Ngày đó, mỗi lần có dịp tiếp cận vỉa hè Hà Nội, tôi và bạn bè mình lại có cơ hội ngồi chè chén, kẹo lạc, rượu cuốc lủi. Tiền ít, kẹo lạc hay rượu cuốc lủi và lạc rang cũng rất khiêm nhường, đâu có thể như hai người bạn quê Nghệ nói với nhau: "Đời là cái chi/Xả láng đi mi!". Chúng tôi chỉ kêu mỗi người vài chén chè Thái sao bằng tay, xin bà cụ chủ quán vỉa hè rót bán cho mỗi người một chén rượu cuốc lủi, nhấm nháp với đĩa lạc rang nhỏ xíu. Thế là vui rồi.
Tôi còn nhớ, cuối năm 1975, khi tôi yêu một cô gái sau đó trở thành vợ tôi, cứ mỗi chủ nhật ngày nghỉ của vợ tôi, thì chàng người yêu là tôi lại chở cô gái ấy đi lang thang chơi khắp Hà Nội bằng xe đạp. Hồi đó, phương tiện giao thông chủ yếu là xe đạp hoặc cuốc bộ, dù một số cư dân Hà Nội vào Sài Gòn đã mua hoặc được cho xe máy, gọi là xe honda. Nhưng số lượng người đi xe máy hồi ấy ở Hà Nội vẫn không nhiều. Đi xe đạp, hay đi bộ là chính. Có một lần, vào buổi sáng chủ nhật, trong túi cạn tiền, tôi đã xin người yêu của mình 5 xu. Chỉ để mỗi người uống một cái chè chén, vì tôi chỉ còn 5 xu trong túi:
"lúc bấy giờ chưa ai nói yêu ai
chỉ biết vui chỉ biết niềm vui gần hơn tất cả
không hẹn ước không giận hờn không nhà cửa
suốt ngày chủ nhật
mà buổi sáng rét ngọt anh đã xin em năm xu
lúc ấy hiện trước em con người anh như thế
chẳng có gì bày vẽ thêm đâu"
(Nhớ - Tặng em, 2.1976)
Thực ra, muốn bày vẽ cũng không được, vì mình chỉ có lương thiếu úy, tháng lãnh 65 đồng.
Những kỷ niệm nhỏ nhoi như vậy mà hai chúng tôi không bao giờ quên được.
Ngày ấy quán chè chén vỉa hè Hà Nội chỉ có chè chén chứ chưa có trà đá, vì Hà Nội thuở sau hòa bình còn hiếm đá lạnh lắm. Tôi vẫn nhớ, những cặp người yêu nhau thuở đó mỗi khi dắt tay vào được một quán "Chè đậu đen có đá", giữa ngày hè, là cảm thấy hạnh phúc lắm. Nếu quán chỉ bán chè đậu đen, thiếu chữ quan trọng nhất "có đá" thì thôi rồi, chẳng ai muốn vào uống cả.
Các bạn mình nay đã trên 70 tuổi, hẳn còn nhớ những cốc chè đậu đen có đá chứ ? Nó mát lạnh bàn tay, mát lạnh cổ họng khi mình uống vào, và mát lạnh cả lòng dạ khi mình cảm nhận đá lạnh đang tan trong cơ thể mình. An lành và ngọt mát biết bao nhiêu!
Sau này, mỗi khi ra Hà Nội tôi không còn thấy những quán giải khát "Chè đậu đen có đá" nữa. Một trang sử mới đã được mở, đá lạnh đã trở thành quá bình thường, và gần như không ai còn nhu cầu giải khát bằng "Chè đậu đen có đá", bởi đã xuất hiện quá nhiều món giải khát mới thu hút khách hơn. Nhưng hồi 75 sau hòa bình đó, hưởng được cốc chè đậu đen có đá trong ngày nắng nóng là một diễm phúc của nhiều người.
Dù chè đậu đen có đá chỉ bán trong quán, không bán vỉa hè, nhưng giữa quán với vỉa hè lúc ấy là một không gian rất hẹp, rất gần gũi.
Tôi thích nhất khi ngồi uống chè chén vỉa hè là được nghe bà con cùng uống chè với mình kể những chuyện "tiếu lâm đời mới". Những chuyện hết sức hài hước, nghe tới đâu buồn cười tới đó. Các bác đạp xe xích lô thì thường bàn với nhau chuyện nước ta có mỏ dầu hỏa lớn lắm, khai thác lên bán thì "nước mình giàu đến đít rồi ông ơi!", nghe vừa buồn cười vừa cảm động.
