Thăng trầm những buổi chợ

10/02/2005 14:40 GMT+7

1. Gần 30 năm truớc, tôi là một cậu bé hàng ngày lẽo đẽo theo mẹ đi chợ. Mẹ mang trái cây bán ở chợ Hóc Môn, rồi mua các loại khoai gánh về bán ở chợ chồm hổm trong xóm. Đêm nào cũng vậy, mẹ tôi cùng vài bà bạn hàng, thuê chiếc ghe của ông Tám chở các giỏ trạc trái cây lên chợ. Gần nửa đêm đoàn trái cây của thưong buôn Lái Thiêu mới đến chợ. Trong khi mẹ và các bà bạn tíu tít buôn bán thì tôi trở thành người “giám sát” xung quanh.

Ngoài công việc đó tôi còn giúp đỡ mọi người giở hàng cho khách xem, thu gom giỏ trạc lại hoặc dòm ngó bọn người xấu. Tuy nhiên, công việc buồn đến nỗi nhiều khi tôi đã ngủ vùi ở một xó xỉnh nào đó khi đang “công tác”. Lớn lên, mẹ tôi vì không chạy chợ được nữa, hàng đêm, tôi lang thang xuống chợ ngồi thơ thẩn tìm lại không khí xưa và phát hiện ra rằng nhiều người như tôi cũng “nghiện” chợ. Họ ngồi uống cà phê hàng đêm để nhìn thiên hạ mua bán. Tôi cũng ngồi và suy nghĩ đến sự tồn vong của chợ, của sự biến cải tang điền...

2.

Đối với tôi, mẹ là hình ảnh đại diện cho kiểu cách mua bán xưa cũ, lấy chữ tín làm trọng. Đối với việc mua bán, mẹ không bao giờ biết đến 2 từ hoá đơn. Hồi đó điện thoại cũng không phổ biến, cùng lắm thì bạn hàng chỉ ghi vào tờ giấy hay cuốn tập nhỏ để nhớ những thuơng vụ mua bán trong ngày. Chỉ một lời nhắn người ta có thể đóng hàng đi xa hàng trăm cây số mà không bao giờ lo sợ. Đối với nhà vườn cũng vậy, chỉ cần một câu nói “Mùa này dì bảy để mận cho con hái nghe” là họ có thể chờ đợi, có khi trái chín rụng đầy sân nhà vườn cũng không bán cho ai khác vì “Con Nhựt nó dặn rồi”. Chuyện mua bán ngày xưa không đơn thuần là những tính toán thiệt hơn dù rằng xã hội đã ví von người buôn bán bằng cụm từ không mấy thiện cảm: con buôn. Trên bước đường nghề nghiệp, tôi đã gặp những “người muôn năm cũ” ngồi chợ cách đây mấy chục năm, dường như khi nhớ lại, họ vẫn tự hào về kiểu cách buôn bán dựa vào chữ tín. Bà Mười Liên, gần 40 năm bán chè ở chợ Tân Định (Q1) nhớ rõ mồm một “Hồi đó, chợ Tân Định có biệt danh là “chợ nhà giàu” do chợ gần khu trại lính (đường Đinh Công Tráng bây giờ). Bán cho các phu nhân sĩ quan thì phải chọn lựa hàng tốt, họ mua cũng không cần trả giá. Qua (cách xưng hô của người miền Nam) bán chè để kiếm sống, song phần khác vì nghiện cái không khí chợ búa. Ở nhà một ngày mình đã thấy bứt rứt khó chịu cho nên đến tận bây giờ tôi vẫn còn ngồi chợ nhưng chủ yếu là ngồi chơi với mấy đứa con, chỉ vẽ chúng cách buôn bán” - bà Muời nói. Những cô bạn hoặc khách ăn chè ngày xưa giờ là Việt kiều giàu có nhưng mỗi khi về nước lại đến chợ tìm bà để hàn thuyên, thậm chí có người còn gửi con gái của mình đến học cách nấu chè của bà Mười để về "bển" nấu cho gia đình chồng ăn!

