Thanh âm của khung trời - Truyện ngắn của Nguyễn Văn Học

Nguyễn Văn Học
Truyện ngắn
14/04/2024 08:30 GMT+7

Nắng tinh nghịch nhảy nhót trên tán cây. Nắng thắp lên từng đôi cánh của bầy chim nhỏ bé lích chích, làm chúng rộn lên, khi chúng xòe cánh như thể nở ra những bông hoa.

Cảnh vui, ngoài kia xuân về, thế mà lòng dạ Long lại như đóng băng lại, dính chặt cơ thể ở một chỗ. Không dậy đi tìm bạn tình à? Tiếng ai đó gọi khiến Long mở mắt. Ngôi nhà vắng lặng. Chắc bố mẹ giờ này đã về quê ngoại ăn giỗ. Ai đấy? Long nghển cổ hỏi, rồi lại nằm xuống. Hoàng đây, Hoàng thọt đây. Giọng Hoàng rổn rảng như rang ngô. Một anh chàng vui tính, chân dị tật bẩm sinh, nhà ở xóm bờ sông, xởi lởi, nhân nghĩa như dòng sông quê hương nối với sông Hồng, nhỏ thôi mà nhiều phù sa.

Thanh âm của khung trời - Truyện ngắn của Nguyễn Văn Học- Ảnh 1.

Minh họa: Tuấn Anh

Long tâm tư. Không phải tâm tư vì thiếu bạn hay không thể lấy cho mình một cô vợ, mà buồn vì không bán được đất, mua ô tô, thỏa thói đua đòi trào lưu như chúng bạn. Trong làng, từ xóm trên đến xóm dưới, chỗ nào cũng phởn phơ bàn chuyện bán đất đai cho doanh nghiệp, cho khu công nghiệp, rồi khuân cả đống tiền tậu xe hơi, xây nhà lầu. Trong những lúc nhậu nhẹt, bạn bè thằng nào cũng nhể nhả kể về xe cộ. Có thằng thay xe như thay áo, Long bị chạm nọc, ngứa ngáy khó chịu.

- Thế nào? Chưa thuyết phục được ông già hả? Không thì thôi, ta đi kinh doanh, kiếm tiền, tự mua. Đàn ông, sao phải phụ thuộc!

Lúc này, Long đã uể oải ngồi dậy. Sự xuất hiện của Hoàng làm ngôi nhà bớt trầm.

- Sang đây có việc gì thế? - Long vuốt lại mớ tóc, hỏi.

- Thì chơi với nhau không được sao?

Hoàng đến với mục đích thuyết phục Long bắt tay làm gốm. Nhưng bị thẳng thừng lắc đầu. Long có tay nghề, có sự trợ giúp của bác Năm là bố Long, một nghệ nhân ưu tú, giỏi nhất làng về bí kíp làm gốm truyền thống. Nhưng Long không hứng thú mấy chuyện đó. Anh bảo nhọc, nhọc thật sự. Anh đã cố rồi, nhưng thị trường từ chối anh, xã hội tiêu dùng ưa dùng đồ nhựa từ chối anh, từ chối cả nghệ nhân Năm. Hoàng là người có lòng tin, nhưng anh chưa thể thuyết phục, chưa thể làm lay chuyển sự trễ nải, chán chường nơi Long. Anh thất vọng ra về.

***

Lần thứ bao nhiêu không nhớ nữa, Long thuyết phục ông Năm bán đất. Chỉ cần bán một phần thôi, số tiền có được đủ xây một ngôi nhà, mua một con xe, chỗ ở nhà anh sẽ đủ đầy tiện nghi, cuộc sống như thế là ổn. Nhưng ông Năm không thay đổi quan điểm. Ông sợ lũ thanh niên bóc ngắn cắn dài, nghĩ nông cạn. Ông vẫn mong mỏi một ngày nghề gốm làng mình trở lại thời hoàng kim. Nhưng ngày đó bao giờ mới đến, chính ông cũng không biết, nên ông trở nên lặng lẽ như tấm bia đá. Vừa tiếc thương nghề cổ tổ tiên truyền lại, vừa buồn vì bọn trẻ tư duy nông nổi.

