Thăng trầm đá đỏ Quỳ Châu: Sống chật vật bên kho báu

28/08/2020 06:00 GMT+7

Sống bên kho báu đá đỏ, nhưng người dân ở Châu Bình (H.Quỳ Châu, Nghệ An) vẫn phải loay hoay, chật vật trong nghèo khó vì nhiều gia đình không có lấy tấc đất để mưu sinh.

Những quả đồi đã tái xanh

Buổi sáng, con đường nhỏ từ QL48 dẫn vào khu đồi Tỉ vắng vẻ, bình yên. Ngọn đồi được biết đến với những vỉa đá chứa nhiều viên đá quý và vụ sập hầm làm hàng chục người bị vùi chết khi đang giành nhau moi đất tìm đá đỏ bây giờ là một hồ nước trong vắt, xung quanh cây đã phủ xanh. Qua nhiều đợt khai thác của người dân và doanh nghiệp, đồi Tỉ biến thành cái hố sâu hoắm. Sau khi dẹp loạn và kiểm soát được vùng đá đỏ Châu Bình, khoảng năm 1992, UBND tỉnh Nghệ An cấp phép cho doanh nghiệp vào quản lý và khai thác đá ruby. Sau đó, mỏ đá này được chuyển giao cho Công ty đá quý và vàng Nghệ An. Doanh nghiệp này năm 2003 sáp nhập vào Công ty CP đá quý và vàng Hà Nội và được cấp phép khai thác đá quý tại khu mỏ đồi Tỉ, thời hạn từ năm 2010 - 2016. Sau khi hết hạn khai thác, doanh nghiệp tiếp tục xin gia hạn, nhưng đến nay vẫn chưa được hoạt động trở lại vì còn vướng thủ tục.
4 năm qua, hoạt động khai thác ở đây đã dừng lại, nhưng vùng đất này vẫn đang do doanh nghiệp nói trên quản lý. Một cán bộ quản lý ở khu mỏ cho biết, qua thăm dò, trữ lượng đá đỏ ở vùng này vẫn còn nhiều, doanh nghiệp đang chờ cơ quan chức năng đồng thuận về cách tính giá thuế tài nguyên để được gia hạn khai thác tiếp.
Thăng trầm đá đỏ Quỳ Châu: Sống chật vật bên kho báu1

Người dân ở Châu Bình sống chật vật vì thiếu đất để làm ăn

ẢNH: KHÁNH HOAN

Trong khi đó, tại đồi Triệu cách đó chừng 3 km, khu đất rộng 8 ha đã được giao cho một doanh nghiệp làm trang trại nuôi bò sữa. Ông Kim Văn Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình, cho biết vùng thăm dò, quy hoạch đá đỏ trước đây rộng 27 km2, gồm 9 km chạy dọc theo QL48 và chiều rộng dài 3 km tính từ tuyến đường này. Tuy nhiên, đến nay, chỉ còn khu vực đồi Tỉ có doanh nghiệp xin cấp phép khai thác, còn lại đất đã được giao cho người dân trồng rừng.

Vừng ơi, hãy mở !

Căn nhà tranh nằm bên QL48 ở bản Lầu 1 (xã Châu Bình) là nơi tá túc của vợ chồng anh Lô Văn Giang và đứa con 4 tuổi. Vợ chồng anh Giang không có tấc đất nào để làm ăn, phải dựa vào vài sào ruộng của bố mẹ nhưng cũng không đủ gạo ăn. Không có việc làm, cả hai vợ chồng gửi con cho bố mẹ trông rồi ra Hải Phòng làm thuê. Năm nay, dịch Covid-19 nên chỉ làm được hơn 1 tháng rồi mất việc vì công ty giảm nhân công, vợ chồng lại về nhà.
Thăng trầm đá đỏ Quỳ Châu: Sống chật vật bên kho báu2

Căn nhà của vợ chồng anh Giang ở bản Lầu 1, xã Châu Bình

ẢNH: KHÁNH HOAN

“Giờ cũng chỉ mong dịch mau qua để đi tìm việc làm, chứ ở nhà nguy lắm, không có việc chi làm, hết cái ăn rồi”, anh Giang thở dài. Bà Lê Thị Xuân, hàng xóm của anh Giang, sang chơi nói xen vào: “Nhà tui cũng có khác chi, không có tấc đất nào, 2 đứa con lập gia đình cũng phải đi tứ phương kiếm sống, giờ gặp dịch cũng đang về nằm ở nhà”. Bà Xuân nói, không có đất, vợ chồng bà xoay đủ cách để kiếm sống, nhưng vẫn rất chật vật. “Ngày trước, trong rừng còn măng, mùa măng đi hái bán cũng kiếm được gạo ăn, nay măng cũng chẳng còn nữa vì rừng đã bị phát nên không biết bám vào đâu”, bà Xuân thở dài.