Ông Võ Văn Hiển, một thương buôn từ Đồng Tháp có mặt tại Sài Gòn già nửa thế kỷ trước thì trầm ngâm: “Người ta gọi chợ Dân Sinh (Q1) là chợ “nhà binh” vì khu Kim Chung (khu Ký Con, Nguyễn Công Trứ bây giờ) hồi trước là khu gia binh, chợ chỉ ăn theo buôn bán đồ quân trang quân dụng và may vá đồ lính. Lúc bấy giờ làm ăn rất dễ dàng, tiền may một bộ quân phục bằng 1/3 lượng vàng nhưng ít ai trả giá. Cái câu “phi thương bất phú” là rất đúng với thời buổi đó”... Sau 1975, phần lớn các sạp chợ trong nhà lồng được giao cho công ty thương nghiệp quản lý. Kiểu họp chợ truyền thống bị đẩy ra bên ngoài trở thành một cái “nếp” đến tận sau này dù mô hình công ty thương nghiệp đã cáo chung từ lâu. Chuyện đẩy đuổi, sắp xếp tiểu thương vào trở lại nhà lồng trở nên quá khó. Nhiều chợ như Văn Thánh, Tân Bình, thậm chí Bình Tây cải tạo lại qui mô lớn hơn mời gọi tiểu thương vào miễn nhiều khoản thuế, hoa chi nhưng vẫn không có kết quả!

3. Chưa có một địa phương nào có nhiều chợ như TP Hồ Chí Minh, đến nỗi ngay cả ngành quản lý thương mại cũng không đưa ra được con số cụ thể, chỉ biết có khoảng ngoài 300 chợ lớn nhỏ. Chợ ở TP này cũng thuộc hàng phức tạp nhất, từ việc chen lấn giữa chợ cũ già nửa thế kỷ như Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu, Kim Biên, Dân Sinh, Bình Tây, Trần Chánh Chiếu... chợ vừa mới vừa cũ như chợ An Đông, chợ Văn Thánh, chợ Thiếc, chợ Hoà Hưng, chợ Nguyễn Văn Trỗi... và chợ mới 100% như chợ Bình Phú, chợ Tân Xuân, chợ Thủ Đức... Chính vì vậy, kiểu cách buôn bán hiện tại ở các chợ cũng tồn tại đan xen giữa kiểu cũ lấy chữ tín làm trọng và kiểu mới, lấy hoá đơn chứng từ là căn cứ mua bán. Giờ đây, đến các chợ Bình Tây, Soái Kình Lâm, Trần Chánh Chiếu... hơn một nửa tiểu thương vẫn buôn bán bằng chữ tín, song cũng biến cải ít nhiều. Người ta bắt đầu ghi nhà cửa số điện thoại của nhau để giao dịch song cái chính là biết chỗ để kêu nợ khi một bên không còn tôn trọng chữ tín. Bước cải tổ quan trọng nữa là buộc phải “gối đầu” khi đặt hàng để hạn chế rủi ro khi sự cố xảy ra. Ấy vậy mà các vụ vỡ nợ, giật hụi bỏ trốn vẫn không ngừng xảy ra khiến chữ tín càng lúc càng trở nên nhạt nhoà. Thế nhưng, chính tâm lý “anh không bán thì tôi bán” trong bối cảnh ế ẩm trầm kha hiện nay đã buộc các tiểu thương phải liều mình. Một bộ phận nhỏ trong đó trở thành người ngồi chợ bất đắc dĩ. Mức lãi còm cõi đã không đủ sức nuôi sống chủ sạp nhưng họ phải gượng ngồi lại để chờ đợi “phi vụ” làm ăn khác vì nếu đứng dậy thì coi như trắng tay. Họ phải tạo ra một dáng vẻ “có lúa” để mọi người cho “mượn gạo”! Chuyện giật gấu vá vai để tồn tại càng phổ biến, góp phần làm tăng nguy cơ rủi ro cho tầng lớp thương nhân trong các giao dịch...

4. Chiếc áo kinh tế thị trường nhanh chóng được khoác lên các chợ sau hàng loạt kiểu cách kinh doanh hiện đại xuất hiện. Năm 1992, khi siêu thị đầu tiên ra đời tại TP Hồ Chí Minh mang tên Citimart trên đường Ngô Gia Tự, kiểu cách mua bán xưa cũ bị chấn động mạnh. Sau đó, cuộc chinh phục của phương thức kinh doanh mới lan rộng với hàng loạt siêu thị và trung tâm thương mại thi nhau ra đời, hoạt động khắp các địa phuơng. Những người bi quan bắt đầu nghĩ đến việc kết thúc vai trò của các chợ trong một tương lai không xa. Hơn nữa, các văn bản pháp qui về chợ ra đời khá chậm chạp làm công tác quản lý chợ trở nên rối ren, mỗi nơi mỗi kiểu. Kênh phân phối hàng hoá ở chợ bị mất vai trò độc tôn. Bên cạnh nó, nhiều kênh phân phối khác ra đời và lớn mạnh: siêu thị, đại lý các công ty, hàng quán... Tiểu thương ở chợ liên tục la làng về tình trạng ế ẩm.

