Đáng nói hơn nữa, tối thiểu 2/3 trong số nạn nhân đã chọn cách ăn kiêng để mong cứu vãn tình thế nhưng thất bại. Nói đúng hơn, có giảm ít cân khi bắt đầu kiêng cữ vì cơ thế đằng nào cũng mất nước khi thay đổi cách ăn uống nhưng sau đó toi công, thậm chí tăng cân trở lại! Đáng lo hơn nữa, nhiều công trình nghiên cứu đáng tin cậy cho thấy chế độ kiêng khem ác liệt dẫn đến hậu quả bất lợi cho sức khỏe do gia chủ tự châm mồi cho rối loạn biến dưỡng.
Đáng tiếc cho người đang khổ vì vòng 2 “chạy theo giá vàng” vì không quá khó để mỡ thừa không tìm được chỗ ẩn nấp trong thành bụng khi bạn tránh các kiểu ăn sau đây:
- Đừng ăn trong tư thế đứng vì cơ thể không ghi nhận ở tư thế này như tín hiệu của một bữa ăn. Hậu quả là sau đó vẫn đói dù trước đó đã ăn nhiều, buộc phải ăn vặt!
- Nhai món ăn thật kỹ thay vì nuốt quá nhanh. Nhai kỹ no lâu là vậy.
- Tránh ăn món quá nóng khiến thực khách phải nuốt quá nhanh, mau no nhưng lại sớm cồn cào do ăn không đủ lượng.
- Nói quá nhiều trong lúc ăn khiến không khí chen chân vào thực quản. Càng nói càng ăn chẳng bao nhiêu. Hậu quả là sau đó dễ rối loạn tiêu hóa vì đầy hơi, nấc cụt.
- Thói quen rắc thêm muối vào món ăn dù chưa biết mặn nhạt ra sao khiến cơ thể giữ nước rồi kéo theo rối loạn biến dưỡng chất béo.
- Ăn một lần quá nhiều món ngọt là đòn bẩy tăng mỡ.
- Bữa cơm tối quá trễ. Nếu gan phải làm việc sau 21 giờ thì tiến trình tổng hợp cholesterol càng nhanh.
- Quen ăn đúng giờ dù chưa đói khiến đường huyết bội tăng.
- Uống nước không đủ trong bữa ăn và sau bữa ăn, nhất là khi ăn nóng, ăn cay, ăn món quá mặn. Thiếu nước sớm muộn cũng thừa mỡ.
Và cho dù bạn có thực hiện các biện pháp nêu trên nhưng vẫn khó tránh bụng ngày càng bự nếu mỗi ngày tiêu thụ hơn 500 ml bia, không điều chỉnh nội tiết tố giới tính trong giai đoạn mãn kinh ở phụ nữ, trong thời kỳ mãn dục ở đàn ông từ tuổi trung niên.
Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng / Người Lao Động
Bình luận (0)