Thăng trầm đá đỏ Quỳ Châu: Đại gia vùng đá đỏ và người mù hát xẩm

27/08/2020 06:00 GMT+7

Cơn lốc đá đỏ quét qua Châu Bình (H.Quỳ Châu, Nghệ An), một số người ở đây cũng gặp được vận may, nhưng nó chỉ như cơn gió thoảng qua.

Của thiên trả địa

Tôi chờ mãi dưới cơn mưa tầm tã, khi trời đã nhá nhem, ông Kim Văn Phong mới từ đồi keo về nhà. Ông Phong từng được coi là đại gia đá đỏ một thời ở vùng này. Trong căn nhà mái bằng cả xã từng phải “ngước nhìn”, nằm cách đồi Tỉ chừng vài cây số, được xây từ vận may đá đỏ năm 1991, giọng ông Phong chậm rãi: “Tôi vừa phải đi dặm lại đồi keo vì mới trồng nhưng gặp nắng bị chết khá nhiều. Giờ nó là thu nhập chính của vợ chồng tôi đấy”.
Đại gia vùng đá đỏ và người mù hát xẩm

Ông Kim Văn Phong, một người từng kiếm rất nhiều tiền nhờ buôn đá đỏ năm 1991

Người đàn ông 60 tuổi này tỏ ra khá hào hứng khi được gợi nhắc về cơn lốc đá đỏ 30 năm trước. Khi người dân địa phương phát hiện nhóm người từ Ninh Bình vào Châu Bình đào tìm đá đỏ, ông Phong cũng mang cuốc xẻng lên rừng tìm vận may. Viên đá đỏ đầu tiên ông đào được có màu đỏ tía, to bằng một lóng ngón tay út. Ông Phong vừa mang ra khỏi mỏ liền được một người đàn ông ở Thanh Hóa đón hỏi mua với giá 2,7 triệu đồng. “Lúc đó, tôi không biết nó giá thực bao nhiêu, thấy chừng đó là nhiều rồi nên bán tháo, chứ viên đá đó nếu đúng giá có thể bán được hàng chục triệu đồng”, ông Phong kể.
Nhận thấy việc buôn đá đỏ khỏe và dễ ăn hơn nhiều so với đào tìm đá, ông Phong chuyển sang buôn đá. Ban đầu, ông tìm mua những viên đá nhỏ rồi bán lại kiếm lời, về sau ông thuê người cùng xã túc trực tại các khu đồi để mua lại đá của người dân vừa đào được rồi mang về tìm mối bán lại. Giữa năm 1991, ông mua được một viên đá tầm 2 lóng tay người lớn với giá 45 triệu đồng. Ông kiểm tra qua đèn chiếu, phát hiện hòn đá có màu sắc rất đẹp, hình dáng trơn bóng, biết đây là viên đá rất quý nên ông Phong lập tức cùng người em rể ra tận Hà Nội để bán. Một chủ tiệm vàng sau khi kiểm tra hòn đá, trả giá 100 triệu đồng. Thấy lãi được 55 triệu đồng, ông Phong đồng ý bán. Lúc đó, mệnh giá tờ tiền lớn nhất chỉ mới 5.000 đồng, 100 triệu đồng là một “đống tiền”.
“Sợ bị phát hiện, hai anh em chúng tôi dùng dây buộc tiền quấn vào quanh người rồi choàng áo khoác rộng ra đón xe khách về nhà”, ông Phong kể. Cuối năm 1991, ông Phong lại mua được 1 viên đá rất đẹp với giá 150 triệu đồng và bán lại được 320 triệu đồng. “Tôi mang tiền về, xếp đầy 2 cái hộc tủ này”, ông Phong chỉ vào cái tủ ly cũ đặt ở gian chính ngôi nhà, nói. Có nhiều tiền, ông Phong cùng người em rể ra Hà Nội tậu 2 chiếc xe máy và xây lại căn nhà mới. Ngôi nhà mái bằng, ốp đá rửa bên ngoài lúc đó khiến mọi người mơ ước.
Thế nhưng, của thiên trả địa, ông Phong nói tiền đến với ông thế nào thì cách nó đi cũng y như vậy. 3 năm sau, khi cơn lốc đá đỏ đi qua, số tiền ông kiếm được cũng cạn hết, chỉ còn lại căn nhà, chiếc xe máy cùng những vật dụng ông Phong sắm đang giữ được. “Thấy kiếm tiền quá dễ nên ai cũng mạnh tay tiêu pha, cứ nghĩ đá đỏ dưới đất còn nhiều, ai ngờ nó cũng chấm dứt rất nhanh”, ông Phong tiếc nuối.
Ông Phong kể giữa năm 1991, khi nhiều con buôn từ Hà Nội, TP.HCM tìm về Châu Bình lùng sục mua đá đỏ, liền xuất hiện nhiều chiêu trò đánh tráo, lừa đảo. Anh N., một người từng trúng lớn thương vụ đá đỏ khi mua viên đá 250 triệu đồng của một nhóm người đào tìm ở đồi Tỉ, ra Hà Nội bán lại lãi gần 1 tỉ đồng. Thế nhưng, chỉ sau đó vài tuần, một đám tay buôn nào đó đã lấy một nắm đá đỏ giả lén ném xuống đồi Tỉ rồi loan tin những người tìm đá đã bán lại cho tư thương ở TT.Quỳ Châu (H.Quỳ Châu, Nghệ An) với giá rất rẻ. Anh N. lập tức đến đó, tìm mua bằng được. Nhưng khi mang ra Hà Nội bán, anh N. ngã ngửa vì đó toàn là đá giả. Anh N. lại trắng tay.
Từng tham gia đào tìm đá đỏ, ông Kim Văn Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình, nói trong số hàng ngàn người bới rừng tìm vận may trong suốt hơn 2 năm trời ở Châu Bình, nhiều người cũng gặp được đá. Thế nhưng, người hưởng lợi nhiều nhất vẫn là các tay buôn đến từ các địa phương khác. Giá đá đỏ vô chừng, ít ai biết giá trị thực là bao nhiêu nên khi đào được đá, thấy được trả giá kha khá là người đào bán ngay. “Ở vùng này, hồi đó cũng có một số người đi buôn đá, nhưng cũng chẳng được mấy ai đổi đời. Những người may mắn đào được đá đỏ cũng vậy, như gió vô nhà trống, chẳng thấy họ khá giả hơn”, ông Duyên nói.
Đại gia vùng đá đỏ và người mù hát xẩm

