Thăng trầm Ơ Đu: Giữ hồn dân tộc

24/11/2024 06:00 GMT+7

Sống chung với các dân tộc khác trong thời gian quá dài, người Ơ Đu (Nghệ An) dần đồng hóa về trang phục. Nhưng sau khi quy tụ thành một cộng đồng riêng, họ bắt đầu tìm lại giá trị văn hóa của chính mình.

Hai người con dâu khéo léo

"Khi vừa chuyển về Văng Môn, gần như không còn ai mặc trang phục truyền thống của mình nữa. Chúng tôi rất tiếc và bắt đầu tìm cách khôi phục lại trang phục của mình", ông Lo Văn Cường, người có uy tín của bản Văng Môn, nói.

Thăng trầm Ơ Đu: Giữ hồn dân tộc - Ảnh 1.

Bà Vi Thị Dung bên chiếc khung cửi dùng để phục hồi trang phục của người Ơ Đu

ẢNH: K.HOAN

Theo quy tắc hôn nhân của người Ơ Đu, phụ nữ Ơ Đu hầu hết lấy chồng người Thái, Khơ Mú và sang sống tại nhà chồng ở các bản khác, còn phụ nữ về làm dâu người Ơ Đu chủ yếu là người Thái và Khơ Mú (rất ít người Ơ Đu kết hôn với nhau) nên việc khôi phục lại bộ trang phục truyền thống của người Ơ Đu là không dễ. Nhiệm vụ này đặt lên vai những nàng dâu Thái và Khơ Mú. Nhưng điều may mắn là phụ nữ Thái vốn nổi tiếng về nghề dệt may thổ cẩm nên công việc này cũng thuận lợi. Hai người đã làm rất tốt nhiệm vụ này là bà Vi Thị Dung (74 tuổi) và bà Lo Thị Nga (52 tuổi).

Trước căn nhà hướng ra con suối ở Văng Môn là chiếc khung dệt vải của bà Vi Thị Dung. Khung dệt này trở thành người bạn thân thiết của bà từ nhiều năm qua trong hành trình phục hồi trang phục truyền thống cho dân bản. Bà Dung vốn là người ở bản Cành Pải, xã Kim Đa (H.Tương Dương, Nghệ An). 10 tuổi, bà đã được học dệt vải, may vá. Năm 1966, bà kết hôn với ông Lo Hồng Phong, một người Ơ Đu cùng bản. Năm 2007, gia đình bà chuyển đến bản Văng Môn để nhường đất xây dựng thủy điện Bản Vẽ.

Thăng trầm Ơ Đu: Giữ hồn dân tộc - Ảnh 2.
Thăng trầm Ơ Đu: Giữ hồn dân tộc - Ảnh 3.
Thăng trầm Ơ Đu: Giữ hồn dân tộc - Ảnh 4.

Trang phục truyền thống của đàn ông Ơ Đu

ẢNH: K.HOAN

"Ngày xưa, dân tộc Ơ Đu bị gọi là Tay Hạt (tiếng Thái nghĩa là đói rách), cuộc sống vất vả, khổ cực. Khi về Văng Môn, người Ơ Đu đã tập trung lại với nhau trong một bản. Các cộng đồng khác đều có trang phục truyền thống mà người Ơ Đu không còn trang phục nữa, tôi cũng thấy buồn. Tôi về làm dâu Ơ Đu đã hơn 50 năm, chồng tôi là người Ơ Đu, các con tôi cũng là người Ơ Đu, nên tôi thấy mình cũng có trách nhiệm trong việc khôi phục bộ trang phục cho con cháu", bà Dung nói. Bà mang tâm sự này nói với trưởng bản, già làng, một số người lớn tuổi và đề đạt tâm nguyện khôi phục lại bộ trang phục truyền thống. Mọi người đều rất vui khi nghe ý tưởng này.

