Bà xã cho tôi sự tự do nhưng đổi lại là niềm tin
* Khá lâu mới lại có dịp trò chuyện cùng anh. Không biết một chàng nhạc sĩ, ca sĩ tràn đầy năng lượng, thậm chí có phần "tăng động" trước đây sẽ thay đổi thế nào khi lên chức bố?
- Nhạc sĩ - ca sĩ Thanh Bùi: Đến lúc có con mới biết cảm giác làm cha tuyệt vời như thế nào. Trước đây, mình thích làm gì thì làm, cứ bay bổng mà làm còn sau khi có con, mình làm việc gì dù nhỏ cũng phải suy nghĩ rất nhiều, xem có xứng đáng với hình ảnh một người cha không.
Ngoài ra, từ khi có con, tôi cảm thấy yêu vợ nhiều hơn. Từ lúc mang thai đến lúc sinh con, người phụ nữ chịu rất nhiều cực khổ. Sự nhẫn nại của Vân vĩ đại lắm. Mình đi làm về nhà nghe mấy đứa nhỏ kêu la, nhiều lúc muốn điên luôn nhưng Vân thì khác. Vân dịu dàng dỗ con, ru con ngủ. Điều đó khiến tôi rất cảm phục Vân, cố gắng chia sẻ với vợ những công việc có thể như dỗ con, cho con bú sữa... Tôi nghĩ đàn ông Việt Nam cũng nên nhìn lại vai trò của mình trong việc nuôi dưỡng con cái.
* Con đầu lòng lại là sinh đôi, vợ chồng anh đã xoay sở thế nào?
- May mắn là gia đình hai bên, ai cũng thương tôi và Vân nên giúp đỡ rất nhiều. Tuy nhiên, cái gì mình làm được thì mình sẽ làm. Con là con của mình, sinh ra mà để cho những người khác lo là không đúng.
* Sau khi sinh con, bà xã của anh đã lập tức trở lại với công việc?
- Vân chưa bao giờ nghỉ. Cô ấy là một người rất năng động và trách nhiệm nhưng cũng biết cách tìm sự cân bằng, vừa là người mẹ người vợ, vừa lo cho công việc.
|
|
* Nhiều người cho rằng anh không chịu nhiều áp lực về kinh tế, một phần nhờ bà xã hậu thuẫn, điều đó có đúng không?
- Khi theo đuổi nghệ thuật, điều tôi cần nhất là sự ủng hộ của gia đình. Và để có được điều đó thì tôi cũng phải cho mọi người thấy mình đã thành công như thế nào. Nhưng một tấm bằng về âm nhạc hay một giải thưởng nào đó thì đâu đủ để thuyết phục. Năm 25 tuổi, tôi đặt lên bàn chiếc chìa khóa xe Audi cùng chìa khóa nhà và hỏi mẹ: "Như vậy đủ chưa mẹ? Thành quả 5 năm cống hiến của con đó".
Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ tôi lúc đó. Bà trợn mắt lên và nói: "Con làm ra thật hả?". Tôi nói với mẹ rằng: "Con cần sự ủng hộ của ba mẹ, chỉ một lời thôi. Con không thể sống một cuộc sống mà mỗi khi về nhà, con cảm thấy mình là cái gì đó, không đáng để ba mẹ tự hào".
Tôi không phủ nhận, tôi rất may mắn nhưng cái may mắn đó cũng đi liền với cái giá phải trả, đó là trách nhiệm. Tôi phải làm nhiều hơn để đóng góp cho xã hội này. 5 năm nay, mọi người cũng đã thấy được, một khi tôi đã làm thì thực sự là tôi làm.
* Ngược lại, anh dành rất nhiều tâm huyết cho âm nhạc và giáo dục, thời gian đâu anh dành cho vợ con?
- Vợ con chính là nguồn năng lượng của tôi. Người ta nói cái gì cũng có cái giá. Nhiều lúc, tôi rất cần gia đình, cần vợ phải thực sự hiểu mình và Vân là người đã chấp cánh cho tôi "bay". May mắn ở chỗ, trước đây, những người - có thể gọi là tình cũ của tôi - họ chưa thật sự hiểu tôi. Những gì tôi đang làm, tôi không gọi đó là công việc mà là lối sống của tôi và tôi không thể thay đổi cũng như không muốn thay đổi.
Vân thì không bắt tôi thay đổi gì cả. Vân cho tôi sự tự do để làm bất cứ thứ gì nhưng Vân nói với tôi rằng: "Em cho anh sự tự do nhưng anh không được đi ngược lại niềm tin của em". Khi một người nói với mình như vậy, mình làm sao nỡ làm điều gì có lỗi với cô ấy. Vân cứ như vậy đó. Cô ấy thực sự là một người phụ nữ vĩ đại.
Không làm HLV Giọng hát Việt nhí vì không còn phù hợp
* Làm cha rồi, âm nhạc của anh có gì thay đổi?