Khó khăn nhất là đất sản xuất làm ăn của dân, không có đất nên dân phải tha hương làm thuê kiếm sống. Nhiều tiêu chí về xóa nghèo, hạ tầng, văn hóa cũng khó thực hiện

Ông Kim Văn Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình

Sống ở rừng, đất lâm nghiệp chiếm đến 92% diện tích tự nhiên trong tổng số hơn 13.000 ha, nhưng rất nhiều người dân Châu Bình vẫn “tay không tấc đất” để mưu sinh trong khi đất sản xuất lại nằm trong tay của lâm trường. Ông Lô Mạnh Đường, Trưởng bản Lầu 1, ngồi thở hắt, nói gia đình ông cũng không có tấc đất rừng nào để làm ăn. “Bản có 151 hộ dân, nhưng chỉ có 42 hộ có đất rừng, mỗi hộ cũng chỉ khoảng 1 ha. Đất lúa cũng rất ít, không thể đủ gạo ăn”, ông Đường nói. Ở bản Lầu 2 gần đó lại càng bi đát hơn.
Ông Nguyễn Bá Hải, Trưởng bản này, nói sống bên cạnh rừng, nhưng 204 hộ dân chỉ có 13 hộ có 24 ha đất được giao để sản xuất. Theo ông Hải, hiện mỗi héc ta rừng trồng keo, 5 năm thu hoạch bán cũng thu về 70 - 80 triệu đồng. Nhưng ở đây không có đất, người dân như “múa tay trong bị”, lực lượng lao động nhiều nhưng chẳng có việc để làm.
Không có đất để làm ăn sinh sống, trong khi hàng ngàn héc ta đất rừng đang được giao cho Lâm trường Cô Ba quản lý, sản xuất khiến người dân bức xúc. Năm 2013, khoảng 1.000 người dân ở Châu Bình đã kéo vào các khu rừng của lâm trường quản lý để chặt phá cây, giành đất sản xuất. UBND tỉnh Nghệ An sau đó phải ra quyết định thu hồi 1.135 ha đất lâm nghiệp của lâm trường giao cho người dân. Thế nhưng, phần lớn diện tích này là rừng tự nhiên khoanh nuôi, không được phá để trồng keo, số còn lại nằm trong đất của dân. “Lúc đó, bản chúng tôi được giao 17 ha đất lâm nghiệp trên giấy tờ, nhưng ra thực địa đo đạc chỉ được hơn 9 ha, trong đó phần lớn là đất ở của nhiều hộ dân đã ở từ năm 1979 nên không thể giao đất cho các hộ khác để sản xuất”, ông Hải buồn bã nói. Không có đất làm ăn, nhiều người dân phải phiêu bạt tứ xứ để làm thuê kiếm sống, trong khi đất rừng trồng keo bao bọc quanh bản đều là đất giao cho lâm trường quản lý.
Thăng trầm đá đỏ Quỳ Châu: Sống chật vật bên kho báu3

Khu rừng tràm ở cạnh đồi Tỉ

ẢNH: KHÁNH HOAN

Năm 2017, Lâm trường Cô Ba tiếp tục giao hơn 300 ha đất, trong đó một phần đất người dân đã định cư nên không thể chia cho dân sản xuất. Phần đất tốt để sản xuất lâm trường đang trồng keo, chưa đến kỳ khai thác nên vẫn phải đợi. Lâm trường Cô Ba hiện quản lý 5.000 ha đất rừng, trong đó có 1.100 ha rừng trồng keo và cao su. Theo lộ trình của UBND tỉnh Nghệ An, đến năm 2023, lâm trường phải trả 900 ha đất cho xã để chia cho dân.
Ông Kim Văn Duyên nói Châu Bình có mỏ đá quý được ví như kho báu nằm trong nhà, nhưng người dân vẫn nghèo. Sau cơn lốc tìm kiếm đá đỏ, Châu Bình nghèo vẫn hoàn nghèo. Trong quá trình doanh nghiệp khai thác, người dân gần như không được hưởng lợi gì ở mỏ đá quý này. Hơn 10.000 người dân của xã, trong đó khoảng 1/2 là người Kinh từ các huyện dưới xuôi đi kinh tế mới, đến làm công nhân lâm trường từ những năm 1960 sinh con đẻ cái, vẫn sống trong khó khăn. Xã vẫn đang phải hưởng chương trình 135 (xã vùng núi đặc biệt khó khăn). H.Quỳ Châu đặt mục tiêu cho Châu Bình về đích nông thôn mới vào năm 2025, nhưng đến nay mới chỉ có 1/15 bản về đích. “Khó khăn nhất là đất sản xuất làm ăn của dân, không có đất nên dân phải tha hương làm thuê kiếm sống. Nhiều tiêu chí về xóa nghèo, hạ tầng, văn hóa cũng khó thực hiện”, ông Duyên nói.
Chiều muộn, ngang qua khu đồi Tỉ, không gian vắng lặng, buồn hiu. Lời người mù hát xẩm đá đỏ 30 năm trước như một lời khẩn cầu lại văng vẳng bên tai tôi: “Ta muốn đổi đời, nhưng đời chẳng đổi cho ta, ơi Alibaba, vừng ơi hãy mở ra...!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.