KHỞI ĐẦU MỘT CƠ NGHIỆP
Ông Võ Văn Tín, sinh năm 1947, quê Quảng Phước, Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế.
1963 là năm ông Tín rời Huế vào Đà Lạt lập nghiệp. Ông Tín vào Đà Lạt vì trước đó, năm 1959, phụ thân ông cũng đã nhập cư ở thành phố này, sống bằng nghề làm công cho chủ vườn hoa ở Thái Phiên, Vạn Thành... Với cơ địa mảnh mai thư sinh, và với nghề may y phục đơn giản học được ở quê nhà, khi đến Đà Lạt, ông Tín đã xác định luôn rằng, con đường cơ nghiệp của mình không theo lối mòn của cha dẫn vào những vườn hoa xứ lạnh hay các đồn điền chè, cà phê bên rìa thành phố.
![Thăng trầm một hiệu may veston danh tiếng ở Đà Lạt- Ảnh 1. Thăng trầm một hiệu may veston danh tiếng ở Đà Lạt- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2024/12/31/h-3-1735642292513823576539.jpg)
Ông Võ Văn Tín, chủ Tailor Sơn danh tiếng ở thành phố Đà Lạt. Ảnh chụp tháng 9.2024
ẢNH: NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Chàng trai 17 tuổi đặc sệt giọng Huế gõ cửa tiệm may Hoàng Nho trên đường Minh Mạng (nay là Trương Công Định) xin học may Âu phục để nâng cấp tay nghề. Thời đó, chủ nhà may ở Đà Lạt nhận thợ ở trong nhà, lo luôn ăn uống. Người học vừa không tốn xu nào, lại còn được chủ cho thêm tiền tiêu vặt vào mỗi cuối tuần.
Là một thành phố công chức, trí thức trung lưu và học sinh sinh viên chiếm đa phần, thị dân Đà Lạt có goût ăn mặc khá đồng nhất. Nếu phụ nữ đa phần chọn áo dài (áo dài cách tân với các cô gái trẻ và áo dài truyền thống tà rộng với các bà lớn tuổi) thì đàn ông Đà Lạt chịu ảnh hưởng bởi lối ăn vận của quý ông phương Tây, coi trọng tính lịch lãm với những bộ complê khi ra đường.
Vậy thì học nghề may thời bấy giờ với người mới đến, ngoài kiếm sống, còn là con đường gia nhập vào tâm thế, lối sống của một xã hội đô thị mang nhiều dấu ấn phương Tây. Ông Tín tỏ ra nhạy cảm, bắt nhịp thật nhanh với Đà Lạt, bằng đường dây thước, cái kim cuộn chỉ và chiếc bàn may. Ông lần lượt trải qua quá trình học việc rồi làm thợ phụ ở nhà may Hoàng Nho (18 Minh Mạng) và Văn Minh (48 Minh Mạng). Từ năm đầu tiên học việc, ông đã được chủ trả tiền phụ cấp 500 đồng mỗi tháng; có khi vì được việc, chủ còn cho 5 đồng đi coi ciné, uống cà phê vào mỗi cuối tuần (lúc bấy giờ, tô phở Tùng, phở Bằng có giá 1,5 đồng và vé rạp ciné Ngọc Lan, Ngọc Hiệp chỉ khoảng 1 đồng).
![Thăng trầm một hiệu may veston danh tiếng ở Đà Lạt- Ảnh 2. Thăng trầm một hiệu may veston danh tiếng ở Đà Lạt- Ảnh 2.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/1/2/h-2-1735831088532547574522.jpg)
Ông Võ Văn Tín, chủ Tailor Sơn danh tiếng ở thành phố Đà Lạt. Ảnh chụp tháng 9.2024
ẢNH: NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Giữa thập niên 1960, Đà Lạt mọc lên nhiều tiệm may quy mô lớn, có tiệm nuôi hàng chục nhân công, mở cửa dọc con phố Duy Tân và Minh Mạng. Cuộc sống của anh thợ may, thợ ảnh được coi là nhàn nhã, bởi làm nghề "trong im trong mát", dù trên thực tế thì cũng không ít áp lực bởi đơn hàng, vị thế tay nghề.
Ra nghề, ông Tín làm thợ may đo chính ở tailor Tân Tân, một tiệm may lớn nhất nhì Đà Lạt (49 Minh Mạng). Tailor Tân Tân lúc ấy có hơn mười thợ, chuyên Âu phục, đặc biệt là veston. Cũng như lúc học việc ở hiệu Hoàng Nho hay Văn Minh, tại Tân Tân, ông Tín được chủ giao cho việc dựng phom veston ngay từ những ngày đầu, bỏ qua giai đoạn làm thử tay sơ mi, quần tây...