- Tôi nghĩ phải thay đổi chứ. Làm cha rồi, tôi nhìn mọi thứ khác lắm. Trước đây, tôi ít khi xem tivi. Có con rồi, tôi lại trăn trở vì sao con mình là người Việt Nam, lẽ ra phải được tiếp cận văn hóa Việt từ sớm nhưng ở Việt Nam lại hiếm có chương trình nào dành cho lứa tuổi của các con mà chúng phải xem Disney hay những chương trình nước ngoài. Cũng từ đó, tôi mong mỏi làm được những chương trình giáo dục, giải trí đúng nghĩa để khi mở tivi lên, có thể tự hào cho các con xem mình đang làm giám khảo hay chí ít là những chương trình có chất lượng.
* Đó có phải là lý do khiến anh nhận lời trở lại "ghế nóng" trong một chương trình về thiếu nhi gần đây?
- Đó cũng là một phần. Như đã nói, khi tôi đang trăn trở về một chương trình vừa mang tính giáo dục, vừa mang tính giải trí thì tôi gặp được Wonder kids (Thần đồng âm nhạc). Hiện nay rất ít chương trình cho trẻ em vừa hấp dẫn, thú vị vừa mang tính định hướng về văn hóa cho các em. Trong khi đó, Wonder kids là một chương trình đặc biệt ở chỗ đây là sân chơi tôn vinh nhạc cổ điển.
Nhắc đến nhạc cổ điển, nhiều người nghĩ rằng nó là cái gì đó khó gần nhưng qua chương trình này, tôi muốn khẳng định một điều nhạc cổ điển rất gần gũi. Ngay cả những ca sĩ nổi tiếng thế giới cũng xuất phát từ nền tảng là nhạc cổ điển. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nhấn mạnh tầm quan trọng về giáo dục nghệ thuật vì trong xã hội hôm nay, sự sáng tạo rất quan trọng. Nhiều phụ huynh cho con đi học hát, học đàn vì cho rằng các em có năng khiếu ở lĩnh vực đó mới cho học nhưng ở các nước phát triển, âm nhạc là môn bắt buộc để các em phát triển được những kỹ năng mềm, cũng như sự sáng tạo, tự tin...
|
* Trước nay, từng có rất nhiều chương trình về thiếu nhi mời anh tham gia, vì sao anh không nhận lời?
- Trước đây, tôi cũng từng là huấn luyện viên trong một chương trình nhưng khi đó, tôi đã không thể nào bảo vệ được công việc của mình. Cụ thể là tôi thấy bị hạn chế trong việc xây dựng những giá trị cốt lõi của mình. Tôi không nói đến chuyện đúng hay sai ở đây mà tôi thấy những chương trình kia không phù hợp với tôi.
Cho đến khi biết đến Wonder kids, tôi cảm thấy rất hứng thú để làm. Đó không phải là gameshow mà là một chương trình giáo dục - giải trí. Ở trường dạy nhạc thì tôi có thể dạy được vài trăm em thôi còn với chương trình như thế này, tôi có thể chạm được cả triệu người, đó là mục đích mà tôi quan tâm.
* Có phải anh muốn nói khi làm huấn luyện viên Giọng hát Việt nhí, anh cảm thấy không tìm được tiếng nói của riêng mình?
- Tôi nghĩ trong chương trình Giọng hát việt nhí, tôi vẫn giữ được tiếng nói của mình nhưng để đi tiếp thì tôi thấy những giá trị cốt lõi của mình không phù hợp với chương trình đó nữa. Tôi không nói đúng hay sai gì, chỉ là không phù hợp nên tôi không làm nữa thôi.
* Thật tiếc vì trong mùa đầu tiên của Giọng hát Việt nhí, dấu ấn của anh trên "ghế nóng" thật sự rất sâu đậm. Anh có từng nghĩ làm huấn luyện viên chương trình này là một sai lầm của mình?
- Tôi chưa hề hối hận về điều đó. Cuộc đời này, tôi có thể chết ngay lập tức mà không phải hối hận điều gì cả. Tôi rất cảm ơn chương trình vì ở một khía cạnh nào đó, tôi đã học được rất nhiều, từ khán giả, từ những người làm cùng nghề với tôi. Quan trọng hơn, đó là cơ hội đầu tiên mà tôi được tiếp cận với nhiều khán giả Việt Nam. Tôi nhớ thời điểm đó vui lắm. Từ chị bán bánh đến anh lái taxi đều nhanh nhanh trở về xem chương trình vào tối thứ bảy hằng tuần. Chưa bao giờ tôi có được cảm xúc như vậy và cũng nhờ chương trình mà tôi hiểu hơn về con đường của mình và làm được những điều như hôm nay.
"Zero to hero" không hề có thật
* Trở lại việc anh sắp làm giám khảo của Wonder kids (Thần đồng âm nhạc). Nhớ không lầm thì trước đó anh từng bức xúc cho rằng hàng loạt gameshow tìm kiếm tài năng ca hát nhí được tổ chức khiến trẻ em không có thời gian để học hỏi, phát triển. Anh có lo lắng sự trở lại lần này sẽ đi ngược lại với phát ngôn của chính mình không?
