển nhiều hơn thời gian ở nhà cùng vợ con. Có thời gian, ông ở nhà làm dịch vụ hậu cần nghề biển nhưng rồi bồn chồn nhớ những chuyến ra khơi xa, ông đã vay vốn để đóng mới con tàu vào năm 2018. Ông bảo, nghề biển giã ngày nay nhiều mối đe dọa, phải tính toán đủ thứ để không phải lỗ vốn đi biển. Và dù luôn đối mặt với nhân tai là sự hung hãn của tàu Trung Quốc, thì ông vẫn chưa khi nào có ý định bỏ biển Hoàng Sa.
Những năm gần đây, các tàu thành viên Thắng Lợi đã hỗ trợ nhau lai dắt nhiều tàu bị nạn về bờ an toàn. Như năm 2020, tàu ĐNa 91026 trở ngại máy, bị trôi dạt trên biển. Tức thì, tàu ĐNa 91095 và ĐNa 90474 đã tiếp cận và lai dắt về bờ sửa chữa. Hay hy hữu hơn, mới đây, tàu ĐNa 90268 bị sự cố chân vịt, các thành viên tàu Thắng Lợi qua bàn bạc đã cử tàu ĐNa 91106 đến lai dắt. Chiếc ĐNa 91106 tuy “nhỏ con” hơn rất nhiều tàu bị nạn nhưng bằng nỗ lực của mình đã lai dắt về bờ an toàn.
Chia tay các ngư dân kiên cường trụ vững Hoàng Sa, tôi hỏi thêm về tình hình đánh bắt ở Hoàng Sa trong nửa năm qua, thì ông Bình dứt dạt: “Thắng lợi!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.