Ngày 23.9, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, UBND tỉnh này vừa công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở do mưa lũ gây ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình của các đơn vị và tài sản của người dân.
Theo đó, tỉnh Thanh Hóa liên tiếp công bố 3 khu vực rơi vào tình huống khẩn cấp về sạt lở, gồm: khu vực Trường THCS Lâm Phú (xã Lâm Phú, H.Lang Chánh); khu vực sạt lở mái taluy dương kênh chính của hồ Cửa Đạt, đoạn từ K6+300 - K6+500 (thuộc địa phận xã Phùng Giáo, H.Ngọc Lặc); khu vực sạt lở Trường THCS - THPT Như Xuân (xã Thanh Quân, H.Như Xuân).
Các khu vực trên đều xảy ra sạt lở do ảnh hưởng của mưa, lũ trong đợt bão số 3 và bão số 4. Các điểm sạt lở đều có nguy cơ cao gây mất an toàn tính mạng, tài sản của người dân, công trình của đơn vị.
Nín thở sống dưới chân quả đồi Đá Bàn đang nứt toác
Mưa do ảnh hưởng của bão số 3 gây sạt lở đất đá từ quả đồi phía sau dãy nhà 2 tầng (8 phòng học) đang xây dựng (đã hoàn thành 80%) của Trường THCS Lâm Phú, khiến khoảng 6.000 m3 đất đá tràn vào dãy nhà. Tường và các cột của dãy nhà đã bị xô nghiêng, nứt, gãy không thể khắc phục được. Cách dãy nhà bị sạt lở khoảng 20 m là dãy nhà đang dạy và học của Trường THCS Lâm Phú, do đó, chính quyền và nhà trường đã phải sơ tán khẩn cấp 276 học sinh và giáo viên.
Đối với sạt lở mái taluy dương kênh chính của hồ Cửa Đạt, khoảng 200 m mái taluy dương kênh bị sạt lở, khiến khoảng 150.000 m3 đất đá tràn xuống lòng kênh gây ách tắc lòng kênh, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân.
Đối với sạt lở đồi đất khu vực Trường THCS - THPT Như Xuân, quả đồi phía sau trường đã bị sạt lở chiều dài cung sạt khoảng 90 m, đất đá đã sạt lở đến chân tường nhà đa năng và nhà lớp học 2 tầng.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tất cả các điểm sạt lở trên, nghiêm cấm người dân lại gần khu vực sạt lở, đồng thời xem xét cụ thể từng công trình, khu vực để đưa ra phương án xử lý lâu dài, bền vững.
Bình luận (0)