Làng giáp sông và tỉnh lộ, suốt thời gian dài phát triển nghề gốm thủ công, đốt lò truyền thống. Những hoa văn, đường nét của gốm đã hiện hữu nét tươi ngời trong nụ cười người dân suốt bao năm. Thời đó, khách nườm nượp đến làng đặt hàng, lò nung gốm luôn đỏ lửa, nhà nào cũng tưng bừng, rộn ràng. Nhưng thời đó đã trôi vào quá khứ. Làng gốm bị cạnh tranh khốc liệt bởi thị trường. Những "lối xưa xe ngựa…" nay lặng lẽ vắng bóng khách về. Thanh niên trai tráng bỏ đi làm trên thành phố, dạt vào các khu công nghiệp kiếm ăn qua ngày. Làng chỉ còn vài nghệ nhân đau đáu với nghiệp cha ông, túc tắc nặn gốm, cầm chừng, đốt lên những cái lò như để cố gắng găm vào cuộc sống hiện đại một mảng ký ức về thứ nghề từng rất phát đạt. Đến lúc những nghệ nhân trong làng chẳng còn đủ sức nữa, chỉ còn ông Năm, một mình lặng lẽ giữ lò, giữ nghề. Người ta cũng khuân cả đống tiền đặt trước mặt ông, bảo rằng, chỉ cần ông đồng ý bán nửa ngôi vườn mặt đường, ông sẽ chẳng phải khổ nữa, cũng đâu cần đăm chiêu dằn vặt bản thân. Nhưng ông lắc đầu. Kiên quyết lắc đầu.

Không thuyết phục được bố, Long theo chúng bạn săn bắt chim về làm mồi nhậu. Nhậu xong lại bệ rạc ngồi đánh bạc vã, hoặc ngủ lăn lóc. Bọn thanh niên cứ men theo vùng cây rậm rạp ở bãi sông mà săn bắt. Chim chóc ào về làng, trú ngụ trên những tán nhãn, tán bưởi. Nhưng chúng cũng chẳng được yên thân. Chỗ nào cũng bị đám thanh niên nhòm ngó. Ông Năm thấy lạ là, một ngày kia, ngôi vườn của mình xuất hiện hàng bầy chim chóc. Những con chim xinh xinh như những ca sĩ bầu trời. Chúng thường sà xuống chỗ ông nặn gốm, có lúc đậu hẳn lên những chiếc bình, loạch choạch trên vai ông. Điều đó làm ông thích thú.

***

Buổi sáng trở dậy, tiếng chim dẫn dụ ông ra vườn. Trời trong và sương sớm long lanh. Chim chóc nhiều quá, chúng lích chích nhảy nhót múa ca trên tán xanh của mấy cây nhãn, cây mít cổ lớn tuổi. Lại nói về những cây mít. Ông lạ gì những người buôn đất. Họ còn nhằm vào những thân mít lừng lững, với khối lượng gỗ khổng lồ. Bầy chim mách bảo ông những điều chẳng lành ở bên ngoài. Ông biết con trai mình hay la cà, theo đám thanh niên. Thời gian gần đây chẳng mấy khi Long có mặt ở nhà. Ông sợ con trai và đám bạn của chúng phát hiện ra bầy chim. Liệu chúng có để yên? Ông Năm sang gặp Hoàng, nhờ anh động viên con trai mình. Nhưng năm lần bảy lượt, Hoàng không thể cản ngăn Long la cà với đám bạn xấu, sống hưởng thụ, bạc nhược. Đã thế, nhóm bạn còn phát hiện ra bầy chim về vườn ông Năm rất nhiều. Họ rủ Long cùng về làm một mẻ lưới. Nhưng ông Năm không cho. "Chúng là những sinh linh bé nhỏ, không ai có quyền". "Kìa bố, chúng chỉ là bầy chim trời. Bọn con không bắt thì người khác cũng bắt". "Không được". Gương mặt ông cứng đanh, cương quyết khiến đám thanh niên bực bõ bỏ đi.

