Những ngày này, khi cơn giông bắt đầu đổ xuống một số nơi ở cao nguyên, nông dân rục rịch chuẩn bị mùa gieo trồng khoai mới. Chị Nguyễn Thị Hòa, một nông dân ở xã Tân Bình, nói: “Niên vụ này nhà tôi trồng hơn 1 ha khoai Lệ Cần. Đất đai làm chuẩn bị sẵn. Mới hôm trước có mưa rồi. Chỉ cần thêm một cơn mưa nữa là có thể xuống giống. Ngoài trồng giống khoai ngon, đây cũng là cách giữ gìn, phát huy những gì cha ông để lại. Nhiều người dân trong xã cũng như tôi, bắt đầu quay lại với giống khoai này. Mong sản phẩm này có nhiều người biết hơn nữa, giá tốt hơn chút nữa để chúng tôi có thêm điều kiện sinh kế, mở rộng diện tích”.
Giống khoai “mở đất”
Vào những năm thập niên 1950, trong bước chân khốn khó của dân dinh điền từ Quảng Nam lên cao nguyên, họ đã mang theo giống khoai lang từ xã Trà Đỏa, H.Thăng Bình (Quảng Nam). Không ngờ khí hậu, thổ nhưỡng của xã Tân Bình, H.Đăk Đoa (Gia Lai) rất hợp cho giống khoai này phát triển.
Theo nhiều người già ở Tân Bình, giống khoai “di cư” khi đem trồng tại Lệ Cần mới có vị ngon đặc biệt mà nếu trồng ở nơi khác sẽ không thể có. Khoai củ dài, ruột màu vàng ươm đặc trưng, bùi và ngọt. Khoai để lâu càng ngon, người trồng khoai thường nói là khoai lên mật. Quà quê từ vùng Lệ Cần, dứt khoát phải có thêm túi khoai lang. Miếng ngon lan xa, người ta gọi miết rồi “chết tên” khoai Lệ Cần!
Có một câu chuyện khá thú vị liên quan đến khoai Lệ Cần. Ấy là hơn 40 năm trước, trong một chuyến đi đến phố núi Pleiku, ông vua thơ tình Xuân Diệu trong những ngày từ chối ở khách sạn, đến tá túc tại gia đình vợ chồng nhà thơ Lê Nhược Thủy, quê đất cố đô Huế vào phố núi hành nghề dạy học. Trong một bữa ăn, nhà thơ Xuân Diệu đặc biệt chú ý đến đĩa khoai lang ruột vàng ươm, ngọt lừ và ăn thấy nhẹ bụng. Hỏi ra mới biết là khoai Lệ Cần. Trong bài thơ Xuân Diệu tặng vợ chồng nhà thơ đất Huế có hai câu: “Cảm ơn vợ chồng anh giáo Huế/Đãi tôi một bữa Lệ Cần khoai”.
|
Hồi sinh sau thăng trầm
Cây khoai lang đã một thời cứu đói, cưu mang những người mở đất. Nhưng rồi và những thập niên trước, nhiều nông dân đã bỏ đi ruộng khoai lang bời bời để thay vào đó cà phê, hồ tiêu vì các loại cây này được giá hơn. Tiếp đó là giống khoai lang Nhật tràn vào, năng suất đạt đến 20 - 23 tấn/ha đã “đá văng” giống khoai lang bản địa Lệ Cần khi năng suất chỉ đạt 8 - 13 tấn/ha. Thêm nữa, dù khoai ngon nức tiếng đến vậy nhưng vì khâu quảng bá còn nhiều hạn chế và thiếu đi sự phong phú của sản phẩm khi chỉ bán khoai tươi nên giá không cao, ở mức 8.000 - 15.000 đồng/kg. Có mùa, giá xuống sát đáy, chỉ 4.500 đồng/kg. Những tác động này khiến khoai Lệ Cần lụi dần, đến mùa nhiều người muốn ăn tìm đỏ mắt cũng không ra.