Khi việc khôi phục trang phục chưa biết bắt đầu từ đâu thì một người phụ nữ trong bản mang đến cho bà Dung một bộ váy và áo truyền thống của phụ nữ Ơ Đu do bà nội của chồng để lại, được cất giữ từ nhiều năm qua. Từ bộ trang phục này, bà Dung bắt đầu mày mò tìm hiểu hoa văn, chi tiết thêu, dệt và với sự hỗ trợ tích cực của bà Lo Thị Nga, hai bà bắt đầu công việc khôi phục áo, váy truyền thống. Trải qua mấy lần thất bại, cuối cùng họ cũng hoàn thành bộ trang phục ưng ý.

Bà Dung bắt đầu tập hợp một số phụ nữ khéo tay và yêu thích dệt may trong bản để dạy dệt may và các kỹ thuật thêu, may, tạo ra bộ trang phục truyền thống gồm: áo, váy, khăn của người Ơ Đu. Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An sau đó hỗ trợ cho người dân 20 khung dệt. Nhiều phụ nữ Ơ Đu được dạy dệt áo, váy đã rất thích thú với công việc này. "Chị em rất vui, có người dệt và thêu xong mang đến nhờ tôi cắt giúp và chỉ cho may để chắc chắn hơn. Bây giờ hầu như gia đình nào cũng có trang phục truyền thống để mặc", bà Dung phấn khởi kể.

Tấm áo cũ sót lại

Bà Lo Thị Nga cũng là người Thái, về làm dâu Ơ Đu hơn 30 năm qua. Thuở nhỏ, bà Nga được mẹ dạy cách dệt, may váy áo nên bà cũng rất ham thích công việc này. Sau khi cùng bà Dung phục dựng thành công áo, váy truyền thống cho phụ nữ, bà Nga nảy ý định khôi phục trang phục truyền thống cho nam giới.

Thăng trầm Ơ Đu: Giữ hồn dân tộc - Ảnh 5.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Ơ Đu

ẢNH: K.HOAN

May mắn đến với bà Dung khi trong đống đồ cũ của bố chồng còn một bộ trang phục của đàn ông Ơ Đu. Bà mang bộ trang phục này ra tìm hiểu các đường kim, mối chỉ. So với trang phục của phụ nữ, trang phục truyền thống của nam giới người Ơ Đu đơn giản hơn, nhưng lại đòi hỏi về chất liệu nhuộm vải và sự chắc chắn của đường may. Sau nhiều ngày tìm tòi, tham khảo ý kiến của những người lớn tuổi trong bản, bà Nga cũng tìm ra được bí quyết này và bắt đầu may áo. Chiếc áo bà may giống y chiếc áo cũ của bố chồng khiến mọi người trầm trồ. Áo cổ tròn, cài khuy, phong thái nghiêm túc, nhã nhặn. Từ kiểu cách chiếc áo này, bà Nga đã phục dựng thành công chiếc quần truyền thống của nam giới.

Sau khi phục dựng thành công bộ quần áo truyền thống của nam, bà Nga đã truyền nghề cho nhiều phụ nữ trong bản và sau đó nhiều người đã có thể tự may được. Đến nay, bộ trang phục truyền thống này trở nên phổ biến với người dân Ơ Đu ở Văng Môn. Hình ảnh những người phụ nữ tụ hợp vừa thêu thùa vừa chuyện trò trước đây đã biến mất nay xuất hiện trở lại ở bản người Ơ Đu. Hiện nay, các gia đình người Ơ Đu đều có trang phục truyền thống để mặc trong các ngày lễ, tết, đám cưới... Các em nhỏ cũng có một bộ để mặc vào ngày lễ chào cờ hoặc các lễ lớn. "Một bộ áo váy của phụ nữ có thể mất cả tuần mới hoàn thành, quần áo của đàn ông thì nhanh hơn. Không chỉ may cho dân bản mặc, nhiều người ở xa khi đến đây chơi, tham quan cũng mua về làm kỷ niệm nên cứ dệt được cái nào là bán hết cái đó", bà Vi Thị Dung nói. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.