Ngồi vỉa hè cũng là cơ hội được ngắm nhìn người qua lại, nhất là những mẹ chị bán hoa, bán chuối tiêu trứng cuốc, hồng ngâm hồng trứng, hay mùa nào thức ấy bán cốm Vòng, bán những món quà ẩm thực nho nhỏ của Hà Nội khi mình từ nơi xa vừa tới thủ đô. Có tiền trong túi thì mua, hết tiền thì ngồi ngắm cho đã mắt.
Vỉa hè Hà Nội từ ngày xưa đã là nơi kiếm sống của những người lao động nghèo. Chỉ trừ quán chè chén ngồi một chỗ, còn những người bán rong quà vặt khác đều di động, họ không hề "lấn chiếm vỉa hè", mà chỉ dừng lại bán hàng, xong là đi. Sự sinh động của vỉa hè cũng chính là chỗ đó, những gánh hàng rong như những"quân cờ di động" có thể là đôi quang gánh, có thể là chiếc xe đạp trành thồ hàng, có thể là cái thúng mẹ chị đội trên đầu… Nó đa dạng và tạo nên màu sắc thu hút trên phố xá Hà Nội. Bây giờ, khách du lịch nước ngoài khi tới Hà Nội đều rất thú vị với những "quân cờ di động" bán hàng rong này, miễn là họ đừng quấn lấy khách và tìm cách "chặt chém" khách quốc tế.
Cái ngày đã xa xưa ấy, tôi luôn tìm được sự bình an trong lòng khi ngồi quán chè chén vỉa hè, hay lang thang trên hè phố, chờ chiếc xe đạp hàng hoa với người chị bán hàng lành hiền để mua mấy đóa hoa hồng. Nhiều khi mua hoa chỉ cho vui, gặp bạn tặng bạn.
Nhớ có lần tôi từ Quảng Ngãi ra Hà Nội họp hành gì đó ở Hội nhà văn, đúng buổi sáng ngày 20.10, ngày Phụ nữ Việt Nam, tôi dừng ở gánh hàng hoa mua 20 chục bông hồng vàng thật đẹp, mang tới hội tặng các em gái văn phòng. Các em vui lắm, mỗi em nhận một bông hồng, khi tôi hỏi ngày lễ phụ nữ các em có được lãnh đạo tặng hoa không, các em lắc đầu. Tôi chắc chắn không phải là lãnh đạo, nhưng tặng hoa các em ngày 20.10 cũng được chứ nhỉ? Các em OK luôn.
Tôi cũng đã từng được ngồi cà phê vỉa hè ở Paris. Vỉa hè của họ rộng và sạch bong, họ bán cà phê trong quán và cả ngoài vỉa hè, ai muốn ngồi đâu thì ngồi. Nhưng ngồi vỉa hè thú vị hơn nhiều, vừa thoáng vừa dễ dàng ngắm phố. Có lần bạn bè tôi đưa tới quán cà phê nổi tiếng Café de Flore với một bảng quảng cáo nhỏ nhưng ai cũng đọc Les chemin de la liberte (J.P.Sartre). Đó là quán cà phê ngày xưa nhà văn, nhà triết học J.P.Sartre sáng nào cũng tới "ngồi đồng" ở đó, uống cà phê và viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Những ngả đường tự do. Quán cà phê nhỏ thôi, nhưng đã dành một phòng nhỏ trưng bày một số kỷ vật của nhà văn vĩ đại, kèm với một số hàng lưu niệm của quán có mang tên J.P.Sartre. Tôi đã mua một quyển sổ tay nhỏ, bây giờ vẫn còn giữ làm kỷ niệm. Quán ở địa chỉ 172, đường Saint-Germain 75006 Paris.
Chợt nhớ, ở Hà Nội ngày xưa ấy đã có không ít văn nghệ sĩ nổi tiếng từng ngồi ở các quán chè chén vỉa hè, ngồi quán rượu 109 phố Huế mà chủ quán là một bà cụ hiền lành, ngồi quán cà phê mang tên Lâm Toét, uống chịu cà phê và gán nợ bằng tranh nghệ thuật hẳn hoi.
Hà Nội và Paris giống nhau chỗ đó, có điều ông Sartre thì không uống chịu cà phê, ông ngồi cà phê để viết sách, còn các họa sĩ lớn Hà Nội thì uống cà phê chịu và trả nợ tiền bằng tác phẩm nghệ thuật mình vẽ tại nhà. Vậy thôi.
Bình luận (0)