Thế nhưng, sức sống kỳ diệu của chợ đã thắng thế. Nếp sống cộng đồng và tình cảm của người dân đã giúp cho chợ chẳng những tồn tại mà còn liên tục phát triển. Người ta đi chợ không đơn thuần là chuyện mua sắm những thức ăn hay vật dụng hàng ngày, mà ở đó họ được tiếp xúc với cộng đồng, được tự do hàn huyên cà kê dê ngỗng, được nhìn ngắm và... trả giá, được hít thở không khí sôi động của cuộc sống... Hàng ngày, chợ vẫn mọc lên với đủ thứ định dạng, từ chợ hẻm, chợ phường đến chợ chung cư, chợ khu công nghiệp, chợ chồm hổm, chợ chạy, chợ nổi... Ngay cả một nhà “chợ học” như ông Trần Đình Thọ, Phó giám đốc Sở Thương mại TP Hồ Chí Minh cũng phải thốt lên “Không quản lý nữa, mà có quản lý cũng không nổi. Vậy thì cứ để cho nó mọc lên theo nhu cầu rồi chết đi theo qui luật”. Điều đáng mừng là nhà chức trách đã có ý thức hơn trong việc định hướng cho tương lai chợ. Khắp nơi chợ được qui hoạch, nâng cấp để theo kịp cuốc sống và nhất là kiểu cách kinh doanh ở chợ đã chuyển biến đáng kể.

Từ một ngôi chợ Tân Xuân xuống cấp, nhếch nhác trước đây nay đã thành chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn bề thế có quy mô và diện tích đứng hàng nhất nhì cả nước. Những tiểu thương tại chợ cũ đều phấn khởi vì kinh doanh hiệu quả với doanh thu tăng cao nhờ sạp được xây dựng sạch sẽ, tiện lợi: có tường bao quanh, nền gạch men, từng sạp được gắn nước sinh hoạt riêng. Tết này thành phố xuất hiện một chợ tư nhân hiện đại chưa từng thấy từ trước đến nay với kinh phí đầu tư trên 50 tỷ đồng. Đó là chợ Vĩnh Lộc ở huyện Bình Chánh do ông Nguyễn Văn Liêu xây dựng. Chợ Vĩnh Lộc mới không giống bất kỳ ngôi chợ nào trong cả nước về thiết kế xây dựng cũng như cung cách hoạt động mua bán. Kiến trúc qui hoạch các kiosque, lối đi trong chợ rất tiện lợi: tất cả kiosque, sạp đều là mặt tiền nhờ kiểu thiết kế đường ngang dọc như bàn cờ, 4 sạp thành một cụm tiếp vách nhau. Mỗi kiosque que đều có tầng lửng làm kho chứa hàng và có tầng lầu dùng làm nơi nghỉ ngơi, ở trọ lại (cho tiểu thương ở xa) rất tiện lợi. Tầng trên cùng lầu 2 sẽ được chủ đầu tư kinh doanh nhà hàng. Giữa các dãy kiosque, sạp chợ là một khung cảnh khá rộng, có trồng cây xanh, hồ nước, hòn non bộ và đặc biệt là một bàn thờ tổ. Tiểu thương có thể đến thờ cúng tại đây ít nguy cơ cháy nổ... Năm sau, thành phố lại đưa vào hoạt động một mô hình chợ lớn nhất từ trước đến nay: chợ Bình Điền. Chợ có qui mô 65 ha gồm đầy đủ các khu: nhà lồng với 1.300 ô sạp, văn phòng điều hành, kho bãi, khu sơ chế, trạm xử lý rác thải, khu dịch vụ, khi cầu cảng... với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 226,2 tỉ đồng. Chợ Bình Điền sẽ là điểm giao dịch mới cho tiểu thương 8 chợ trong nội thành di dời ra.

5. Bỏ qua những tạp nham đời thường, những áp lực tất bật từ nền kinh tế thị trường người ta vẫn nhìn chợ với con mắt thiện cảm. Một ngày nào đó, vô tình (hay hữu ý) bạn bước vào chợ vào buổi rạng sáng hay buổi chiều tà chắc chắn bạn sẽ bị cuốn ngay vào một môi trường với đầy đủ âm sắc cuộc sống. Và rồi bạn cũng sẽ nghiện cái không khí ấy, sẽ thèm một tiếng rao, nhớ da diết một câu chào mời ngọt như mía lùi của những thiếu nữ bán ở đây.

Hùng Sơn - Cẩm Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.