Thanh Bùi: Tôi chú trọng việc xây dựng kết nối với con bằng âm nhạc

14/04/2018 13:50 GMT+7

Theo nam ca sĩ, dù hai bé sinh cách nhau chỉ một phút nhưng tính cách khác hẳn nhau.

Vốn là người kín tiếng, Thanh Bùi hiếm khi chia sẻ về gia đình, đặc biệt vợ và hai con trai sinh đôi. Tuy nhiên, nam ca sĩ, nhạc sĩ không giấu được háo hức khi nói về con khi ra mắt Kindermusik, chương trình giáo dục âm nhạc dành cho trẻ từ 6 tháng đến 7 tuổi tại Học viện Âm nhạc và Trình diễn nghệ thuật Soul (SMPAA).
Giám khảo Vietnam Idol hào hứng khoe: "Tôi đã mất 4 năm để mang chương trình giáo dục âm nhạc Kindermusik về Việt Nam, được lồng ghép thêm nhiều yếu tố Việt như các bài hát, trò chơi… để tăng sự gần gũi, quen thuộc cho trẻ em Việt. Là một người cha, tôi luôn tìm kiếm những gì tốt nhất hỗ trợ cho việc nuôi dạy con, nhất là trong thời đại mọi thứ phát triển quá nhanh. Tôi đã đi qua nhiều nước, có cơ hội gặp gỡ nhiều chuyên gia giáo dục hàng đầu, từ đó tôi biết rằng yếu tố quan trọng nhất trong việc nuôi dạy trẻ hướng đến tương lai là giáo dục sáng tạo (Creative Education), sao cho não bộ của trẻ được phát triển tự do theo hướng nâng cao tính nhạy cảm, sáng tạo, tương tác, thích ứng… Và tôi tìm thấy tất cả những điều đó ở Kindermusik. Tôi đã sớm áp dụng phương pháp chơi mà học của Kindermusik với hai cậu nhóc sinh đôi nhà mình trước khi đưa các bé đến lớp học với giáo viên Kindermusik vài tháng nay. Hai bé nhà tôi chỉ mới 18 tháng thôi nhưng nhạy lắm, dạn dĩ lắm, “thả” ở đâu cũng nhanh chóng thích ứng và tương tác được hết”.
"Thanh Bùi sẽ đứng ra dùng hai đứa nhỏ của Thanh trước cái đã. Để người ta tin mình thì điều đó phải được chứng minh bằng thực tế trước mắt", anh chia sẻ về khoa học âm nhạc cho lứa tuổi thiếu nhi
Vì tin rằng âm nhạc có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển não bộ, Thanh Bùi đã tìm cách đưa âm nhạc đến với con từ rất sớm.
"Mỗi buổi sáng Thanh thức dậy, Thanh sẽ hát cho bé bài Wake up (Thức dậy con ơi). Thanh muốn kết nối với con, và Vân cũng vậy. Có thể cô ấy hát phô, nhưng không sao cả. Và khi mình xây dựng được một sự kết nối như vậy từ độ tuổi nhỏ, Thanh không sợ con của Thanh lớn lên bị hư. Thanh không sợ khi một ngày nào đó mình cho nó quá tự do là có vấn đề, Thanh không quan tâm. Thanh muốn cho các hiểu là ba mẹ sẽ bên cạnh cùng con, mẹ hát phô nhưng mẹ sẽ vẫn hát cho con mỗi buổi tối, mỗi buổi sáng… Cái điều cần thiết mình phải thay đổi tư duy và cách giáo dục ở Việt Nam này. Thanh thấy rất nhiều hình ảnh rất buồn là khi Thanh bước vào một tiệm trà sữa, một quán ăn, cha mẹ và con thật sự không có kết nối, chỉ dùng iPhone, iPad, khi về nhà cũng iPhone, iPad. Nhà của Thanh khi ăn cơm không được iPhone, iPad. Mình phải xây dựng được cái sự kết nối giữa con với cha, con với mẹ để trong tương lai nó có thể bay, thì nó vẫn sẽ có sự kết nối với mình. Thanh chỉ biết là bận bao nhiêu thì mỗi tuần Thanh cũng cùng con Thanh xây dựng sự kết nối này", anh chia sẻ.
Với khóa học này, nam ca sĩ hi vọng sẽ giúp trẻ phát triển tư duy từ sớm, giúp ba mẹ những kỹ năng làm sao để kết nối với con, nuôi dạy con tốt nhất và hiểu con.
Thanh Bùi và con trai
Với ý kiến cho rằng âm nhạc cần tài năng, khả năng thiên bẩm, có những người không cần học mà cũng nổi tiếng, anh chia sẻ: "Khi Thanh mở trường nhạc, 5-6 năm trước nhiều phụ huynh bước vào Soul và hỏi: “Thanh! Chị muốn con chị giống Mozart đó, mất bao nhiêu thời gian?”. Âm nhạc là một quá trình, xây dựng gout như thế nào? Xây dựng tư duy như thế nào? Tại sao mình không bắt đầu sớm hơn khi có thể?".
Đầu tư âm nhạc cho con từ sớm, nhưng Thanh Bùi không kỳ vọng con sẽ là những ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc lừng danh về sau, thậm chí nếu con hát phô như... mẹ chúng, cũng chẳng sao. "Không sao hết. Mình sinh nó ra nhưng ông trời sinh tính cách của nó. Khi mà Thanh thấy mẹ của con Thanh vào phòng mổ và bác sĩ mang hai con ra đời, Thanh ngồi đó, mình thấy rõ ràng hơn những đứa con của mình nó là con của thế giới này, là con của ông trời. Rõ ràng hai đứa ra đời chỉ cách nhau một phút mà khác nhau nhau hoàn toàn, đứa thì kiểu này đứa thì kiểu kia. Cái đó là cái tánh ông trời cho mà, mình nhìn như vậy thì tại sao mình phải ràng buộc con mình theo cái suy nghĩ của mình. Mình cũng không biết khi sinh ra nó như thế nào chỉ có ông trời biết thôi. Do đó ở vai trò người cha, người mẹ, Thanh sẽ cho con tất cả những gì có thể để nó tìm hiểu được nó yêu cái gì, thích cái gì và đam mê cái gì. Cái gì con làm con cứ làm nó với tâm huyết lớn nhất có thể, con giỏi nhất có thể. Mình chỉ là người xây nền tảng tốt nhất cho con thôi", anh nói. 
Thanh Bùi và các cộng sự mang nhiều chương trình đào tạo âm nhạc về cho trẻ em Việt Nam. Anh khẳng định dù đây không phải là nơi sinh ra và lớn lên nhưng sẽ là nơi định cư của gia đình, nên có trách nhiệm phải mang những cái hay trên thế giới về cho các con thụ hưởng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.