Với ông Tín, điểm quan trọng làm nên một thợ may giỏi trước hết chính là năng khiếu. Năng khiếu ở đây là sự nhạy cảm trong cách nhìn và hiểu con người. Cũng như họa sĩ chuyên chân dung có tài thì giỏi bắt thần thái, người nấu bếp giỏi trong cảm nhận nêm nếm, người thợ may giỏi sẽ nhanh chóng xác định nét đặc thù của hình thể, sắc thái dáng dấp và hình dung tính cách khách hàng, để tạo ra phom cho trang phục (silhouette), sao cho trang phục làm bật lên thế mạnh đường nét và cốt cách con người. Phom trang phục phải tôn thêm các ưu điểm, đồng thời hạn chế các khuyết điểm của từng người mặc. Có khi chỉ cần khác một vài ly trong dựng phom là bộ trang phục mặc lên đã có thể rất khác. Chính vì vậy, đòi hỏi sự cảm nhận tinh tế lẫn kỹ thuật tỉ mỉ của người thợ may.
![Thăng trầm một hiệu may veston danh tiếng ở Đà Lạt- Ảnh 3. Thăng trầm một hiệu may veston danh tiếng ở Đà Lạt- Ảnh 3.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2024/12/31/h-4-1735642292557522607301.jpg)
Gia đình ông Võ Văn Tín, ảnh chụp năm 1986
ẢNH: ALBUM GIA ĐÌNH NHÂN VẬT
Về học may Âu phục ở khoảng giữa thập niên 1960, ngoài kinh nghiệm mà chủ các nhà may và đàn anh trong nghề truyền đạt, thì các thợ mới vào nghề thường tìm hiểu thêm sách cẩm nang may đo Âu phục của Vũ Văn Hưng hay tạp chí Paris Match thường có cập nhật những mốt mới cho giới trẻ.
"Khách hàng vào ra hiệu may Tân Tân đông nhất là vào khoảng cuối năm, từ Noel đến Tết ta. Thợ làm không có thời gian nghỉ ngơi. Thu nhập của tôi lúc bấy giờ (năm 1967) là 1.400 đến 1.500 đồng mỗi tháng", ông Tín kể lại.
Năm 1967, ông lập gia đình. Hiền thê của ông cũng là một cô thợ học may ở chợ Đà Lạt, tên Trần Thị Xuyến.
GIỚI NÀO CŨNG CHUỘNG VEST
"Thời đó, người Đà Lạt thích ăn mặc đẹp, trẻ già đều vậy. Văn hóa ăn mặc "đồng đều", từ anh trí thức, công chức đến anh tài xế lái xe lam đều mặc vest. Anh nông dân cũng sắm một, hai bộ vest thiệt đẹp treo trong tủ, dành mặc trong các dịp lễ trọng đại, khi hẹn hò bạn bè ra phố, cà phê hay kể cả lúc chở vợ đi chợ. Thế nên thời đó mà có tiền, nhiều người thích cái cảm giác được đẩy cửa bước vào nhà may danh tiếng, rồi một tuần mười ngày sau vui vẻ hãnh diện đẩy cửa bước ra khỏi đó với một bộ complê. Họ thấy sự bình đẳng, có phong cách thanh nhã như những người ở các giai tầng khác. Thời đó, đa số người ta đến hiệu may mang theo một xấp vải được chọn sẵn cho thợ đo, may; nhà may hiếm khi bán vải... Cuối tuần, chỉ cần ra phố là bạn có thể thấy phụ nữ trong những bộ áo dài thướt tha, đàn ông thanh niên trong những bộ vest rất bảnh", ông Tín kể.
Tailor Sơn, số 51/4 Hai Bà Trưng, ra đời từ nhu cầu những người trẻ Đà Lạt muốn được anh thợ Võ Văn Tín may riêng cho mình những bộ complê à la mode. Họ không ngại tìm đến nhà trong hẻm và kiên nhẫn đợi chờ để có những bộ Âu phục ưng ý. Hữu xạ tự nhiên hương, thời điểm khách hàng đông, Tailor Sơn nhận thêm đến mười thợ.
Ông Tín nhớ lại: "Gia đình tôi cũng nuôi thợ ăn ở trong nhà. Có những người về sau trở thành thợ giỏi, mở hiệu may lớn trên phố... Ngoài chuyên về complê, nhà may của chúng tôi may cả sơ mi, quần, măng tô...".