- Mọi người phải hiểu tôi nói những chuyện đó trong bối cảnh như thế nào. Tôi chỉ nghĩ rằng thị trường ở Việt Nam quá nhỏ nhưng lại có quá nhiều chương trình. Mình không muốn nhìn các em hết xuất hiện trong chương trình này thì "nhảy" sang chương trình khác. Đó không phải là một thị trường đúng đắn.
|
* Anh không đồng tình với thông điệp "zero to hero" trong các chương trình tìm kiếm tài năng hiện nay?
- Tôi chỉ nghĩ đơn giản, muốn trở thành bác sĩ hay nha sĩ có thể qua một chương trình mà làm được không? Tại sao đánh giá cái nghề của tôi - một cái nghề mà tôi đã hi sinh cả đời để cống hiến - trở nên dễ dãi như vậy. Thông điệp mà tôi muốn gửi gắm là muốn thành công thì phải cống hiến. Với Thần đồng âm nhạc, tôi muốn các em hiểu, không có "ngôi sao" nào ở đây. Cái gì cũng phải qua quá trình rèn luyện và xây dựng. Điều đó đòi hỏi sự sáng tạo, tính nhẫn nại của các em.
* Không có "ngôi sao" nhưng dùng từ "thần đồng" thì e rằng... hơi "kiêu"?
- Tôi nghĩ chữ "thần đồng" kiêu hay không là tùy theo thái độ mình nói thôi. Từ Wonder Kids rất khó dịch sang tiếng Việt, nếu đặt là "ngôi sao âm nhạc" thì không đúng lắm còn hai chữ "thần đồng" mang tính tương đối bởi các em được chọn cũng phải thật sự giỏi.
Cái hay của chương trình này còn là việc không có em nào bị loại. Tôi nhớ mãi cảm giác khi làm HLV Giọng hát Việt nhí, cảm giác mỗi tuần loại một em thật khủng khiếp. Tôi là người đã nhìn các em cố gắng thế nào, tập luyện ra sao nên khi đưa ra quyết định loại em nào cũng đau lòng cả. Các em mới 9-10 tuổi, tôi không muốn giết chết ước mơ của các em.
|
* Làm thầy rồi làm cha, dạo gần đây ít thấy anh trên các sân khấu ca nhạc. Anh không sợ khán giả quên mình ở vai trò là một ca sĩ, nhạc sĩ?
- Đã là một nghệ sĩ thì mãi mãi là nghệ sĩ. Tôi không sợ mọi người quên mình vì tôi làm nghệ thuật không phải để người ta quên hay nhớ mà vì quá đam mê. Tôi theo nghề này tính đến nay đã 17 năm rồi, đi ngủ tôi cũng mơ thấy nó nữa. Nếu bây giờ, tôi ra một sản phẩm gì thì phải đưa ra được một thông điệp gì đó.
Cách đây vài tuần, quản lý của nhóm BTS gọi cho quản lý của tôi nhờ chuyển lời cảm ơn (Thanh Bùi từng hợp tác với nhóm nhạc Hàn Quốc BTS trong ca khúc Danger, bài hát chủ đề của album Dark&Wild - PV). Các em khiến tôi tự hào lắm khi liên tục chiếm vị trí cao trên các bảng xếp hạng âm nhạc châu Á.
Tôi là một người thầy. Điều khiến tôi thấy thoải mái và tự hào nhất là ra đường gặp phụ huynh hay các em học sinh đều được gọi là "thầy Thanh Bùi". Cảm giác đó rất đặc biệt vì nghề giáo là ước mơ của tôi. Hiện tôi cũng sắp đạt được một trong những ước mơ của mình là lấy bằng tiến sĩ về giáo dục. Tôi muốn trở thành Dr. Thanh (Cười lớn).
* Trong số các học trò của anh hiện nay, anh tự hào nhất là về ai?
- Tự hào thì học trò nào tôi cũng tự hào và tự hào theo những kiểu khác nhau vì em nào cũng có câu chuyện riêng. Từ Tiên Tiên cho đến Ngọc Duy... điều khiến tôi tự hào nhất là các em được sống một cách chân thật nhất, sống đúng cốt lõi của cuộc sống. Nếu một ngày, Ngọc Duy nói với tôi rằng con không còn đam mê âm nhạc nữa thì cũng chẳng vấn đề gì. Tôi sẽ nói với Duy rằng: "Thầy chỉ mong con làm những gì mà con muốn làm thôi. Và nếu thầy giáo dục con đúng thì con sẽ dũng cảm nói lên những điều đó".
* Anh có sợ một ngày, trò sẽ nổi tiếng hơn thầy?
- Như vậy quá tốt. Tôi từng nghĩ khi mình 50 tuổi, thậm chí khi tôi chết đi, tôi muốn mọi ngưới nhớ đến tôi với vai trò gì? Là ca sĩ hay một nhạc sĩ? Câu trả lời là một người thầy. Là thầy thì phải cho hết những gì mình có thể cho và học trò của mình phải giỏi hơn mình nhiều lần mới được.
* Xin cảm ơn anh!
Bình luận (0)