Tháng thanh niên 2009: Để vốn vay cho thanh niên không nhỏ giọt

23/03/2009 15:46 GMT+7

Ngân hàng và cả T.Ư Đoàn cùng các tỉnh, thành đoàn đều thừa nhận nguồn vốn cho thanh niên (TN) vay là không hạn chế. Tuy nhiên với TN nghèo, đa số đều phàn nàn mức vay còn quá thấp. Thành ra “bầu sữa” (vốn) luôn căng, TN dù có đói (vốn) thì sữa vẫn nhỏ giọt khiến tất cả đều... khó chịu.

Hiện có nhiều “kênh” để TN vay vốn: từ chương trình 120, hộ nghèo, vay vốn sản xuất kinh doanh, cho vay HS-SV, vay qua chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hộ TN dân tộc ít người... Nhưng theo chính những người vay, tất cả “kênh” đều cho vay ở mức rất thấp.

Mức vay còn quá thấp

Vợ chồng trẻ Nguyễn Đức Cường - Vũ Thị Vui ở xã Phương Hưng (Gia Lộc, Hải Dương) khi ra ở riêng, muốn làm ăn kinh tế trang trại nhưng chưa đủ vốn. Hai vợ chồng lập dự án với số tiền 20 triệu đồng, nhưng khi đó (năm 2005) xã đoàn vận dụng mọi cách cũng chỉ giải quyết cho vay 7 triệu đồng từ chương trình 120. Phải vay bên ngoài với lãi suất cao, nay thành “ông chủ, bà chủ” nhưng Cường vẫn ấm ức chuyện vốn vay hồi đó: “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Nếu không tính toán căn cơ, chắc không thể làm được với số vốn vay ít ỏi từ tổ chức Đoàn”.

Ngoài T.Ư Đoàn, Ngân hàng Chính sách xã hội còn ký kết với T.Ư Hội Phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh cùng thực hiện chương trình ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp - bí thư T.Ư Đoàn, năm 2008, trong khi số dư cho vay ủy thác qua tổ chức Đoàn mới đạt gần 3.500 tỉ đồng thì số dư ủy thác qua tổ chức hội phụ nữ các cấp đã lên đến 8.000 tỉ đồng, với các cấp hội cựu chiến binh là trên 4.000 tỉ đồng, hội nông dân là 9.000 tỉ đồng.

Anh Nguyễn Văn Đào ở xã Gia Xuyên (Gia Lộc, Hải Dương) cho vay qua tín chấp của Đoàn được rất thấp. Cuối năm 2005, Đào cùng gia đình nhận thầu đất ruộng trũng của xã để lập trang trại nuôi cá, nuôi heo với mức dự toán ban đầu cần đầu tư 200 triệu đồng. Cả nhà cùng đi vay, nhưng Đào chỉ vay được từ Đoàn đúng 10 triệu đồng. “Mua đàn heo giống cũng mất gần 20 triệu, chưa kể tiền thức ăn... nói gì đến phát triển, làm giàu được”.

Bí thư đoàn xã Gia Xuyên Tăng Văn Méc thừa nhận: Nhu cầu vay vốn làm ăn của TN Gia Xuyên rất lớn. Cả xã trên 1.800 đoàn viên, TN thì khoảng 600 người trong số này có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên do mức vay thấp, lãi suất lại cao nên số lượng đoàn viên, TN vay qua tổ chức đoàn không thể bằng được các tổ chức khác trên cùng địa bàn.

Triển khai từ cuối năm 2005, nhưng đến hết năm 2008 dư nợ của TN chỉ là 571 triệu đồng, trong đó 200 triệu từ vốn vay ưu đãi hộ nghèo với lãi suất 0,65%, còn 371 triệu đồng vay từ chương trình nước sạch thì mức lãi suất lại quá cao (0,9%). “Dư nợ của Đoàn chẳng đáng là bao so với hội nông dân trên 7 tỉ đồng” - anh Méc nói.

Cũng tình trạng này, bí thư Xã đoàn Võ Lao (Văn Bàn, Lào Cai) Hà Văn Thảo cho rằng mức vay thấp như thế thì TN vùng cao rất khó xoay xở làm ăn hiệu quả. Thảo cho biết: “Nay mức vay đã tăng lên 7 triệu đồng, vay hộ nghèo đến 20-30 triệu còn đỡ, chứ từ năm 2008 về trước TN có vay cũng chỉ được 2, 3 triệu, thậm chí 5-10 triệu là hiếm lắm”...

Vốn nhỏ giọt - tắc ở đâu?

Theo báo cáo của T.Ư Đoàn, hết năm 2008 vẫn còn 24 tỉnh, thành đoàn có số dư nợ ủy thác thấp, dưới 30 tỉ đồng. Đặc biệt có mười tỉnh, thành đoàn dư nợ còn ở mức dưới 10 tỉ đồng. Nhiều xã ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn chưa có tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn quản lý khiến kết quả nhận ủy thác thấp.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Hoàng Hiệp thừa nhận tại một số địa phương, tổ chức Đoàn còn lúng túng, chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ trong nhận ủy thác cho vay của ngân hàng, chưa làm tốt công tác kiểm tra sử dụng vốn vay của đoàn viên, đôn đốc trả nợ, đặc biệt là thu hồi nợ quá hạn. Bên cạnh đó không ít cán bộ Đoàn cơ sở còn mang nặng tư tưởng “ngại quản lý tiền”. Có người nghĩ mình là cán bộ đoàn thể, “ôm tiền” vào thì chỉ “mang nợ”.

Anh Hứa Tân Hưng, phó bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai (tỉnh có số dư nợ khá cao lên tới gần 180 tỉ đồng), tiết lộ bí quyết thành công: Cán bộ Đoàn phải thật sự coi đây là công việc của mình. Muốn làm tốt, định kỳ anh phải ngồi với ngân hàng, với huyện, xã xem công việc thế nào, vướng ở đâu, khâu nào để tìm cách tháo gỡ. Nếu cán bộ Đoàn tại cơ sở mà chưa thông hiểu việc này nhiều khi sẽ trở thành vật cản, gây khó khăn cho cả ngân hàng và TN.

Ông Đoàn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết không như những năm trước, năm 2009 nguồn vốn cho Đoàn vẫn dồi dào, mức vay cũng tăng lên đến 30 triệu đồng, trung bình 15-20 triệu đồng. Những tín hiệu này khiến T.Ư Đoàn tin tưởng mục tiêu năm 2009 dư nợ vay vốn qua kênh Đoàn TN sẽ đạt 5.000 tỉ đồng, phấn đấu đạt 8.000 tỉ đồng vào năm 2010. Đặc biệt sẽ có 90% số tỉnh, thành đoàn có số dư nợ trên 30 tỉ đồng, không có tỉnh nào có dư nợ dưới 20 tỉ đồng.

Đức Bình - Hồ Văn

>>Tháng thanh niên 2009: Vốn vay cho thanh niên
>>Tháng thanh niên 2009: Hỗ trợ việc làm và nghề nghiệp cho thanh niên 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.