Thăng trầm cải tiến chữ Quốc ngữ: Tìm lối viết 'đáp ứng mọi yêu cầu'

30/11/2017 06:35 GMT+7

Không phải đến giờ mới có những đề xuất đổi mới chữ Quốc ngữ, mà trong hơn 350 năm hình thành và phát triển, chữ Quốc ngữ đã nhiều lần được đề nghị cải tiến.

Từ điển Việt Bồ La xuất bản năm 1651 tại Ý
Khi chúng ta ca ngợi, tôn vinh và ghi công xứng đáng vai trò của nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes và các giáo sĩ phương Tây khác trong việc “sáng chế” ra chữ Quốc ngữ, thiết nghĩ, việc làm này đúng nhưng vẫn chưa đủ. Bởi các nhà truyền giáo đáng kính này sẽ không bao giờ hoàn thành sứ mệnh vẻ vang, nếu không có sự hợp tác của những người bản xứ. Theo GS Hoàng Tuệ, chính những người bản xứ “vô danh” đã đóng vai trò quan trọng đến mức có giả thuyết là họ đã “trực tiếp tham gia vào việc sáng chế chữ Quốc ngữ” (Hoàng Tuệ - Tuyển tập Ngôn ngữ học - NXB ĐHQG TP.HCM - 2001). Nói thế để thấy rằng, một khi chữ Quốc ngữ ra đời, bản thân nó đã được sự chấp nhận của người bản xứ.
Từ điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes in tại Rome (Ý) ngày 5.2.1651 có thể xem là cột mốc quan trọng trong việc ra đời của chữ Quốc ngữ - lối chữ viết ghi âm dùng chữ cái Latin thay thế cho chữ Hán, chữ Nôm vốn ghi ý. “Lần đầu tiên tiếng Việt được đem ra học hỏi theo lối văn phạm và so sánh với nhiều ngôn ngữ Á Đông và Tây phương, 23 mẫu tự La ngữ được dùng để phiên âm tiếng Việt, trừ những chữ Z, J, F được thay thế bằng GI, D, PH. Về tử âm, cha Đắc Lộ đã sáng kiến ra hai mẫu tự mới β và Đ. Chữ β đọc giữa chữ B và V. Còn chữ Đ thì hoàn toàn là một sáng kiến mới, còn giữ mãi cho đến ngày nay. Về mẫu âm, cha đã đặt ra những chữ Ă, Â, Ô, Ơ, Ư” (Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam - NXB Hiện Tại -1959, tr.287).
Căn cứ vào Đại từ điển tiếng Việt (1999) của Bộ GD-ĐT, Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa VN, nay đã có đến 29 chữ cái, chưa kể Z mà ta đã vay mượn chữ cái Latin để phiên âm tiếng nước ngoài và ghi ký hiệu có tính chất quốc tế được sử dụng trong chữ Quốc ngữ.
Lần cải tiến đầu tiên
Sau Cách mạng Tháng Tám, hàng triệu người đã thoát nạn mù chữ nhờ được dạy chữ Quốc ngữ trong phong trào bình dân học vụ. Chỉ trong vòng ba tháng người học có thể đọc thông, viết thạo (với chữ Hán, chữ Nôm điều này là không thể).
Nhược điểm của chữ Quốc ngữ là gì? Do sự đồng âm trùng trùng điệp điệp trong tiếng Việt, có những từ/chữ dù biểu hiện khác sắc thái, sự vật nhưng từ cách đánh vần, đọc đến chữ viết vẫn y chang nhau. Vì lẽ đó, những người tâm huyết với chữ viết nước nhà luôn canh cánh tìm mọi cách khắc phục nhược điểm trên.
 Thăng trầm cải tiến chữ Quốc ngữ: Tìm lối viết 'đáp ứng mọi yêu cầu'2
Nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes Ảnh: Tư liệu
Theo tài liệu của nhà từ điển học Hoàng Phê, nhà nghiên cứu Le Grand de la Liraye, trong quyển Từ điển Việt - Pháp in tại Sài Gòn (1868) cho rằng: “s không phát âm như trong tiếng Pháp mà phát âm như sh trong tiếng Anh, vậy nên dùng sh thay s”, nên dùng k trong mọi trường hợp thay cho c và q; dùng c thay cho ch; d thay cho đ, z thay cho d; j thay cho gi; bỏ h trong gh…
Một sự kiện đầu tiên quan trọng nhằm cải cách chữ Quốc ngữ có quy mô lớn là Hội nghị quốc tế khảo cứu về Viễn Đông lần thứ nhất, họp tại Hà Nội vào cuối năm 1902. Hội nghị này đã cử ra Tiểu ban chữ viết ghi âm, gồm 9 người, chỉ có một người Việt là Tổng đốc Hoàng Trọng Phu. Nhiều đề xuất cải tiến đã làm nổ ra nhiều cuộc tranh luận nảy lửa, cuối cùng các đại biểu chỉ có thể thông qua bản kiến nghị: “Đề nghị Trường Viễn Đông Bác cổ nên dựa vào cơ sở của đề án của tiểu ban mà quy định, để dùng trong công tác khoa học, một lối chữ viết đáp ứng được tất cả mọi yêu cầu”.
Năm 1906, vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ lại được nêu ra tại các cuộc họp ở Hội đồng cải lương học chính của chính phủ Pháp tại Đông Dương. Đứng đầu tiểu ban là nhà giáo Edmond Nordemann. Vài cải tiến đã được thông qua, chẳng hạn như c, k, q nhất luật viết thành k (thí dụ: con cua/con kua; đi qua/đi koa), d, gi viết thành j, x viết thành ç…
Cuối cùng mọi việc thế nào? “Trước sự phản đối kịch liệt của một số người (lại là những người có thần thế), Nha Học chính Đông Dương đã phải hoãn việc thực hành cải cách chữ Quốc ngữ trong các trường học, và giao cho các Ủy ban Cải lương học chính Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ nghiên cứu thêm vấn đề này” (Vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ - Viện Văn học, Ủy ban Khoa học nhà nước - 1961, tr.56).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.