Ông Trịnh Hữu Long và tấm di ảnh của em trai - ông Trịnh Hữu Trung

Người mù hát xẩm cảnh báo cơn lốc đá đỏ

Năm 1991, khi cơn lốc tìm kiếm đá đỏ đang ở thời cao trào và sau vụ sập hầm tang thương ở đồi Tỉ khiến hàng chục người chết, ở tuyến QL48 qua H.Nghĩa Đàn và Quỳ Châu (Nghệ An), xuất hiện một người đàn ông mù ôm đàn guitar hát những bản nhạc chế với lời lẽ và giai điệu bi thương mô tả cuộc sống của dòng người kéo nhau đến Châu Bình tìm kiếm vận may. Những bài hát tự sáng tác hoặc chế theo các ca khúc Lá diêu bông, Ngẫu hứng lý qua cầu… với giọng hát bi ai đã chạm đến trái tim nhiều người.
“Anh đi đào đá đỏ, ở vùng mỏ Quỳ Châu, anh biết tìm đâu, tìm đâu ra đá đỏ/Trời cho ai người có, muốn có mà được đâu, anh ơi chớ mong cầu, niềm hạnh phúc mong manh, cuộc sống chẳng yên lành…”. Và những lời hát mô tả cảnh thê lương khi dòng người ra đi nhưng nhiều người không còn trở về vì sập hầm, thanh trừng nhau: “Châu Bình, đó là nơi mỏ đá hồng, moi hầm để mà tìm, giờ gửi bao oan hồn”. “Đá ruby, thương cho bao người vợ, sống cô đơn, nay tang trắng đội trên đầu”. Tiếng hát rất thu hút của người đàn ông mù này đã tạo thành cơn sốt lúc đó, nhưng thông tin về ông lại rất ít người biết.
Tôi tìm đến xã Nghĩa Đồng (H.Tân Kỳ, Nghệ An) để tìm kiếm người đàn ông mù hát xẩm đá đỏ năm xưa, ông Trịnh Hữu Trung. Một người dân ở đây nhiệt tình chạy xe dẫn tôi đến nhà ông Trịnh Hữu Long, anh trai ông Trung. Ông Long nhìn lên bàn thờ có di ảnh của ông Trung, nói: “Em tôi mất lâu rồi!”. Ông Long kể, em trai ông bị mù từ khi lọt lòng mẹ. Không thể đến trường, người em bất hạnh của ông tự học thổi sáo, chơi guitar, kéo đàn nhị. “Ông ấy có trí nhớ rất tốt, nghe xong chương trình đọc truyện đêm khuya trên đài, ông nhớ hết, kể lại vanh vách thậm chí cả lời thoại nhân vật”, ông Long nói. Khoảng 16 tuổi, cậu thiếu niên mù lòa này mang đàn đi hát rong kiếm sống rồi lang bạt khắp nơi, lâu lâu mới ghé về thăm nhà. Năm 1991, hàng xóm mở đài cassette chạy bằng băng từ, ông Long nghe mới biết đó là tiếng hát của em mình. “Tôi nghe thấy rất hay. Ở các xã lân cận, một số người cũng bỏ mạng vì đá đỏ nên khi nghe hát về họ, thấy thương. Giờ thỉnh thoảng tôi vẫn cứ mở ra nghe”, ông Long nói.
Ông Long nhớ lại năm 1991, ông Trung 40 tuổi, chuyên hát rong ở ga tàu lửa Thái Hòa (H.Nghĩa Đàn, Nghệ An). Trong cơn lốc tìm kiếm đá đỏ, vùng Nghĩa Đàn có nhiều người nghèo phải bỏ mạng khi đi tìm vận may, ông Trung nghe người ta kể lại và xúc động, tự sáng tác lời các bài để hát. Có thời điểm, ông Trung lên tận Châu Bình, nơi hàng ngàn người đang đổ xô tìm đá đỏ để hát kiếm tiền. “Ông ấy hát cũng kiếm được khá nhiều tiền vì người ta thấy hay nên cho tiền, một số người còn thâu băng cassette để bán và cũng kiếm được khá tiền”, ông Long kể.
Cơn sốt đá đỏ qua đi, ông Trung quay về TP.Vinh sống trong căn nhà nhỏ ở gần ga Vinh cùng vợ con và năm 1998, ông qua đời sau một cơn tai biến ở tuổi 47. Những bài hát của ông được giới buôn bán băng đĩa sao chép và bán được với số lượng rất nhiều. Trên kênh YouTube có nhiều người đăng tải đĩa này với hàng triệu lượt người nghe và hàng ngàn bình luận bày tỏ cảm xúc bất ngờ khi được gợi nhớ về cơn lốc tìm đá đỏ Quỳ Châu năm xưa. (còn tiếp) 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.