Long ngày càng trượt dài vào những cuộc nhậu bê tha li bì, tàn tạ, đầu óc bù xù, toàn thân phờ phạc. Anh như kẻ bị rút hết sức sống, lúc nào cũng ẻo lả. Nghề nghiệp, xe hơi, tất cả đều đang ở xa anh. Không săn chim chóc trong xã, Long cùng đám thanh niên đến các bãi sông ở những xã bên để tìm kiếm mồi nhậu. Bọn họ lục tung từng nhành cây, ngọn cỏ, mỗi khúc sông, quãng đồng. Họng súng săn đi đến đâu đều làm tớn tác, khiếp hãi đến đấy. Họ nhẫy nhụa ăn nhậu thâu đêm. Ông Năm, bà Năm không kéo được con về. Nỗi niềm chăng lên từng bình gốm ưu tư. Một hôm khi đi săn chim, Long bị đám bạn bắn nhầm vào động mạch đùi, phải vào viện cấp cứu. Đó là một ngày bầu trời như bị nhuộm máu, đỏ ủng. Vết thương làm một chân Long mãi mãi phải chịu dị tật, tập tễnh. Long gào thét trong đau đớn. Long thất vọng chán chường, càng muốn phá bĩnh để mọi thứ tan nát. Có lúc anh không muốn gặp người thân. Đám bạn thi thoảng lại đến kéo anh đi. Rồi sau những cuộc nhậu say ngất, chúng lại ném Long trở về gia đình khi toàn thân anh nhũn mềm. Chúng lăm le bầy chim trong khu vườn nhà ông Năm. Chuyện này thì không thể được. Ông Năm cấm tiệt. Có con mà không được nhờ, còn hành tội mình, xót xa chăng kín lòng ông bà.

***

Ông Năm vẫn cần mẫn nặn gốm, bên bầy chim ngoan. Khu vườn của ông không ai dám xâm phạm, bầy chim coi đây là chốn có thể nương nhờ. Hằng ngày chim chóc múa ca trong vườn, sà xuống nơi ông nặn gốm. Chúng hòa vào cả những chiếc bình. Đôi lúc sự xuất hiện và tiếng hót của chúng gợi cảm hứng cho sự sáng tạo của ông. Dòng thời gian trôi nhanh, cuộc sống như bỏ lại phía sau, nhưng ông vẫn làm việc với lòng đam mê. Ông bảo, mặc thiên hạ đổi thay, hưởng thụ, mình cứ làm chăm chỉ, thi thoảng hàng vẫn xuất được đi, ông bà vẫn sống tằn tiện mà an nhiên. Chỉ có mái tóc của ông thêm phần xác xơ vì con trai luôn chìm trong chán nản, rượu chè.

Một lần, sau cơn say cộng sốt cao mê mệt, nằm li bì mấy ngày, Long tỉnh dậy, lơ mơ nhìn ra thấy bố mình đang ngồi nặn gốm bên bầy chim. Khung cảnh khi đó đẹp như một bức tranh khiến anh sững sờ. Sao chim chóc dạn dĩ, quý bố mình đến thế! Chúng quây quần bên ông, tạo thành hình ảnh tuyệt đẹp mà Long chưa thấy ở đâu, bao giờ. Những nơ ron thần kinh của anh như bị đánh thức, tác động sâu vào tình cảm, khiến Long kinh ngạc. Anh từ từ tiến lại, từng bước, từng bước, tự nhiên hết sức khẽ khàng, rón rén, không muốn làm bầy chim bay đi, cũng không muốn bố biết. Điều kỳ lạ là, những sinh vật bé nhỏ đáng yêu ấy chẳng tránh đi, chúng dám chạm vào anh, đến gần anh hơn như thể chẳng có gì lạ xảy ra. Anh nghĩ bố không hề hay biết, ông Năm cũng không hề quay lại, nhưng bất chợt ông ôn tồn cất giọng:

- Đấy, con có thấy chúng có đáng yêu không, lũ chim ấy?

Long dừng lại, mỉm cười, anh cũng không ngờ mình thốt lên những câu mà trước đó anh chẳng hề nghĩ đến:

- Con muốn làm gốm bố ạ.

