Kết quả kinh doanh tài chính của một số 'ông lớn' trong ngành sản xuất cho thấy, doanh thu lợi nhuận khủng của các tập đoàn lại đến từ những mảng 'không ngờ đến'.
Nhiều DN thắng khủng nhờ đầu tư vào những lĩnh vực mới, phù hợp nhu cầu thị trường - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Lợi nhuận khủng
Cám, xúc xích, bò là 3 sản phẩm mang lại lợi nhuận khủng cho các "đại gia" lừng lẫy trên thị trường hiện nay. Báo cáo kết quả kinh doanh vừa mới công bố của Masan Group cho thấy, chỉ riêng mảng thức ăn chăn nuôi đã giúp doanh thu của doanh nghiệp này tăng gần gấp đôi so với năm 2014. Cụ thể, trong hơn 30.000 tỉ đồng doanh thu của tập đoàn trong năm 2015, công ty con của tập đoàn là Masan Nutri-Science, hiện sở hữu hai nhãn hàng lớn trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi là Proconco và Anco chiếm trên 14.000 tỉ đồng (46% tổng doanh thu). Như vậy, sau 8 năm “tung hoành”, thế mạnh của Masan là mảng tiêu dùng nhanh với nước chấm, mì ăn liền, cà phê hòa tan... đã giảm xuống chỉ còn 43%. Masan vốn là doanh nghiệp (DN) sản xuất đa ngành gồm: thực phẩm tiêu dùng nhanh, khai thác khoáng sản, thức ăn chăn nuôi, bia nước giải khát. Trong đó, lĩnh vực tiêu dùng nhanh được đánh giá là ngành chủ lực của DN trong những năm trước 2014. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh năm qua đã có sự thay đổi khá ngoạn mục và thức ăn chăn nuôi hiện là mặt hàng mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho DN.
Tương tự với Công ty TNHH một thành viên Vissan, trong hơn 4.000 tỉ đồng tổng doanh thu, hai sản phẩm chính đóng góp phần lớn với doanh thu của công ty năm qua là thịt lợn và xúc xích. Vissan vốn được biết đến là thương hiệu thịt sạch trên thị trường, mặt hàng thịt đã đóng góp gần 40% vào tổng doanh thu của công ty, nhưng lợi nhuận mang lại cho DN trong mảng này rất thấp. Lãi gộp trong nhóm sản phẩm tươi sống (thịt heo, bò, gà) của Vissan từ 4% trong năm 2014 tăng lên 9% trong năm qua. Trong khi đó, chỉ riêng mặt hàng xúc xích (nhóm thực phẩm chế biến khô) có tỷ suất lợi nhuận đến 32%, mức lợi nhuận cao nhất trong các mặt hàng. Thịt hộp, lạp xưởng, hàng đông lạnh... của Vissan cũng có lợi nhuận trên 20%. Theo đại diện Vissan, mặc dù chỉ chiếm 1/4 doanh thu, nhưng sản phẩm xúc xích đang đóng góp hơn 50% tổng lợi nhuận của công ty. Và hiện công ty đang chiếm 65% thị phần xúc xích tiệt trùng của cả nước.
Còn “ông lớn” Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, kết quả kinh doanh 2015 của công ty con của tập đoàn này là Công ty CP nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) cho thấy, tổng doanh thu bán hàng của công ty ước đạt 4.627 tỉ đồng và lợi nhuận thu về gần 1.000 tỉ đồng. Mức tăng trưởng lên đến 109% và lợi nhuận tăng 31% so với năm 2014. Năm 2015, doanh thu và lợi nhuận từ nuôi bò chiếm thị phần lớn nhất trong tổng lợi nhuận của tập đoàn này và vẫn đang tiếp tục tăng nhanh.
Doanh nghiệp năng động sẽ thắng
Bình luận về các trường hợp trên, TS Nguyễn Văn Ngãi, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Đây là dấu hiệu quá tích cực, bởi trước hết, những hình mẫu kinh doanh đa ngành nhưng hiệu quả này sẽ là bài học kinh nghiệm cho nhiều DN khác”.
Theo ông Ngãi, việc nhiều DN tham gia vào sản xuất là có lợi cho nền kinh tế. GDP tăng trưởng cao hay không phụ thuộc vào năng lực sản xuất của nền kinh tế cao hay thấp. Sản xuất mạnh sẽ cải thiện năng lực cạnh tranh kinh tế của một quốc gia. Bản thân DN đầu tư vào sản xuất cũng tốt hơn khi kinh doanh dựa vào quan hệ, chụp giật. Ngoài ra, sản xuất được đẩy mạnh sẽ giải quyết được nhiều công ăn việc làm.
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, nhận định: Hầu hết các tập đoàn đa quốc gia đều hoạt động đa ngành nhưng họ có chiến lược đầu tư bài bản, các công ty con trong từng lĩnh vực hoạt động chuyên nghiệp nên góp phần đưa tập đoàn tăng tốc. Ví dụ IBM được biết đến như một công ty sản xuất máy tính nhưng họ vẫn có công ty con cho thuê tài chính, công ty đầu tư... Điều quan trọng là các DN phải lựa chọn lĩnh vực để đầu tư và có chiến lược dài hạn, nghiên cứu kỹ thị trường, kênh tiêu thụ để giảm thiểu rủi ro. “Khi DN phát triển lớn mạnh, một ngành nghề sẽ không đủ để khiến DN giữ vững độ tăng trưởng bền vững trước thay đổi nhanh chóng của thị trường, làn sóng hội nhập. Tôi ủng hộ việc các DN mở rộng đầu tư đa ngành, thêm lĩnh vực khác. Song để tránh thất bại, DN cần đầu tư vào những ngành sản xuất mà thị trường có nhu cầu lớn, ít đối thủ cạnh tranh và phù hợp với tiềm lực tài chính của mình. Chẳng hạn với Hoàng Anh Gia Lai, họ đang phát triển đúng xu hướng hội nhập khi đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp chăn nuôi. Đây là lĩnh vực chưa có “ông lớn” trong nước nào tham gia mạnh thực sự sau VN hội nhập. Tôi tin cách đầu tư đa ngành, mạnh và có bài bản chuyên nghiệp, học hỏi cách làm của các nước phát triển... các DN lớn trong nước sẽ thành công hơn nữa trong năm tới”, TS Nguyễn Văn Thuận nói.
Bình luận (0)