Giống khoai này được trồng ở Tân Bình từ khoảng năm 1950. Trồng rồi bỏ, giờ nông dân mới quay lại trồng nhiều hơn. Riêng gia đình tôi trồng 30 ha. Cứ mỗi héc ta, nông dân đầu tư trên dưới 60 triệu đồng. Nếu thu được trung bình 12 tấn, với giá bán 10.000 đồng/kg, nông dân đã thu lời 60 triệu đồng/ha sau 4 tháng trồngÔng Nguyễn Trình, Giám đốc HTX nông nghiệp - dịch vụ Tân Bình |
Trong bối cảnh ấy, ông Bùi Văn Dưỡng (70 tuổi, ở xã Tân Bình) vì tiếc nuối giống khoai lang Lệ Cần có nguy cơ mai một đã dành ra gần nửa héc ta đất trong nhiều năm liền nhân giống khoai này. Ông cho biết khoai sau khi thu hoạch về, chọn những củ đẹp rồi đến mùa nhân giống, bán cho người dân. Từ năm 2012, Trung tâm nghiên cứu giống cây trồng Gia Lai phối hợp với Sở KH-CN của tỉnh phục tráng thành công giống khoai Lệ Cần và chuyển giao lại cho người dân. Nhiều nông dân ở xã Tân Bình khi hiểu được giá trị của giống khoai này đã quay lại tìm giống trồng.
Ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng NN-PTNT H.Đăk Đoa, cho biết: “Diện tích trồng khoai Lệ Cần của H.Đăk Đoa đã tăng lên nhanh chóng, đến 600 ha. Tỉnh Gia Lai vừa công nhận sản phẩm khoai lang Lệ Cần đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) ba sao. Lợi thế của giống khoai này là có thể canh tác 2 vụ/năm. Nông dân đã bắt đầu chú ý giống khoai địa phương này và việc phát triển diện tích rất có triển vọng”.
Kỳ vọng vươn xa
Năm 2019, HTX nông nghiệp - dịch vụ Tân Bình được thành lập với những xã viên tham gia trồng khoai lang Lệ Cần. Tám xã viên của HTX đã cùng xắn tay vào trồng khoai, thu mua khoai lang Lệ Cần của nông dân và nuôi khát vọng tìm đường ra sáng sủa hơn cho giống khoai quý. Ông Nguyễn Trình, Giám đốc HTX, cho biết: “Giống khoai này được trồng ở Tân Bình từ khoảng năm 1950. Trồng rồi bỏ, giờ nông dân mới quay lại trồng nhiều hơn. Riêng gia đình tôi trồng 30 ha. Cứ mỗi héc ta, nông dân đầu tư trên dưới 60 triệu đồng. Nếu thu được trung bình 12 tấn, với giá bán 10.000 đồng/kg, nông dân đã thu lời 60 triệu đồng/ha sau 4 tháng trồng”.
|
Một vấn đề đặt ra trong quá trình tiêu thụ khoai lang Lệ Cần là sản phẩm chỉ bán thô. Cứ đến mùa, nhiều khách hàng ở các tỉnh thành trong cả nước đặt mua loại khoai này. Một số người Việt ở nước ngoài có dịp thưởng thức khoai Lệ Cần cũng nhờ người thân đặt mua. Anh Nguyễn Văn Hoàng, một người dân ở TP.Pleiku, nói: “Mỗi mùa khoai, bạn tôi ở Hà Nội cũng như TP.HCM nhờ mua đến vài tạ để ăn, biếu người thân. Nếu sản phẩm này được quảng bá nhiều hơn, tinh chế thêm nhiều sản phẩm hơn thì chắc sẽ tiêu thụ tốt”. Biết được điểm yếu này, mới đây ông Nguyễn Trình đã đầu tư một số máy móc trị giá hơn 1 tỉ đồng để có thể sản xuất các sản phẩm khác từ củ khoai lang Lệ Cần như bánh khoai, khoai lát, bột khoai lang… Hy vọng đến tháng 8 năm nay, khi khoai vào vụ thu hoạch, người tiêu dùng có thể được thưởng thức những sản phẩm trên từ HTX Tân Bình.
Thị trường tiêu thụ hứa hẹn rộng mở đã tạo đà cho nông dân yên tâm đầu tư trồng giống khoai lang này. Ngoài ra, khi trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh Gia Lai, khoai lang Lệ Cần đang đứng trước cơ hội để xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Hy vọng một ngày không xa, sản phẩm khoai lang Lệ Cần vượt tầm thị trường nội địa, vươn ra các thị trường ngoài nước.
Bình luận (0)