Ông Năm lặng đi trong giây lát. Rồi ông đứng dậy, vỗ vai con:

- Bố biết, con có năng khiếu, con từng đam mê. Bây giờ làm gốm cũng không muộn…

Long đi gặp Hoàng, người bạn chí cốt, từng có những hoài bão không thành. Giờ cả hai giống nhau, đều bị tật một chân, đều muốn thay đổi mình. Anh nói với Hoàng về dự định mở lò gốm thủ công. Giữa thời buổi hiện đại, sản phẩm gốm thủ công mỹ nghệ bị lép vế, song trong khe cửa hẹp, người ta vẫn có thể lách được nếu có cách. Tự nhiên cuộc trò chuyện thành sôi nổi, Long rủ Hoàng đi chu du ít ngày, tìm đến các làng gốm cổ còn tồn tại xem sao. Phải khơi mở thị trường, đưa những sản phẩm tinh xảo đến với người dùng. Mỗi bình gốm đều phải được nâng tới tầm kỳ - mỹ - văn. Khâu yếu nhất của mỗi làng nghề là đầu ra và quảng bá. Phải nghĩ đến việc sáng tạo mẫu mã, cách thức quảng bá, đưa lên Facebook... Nếu gây dựng những sản phẩm độc bản, kiểu dáng lạ sẽ tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ cho khách… Tự nhiên đôi bạn nối tiếp nhau hết câu này đến câu khác chẳng khác gì các doanh nhân sắp bước vào một kế hoạch làm ăn lớn.

***

Mẻ gốm Long dành bao tâm huyết sắp ra lò đã có khách đăng ký hết. Ai cũng tưởng mọi thứ suôn sẻ, anh sẽ thắng đậm. Vậy mà khi nung, Long làm hỏng. Chiếc thì non, chiếc thì quá lửa, có chiếc vừa già vừa non, thành ra sản phẩm không vừa mắt. Vừa buồn vừa tiếc, Long phải muối mặt xin lỗi khách.

Anh hỏi bố cái sai cơ bản ở đâu. Bố bảo, nguyên do vẫn là ở Long. Đầu óc Long bị ảnh hưởng nhiều bởi tác dụng xấu từ rượu. Làm lại, mẻ này thì không thể hỏng được. Long tỉ mỉ từ tạo cốt gốm đến vẽ màu, lên họa tiết. Anh vẽ lên đó những cánh chim trời gần gũi, quyện hòa trong bức tranh an yên lắng đọng. Anh tỉ mỉ bôi nến lên họa tiết, nhúng men rạn. Men rạn là loại men được phủ lên đồ gốm sứ bởi những vết rạn đẹp mắt. Bản chất của việc tạo thành các điểm rạn, chúng co ngót không đều giữa bề mặt men và cốt gốm sứ khi có sự chênh lệch về độ co giãn của xương gốm và men. Anh thấy lòng mình cũng như chiếc bình men rạn, chơi vơi, khó tính. Mỗi ngày, anh cùng gốm hồi sinh…

***

Đám bạn săn chim đến tận nhà ngó nghiêng, xem Long sống chết ra sao. Họ thấy Long cùng Hoàng tỉ mỉ cắm cúi nặn gốm như quên hết cả xung quanh, bên những con chim bé nhỏ ríu rít, tinh nhanh. Chim chóc như thể từ bầu trời sà xuống, lẫn vào những chiếc bình, trở thành hoa văn, họa tiết trên mặt gốm. Rồi chúng từ những chiếc bình, xòe cánh, bay lên tán cây. Đám bạn thinh lặng trước cảnh bình yên. Một trong số đó buột miệng:

- Này, tóm lấy mấy con nhắm rượu chơi cũng dễ nhỉ.

Long cười khơ khơ. Anh chỉ vào những con chim vừa bay lên, lẫn vào lá:

- Chúng ngửi thấy mùi chết chóc đấy. Nhưng ở đây, chúng được bảo vệ. Bọn mày về đi.

Trong khoảng không gian nắng nhẹ, bầy chim như hòa vào mặt gốm, tạo nên những bình độc bản tuyệt mỹ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.