Thăng trầm cùng cải lương: Từ Khách sạn Hào Hoa đến Tâm sự Ngọc Hân

19/07/2018 07:19 GMT+7

Sau năm 1975, sân khấu cải lương miền Nam bước sang một trang mới. Mỹ Châu, vốn sở trường ở những vai tuồng tích kiếm hiệp, bắt đầu làm quen với những vở diễn có đề tài hoàn toàn mới.

Khi bước lên sân khấu, Mỹ Châu còn nghe rõ, rõ ràng, tiếng người nói phía sau lưng: “Kim Chung mà! Người của Kim Chung mà! Làm sao mà hát nổi tuồng này?”.
Khách sạn Hào Hoa
Vở Khách sạn Hào Hoa được viết dựa trên một câu chuyện có thật, một câu chuyện chiến tranh, đầy bi kịch và máu xương, xảy ra trong lòng Sài Gòn hồi còn chiến tranh. Một cô Việt cộng nằm vùng tên Hiếu, nhận lệnh của tổ chức đặt chất nổ ở một khách sạn lớn nhất Sài Gòn. Cô giả làm cave, phải trải qua nhiều hiểm nguy, oan ức, giằng xé, giấu biệt thân phận và hy sinh tình yêu.
Nội dung vở dựa theo câu chuyện biệt động Sài Gòn đánh bom khách sạn Caravelle vào ngày 25.8.1964.
Mỹ Châu được giao vai cô Hiếu. Chưa bao giờ Mỹ Châu nhận một vai trái ngang như vậy.
Mỹ Châu hiểu tới đâu nhân vật đầy tinh thần cách mạng đó để mà diễn? Hơn nữa, đa số khán giả cải lương, cũng như hàng triệu bà con Sài Gòn khác, họ cũng chưa kịp định thần sau một biến cố quá lớn, chưa kể có những gia đình kẻ bên này người bên kia, tan tác và nhiều nỗi lòng. Đoàn Sài Gòn 2 lúc đó chỉ có ban giám đốc và dàn quản lý, thêm ông đạo diễn là người nhà nước, toàn bộ nghệ sĩ diễn viên là... dân Sài Gòn cũ.
Thế mà Khách sạn Hào Hoa, vở diễn vô cùng “chính trị”, lại ăn khách đến mức lạ thường trong thời điểm đó, thu hút khán giả đủ các thành phần đến rạp. Có nhiều khán giả kể lại rằng, khi họ coi vở đó, họ vẫn lo lắng cho cô Hiếu đến mức… cầu mong cho cô đưa được thùng chất nổ lên lầu. Rồi danh hài Tư Rọm vào vai thiếu tá cảnh sát Biền duyên không thể nào duyên hơn. Nghệ sĩ Giang Châu thì hát hay miễn bình luận, từng câu vọng cổ anh lên cao vút rồi xuống xề ngọt như mía lùi, làm khán giả ngẩn ngơ, vỗ tay muốn bể rạp. Thanh Tuấn vào vai Trung - tình báo cách mạng đội lốt đại úy biệt động quân giả danh, đẹp hơn cả sĩ quan Đà Lạt.
Những nghệ sĩ đó làm nên thịt da của nhân vật. Họ hòa nhập và khắc họa được hình ảnh của người cách mạng, làm cho khán giả của họ thương, và… yêu được người cách mạng. Nghệ sĩ Mỹ Châu nhập vai, có lúc quên mình, như đoạn Hiếu đeo đồng hồ cho người yêu, Mỹ Châu thủ thỉ với Thanh Tuấn: “Anh phải đeo cái đồng hồ này vào tay mặt, để anh làm gì á anh cũng nhớ tới em. Chớ nếu mà anh đeo tay trái thì anh quên em... sao?”.
Đêm diễn đầu tiên thành công quá sức tưởng tượng của tất cả mọi người. Sau đó, khán giả tiếp tục đông đến hàng mấy năm trời.
Nước mắt nàng Ngọc Hân
Nàng Ngọc Hân công chúa xinh đẹp và truân chuyên của nhà Lê xa xưa, đã có mặt trên sân khấu cải lương miền Nam những năm 1980 (đoàn Văn Công Thành Phố) trong hàng ngàn suất diễn.
Vở Tâm sự Ngọc Hân khai mạc đêm đầu tiên ở rạp Cây Gõ (Q.6, TP.HCM), khán giả rồng rắn, đèn đuốc sáng choang, âm thanh ánh sáng chiếu rọi những tấm áp phích sáng rỡ hai tên tuổi Mỹ Châu - Tuấn Thanh với bảng hiệu Văn Công hoành tráng.
Giờ đây, có thể tìm lại nàng Ngọc Hân của Mỹ Châu qua những băng hình cũ. Công chúa gì mà ốm như… con cò ho lao. Phải, mỗi ngày hai suất diễn đã lấy đi bao sức lực của Châu. Vậy mà Châu vẫn diễn, bệnh nặng không dám nghỉ.
Ngôi sao và nhân vật sáng rực, tỏa hào quang, thổn thức khóc cười, dẫn dắt khán giả qua bao nhiêu lớp lang, vét nước mắt họ ngắn dài, làm họ cười lăn lóc.
Khi tập đến đoạn ai oán, đẫm lệ nhất, Ngọc Hân phải mang nỗi hàm oan, Nguyễn Huệ cảm thông, chia sẻ, yêu thương; Mỹ Châu nói với Tuấn Thanh: “Em hãy làm như vầy nè, nó làm đẹp bàn tay em và không làm hỏng giọt nước mắt, khán giả nhìn lên họ sẽ thấy em đang lau nước mắt cho Ngọc Hân, thấy có thẩm mỹ, thấy Nguyễn Huệ yêu, xót xa, nâng niu và đau lòng”.
Vì đó là những giọt nước mắt thật của Mỹ Châu, không phải khóc kỹ thuật.
Là nghệ sĩ, ai cũng biết khóc - cười có lúc không dễ dàng chút nào, nhất là sẽ bị “chai” khi diễn một vai tuồng quá lâu, có khi phải cầu viện đến những công cụ gây khóc. Nhưng đêm diễn nào Mỹ Châu cũng khóc thật, nuôi cảm xúc đầy đặn, Mỹ Châu sống với Ngọc Hân bền lòng chặt dạ hàng ngàn lần như vậy.
(Lược trích từ Châu - Chút tạ tình tri âm, Saigon Books và NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.