Sau 1975, là khúc ngoặt của thời bao cấp. Ông chủ Tailor Sơn danh tiếng phải tạm phủ vải lên những chiếc bàn may để ra rẫy trồng khoai tăng gia sản xuất. Nghề may được đưa vào tổ chức quốc doanh nhưng lúc bấy giờ ông Tín đã chọn không đặt chân vào hợp tác xã. Trong giai đoạn nghề may Âu phục khó khăn tận cùng, những bạn bè chí cốt ngày trước học nghề trên phố Minh Mạng cho đến nhóm thợ được ông chỉ dạy từng đường kim mũi chỉ cũng tìm đến nhà ông, gặp gỡ, hàn huyên thế cuộc, ôn lại kỷ niệm về ngày đã qua.
Từ đổi mới, cuộc sống xã hội Đà Lạt lại có những bước chuyển lớn, ông Tín lại phủi đám bụi trên mấy tấm vải phủ, rê lại những dây thước, đường phấn trên nếp vải mới. Ông chỉnh lại các dây cu-roa của chiếc bàn may đã gỉ sét. Nhưng đó không phải là tất cả khó khăn, cái khó khăn nhất chính là nhìn ra phố, ông nhận thấy một thực tế khác: lối ăn mặc thanh lịch của dân Đà Lạt trước đây đã không còn. Tiệm may hoạt động bình thường, nhưng khách đến may complê, veston ít lại, thay vào đó là quần, áo sơ mi đơn giản. Vừa bước qua thời thiếu ăn, thì mặc đẹp, mặc sao cho có goût hãy còn là điều xa xỉ.
Dù vậy, cái hiệu "Tailor Sơn" vẫn giữ, vợ chồng ông Tín lúc đó vẫn nuôi hy vọng một ngày, sau những khó khăn cái ăn, thì goût mặc sẽ phục hồi, khách hàng cũ sẽ lại tìm đến hiệu may của họ, như đã từng.
NHỮNG GÌ CÒN LẠI
Rồi ngày hoàng kim cũng thấp thoáng trở về. Thoát khỏi thời kỳ bao cấp, những người Đà Lạt mở mang buôn bán, sắc vóc đô thị cũng phục hồi. Người ta có điều kiện để quay lại với lối sống thị dân ngày cũ, biết thụ hưởng, thích chăm chút ăn mặc.
Năm 1989, vợ chồng ông Tín quyết định chuyển tiệm may ra phố. Họ thuê căn nhà số 32 Ba Tháng Hai (Duy Tân cũ) để mở tiệm. Ra phố, Tailor Sơn được nhiều khách chuộng nhờ "luôn cải tiến, làm việc kỹ lưỡng, đúng hẹn", như slogan giản dị mà tiệm may này ghi trên tờ biên lai thiết kế trang nhã theo lối cũ "since 1970".
Thuê nhà được một năm, họ đủ tiền để mua luôn căn nhà số 96 Ba Tháng Hai, ổn định cơ ngơi làm ăn cho đến ngày nay.
Năm đứa con của ông Tín trưởng thành, theo nền nếp gia đình, sớm biết phụ việc hiệu may sau giờ học ở trường. Và dù ông Tín từng khuyên các con học hành để có sự nghiệp khác, nhưng ba anh con trai của ông là Võ Văn Cường, Võ Văn Chương và Võ Văn Huy học xong phổ thông đều tha thiết quyết nối nghề nghiệp của cha. Họ trở thành những thợ may lành nghề trong di sản cơ nghiệp mà cha mẹ họ đã gầy dựng qua những thăng trầm.
Nghề may Âu phục veston ở Đà Lạt hồi sinh mạnh mẽ trong khoảng năm 2000 đến 2010, rồi sau đó thì lại thu hẹp vì xu hướng dùng hàng may sẵn và goût ăn mặc bắt đầu phân hóa theo bối cảnh xã hội.
Dẫu vậy, ở Tailor Sơn, các con trai ông Tín vẫn giữ cách cắt may thủ công theo lối chuẩn mực của một "tailor" (nhà may) cổ điển. Ông Tín dạy các con phải chỉn chu từ may đo cho đến canh dựng canvas truyền thống để tạo ra những bộ vest đẹp và chất lượng. Ông luôn nghiêm khắc nhắc nhở chi tiết về quy trình may một bộ vest, người thợ phải lồng, đính một lớp canvas tốt vào trong thân áo, lớp canvas này sẽ giúp cho phom áo mềm mại và vững vàng, co giãn tự nhiên khi khách khoác vào người. Lớp canvas cũng sẽ giữ cho bộ vest được ôm khít, tôn vẻ đẹp vóc dáng cho người mặc.
Bộ vest thực thụ phải tạo ra vẻ đẹp chỉn chu và giữ lại nét thanh lịch qua thời gian.
Bình luận (0)