Không biết khi nào mới có máy để điều trị
Những ngày qua, dư luận ở tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm tới sự việc máy xạ trị cho BN ung thư bị hư hỏng, nhưng không đơn vị nào chịu sửa chữa. Việc này khiến nhiều BN ung thư không được xạ trị, dù nhiều người đang trong thời gian phải xạ trị, hoặc được chỉ định xạ trị.
Ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Ung bướu tỉnh Thanh Hóa cho thấy, hiện nay, tại đây đang có rất nhiều BN cần tới máy để xạ trị điều trị ung thư. Tuy nhiên, kể từ ngày 27.4 (ngày hệ thống máy bị hỏng) đến nay, các BN không được xạ trị.
BN L.H.T (63 tuổi, ngụ xã Trung Thành, H.Nông Cống, Thanh Hóa) cho biết, năm 2020 ông bị bệnh và được điều trị tại BV K cơ sở Tân Triều (Hà Nội). Do dịch Covid-19, ông phải chuyển về BV Ung bướu tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục điều trị theo theo phác đồ.
“Ngày 25.6, tôi chuyển về BV Ung bướu Thanh Hóa tiếp tục điều trị. Khi về, tôi đang điều trị theo phác đồ của BV K cơ sở Tân Triều, mới xạ trị được 4 lần, nên phải tiếp tục xạ trị khoảng 20 lần nữa mới hết đợt điều trị. Tuy nhiên, khi về đây BV không có máy xạ trị, các bác sĩ bảo máy hỏng chưa sửa chữa được. Tôi không biết khi nào mới có máy để điều trị, trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, đi lại khó khăn”, ông T. nói.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Quang Hưng, Phó giám đốc BV Ung bướu Thanh Hóa, cho biết tại BV hiện có khoảng 70 BN có nhu cầu, hoặc phác đồ phải xạ trị. Tuy nhiên, máy xạ trị đặt ở BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa bị hỏng, khiến cho đơn vị này phải thay đổi phác đổ điều trị, hoặc giới thiệu bệnh nhân đi Hà Nội để được xạ trị.
“Chúng tôi đã phải linh hoạt, xử trí bằng nhiều biện pháp khác nhau, như chuyển tuyến, giới thiệu cho BN đến các BV lớn ở Hà Nội để xạ trị. Ngoài ra, chúng tôi phải điều chỉnh phác đồ điều trị cho nhiều BN vì không có máy. Thường thì BN vừa hóa trị vừa xạ trị, mất khoảng hơn 6 tháng cho 1 đợt, nhưng nay chúng tôi điều chỉnh cho BN hóa trị trước, rồi chờ có máy mới triển khai xạ trị sau. Vì thế, sẽ khiến cho thời gian điều trị 1 đợt của mỗi BN kéo dài từ 7 - 8 tháng. Nhưng điều đáng lo là cũng chưa biết khi nào hệ thống máy mới được sửa chữa”, bác sĩ Hưng nói.
Không thống nhất được lời lãi nên... máy hỏng không ai chịu sửa
Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, năm 2009, Công ty TNHH thương mại - đầu tư y tế Nhật Quang (gọi tắt là Công ty Nhật Quang, địa chỉ tại TP.Thanh Hóa) ký hợp đồng liên doanh với BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa để đặt hệ thống máy xạ trị gia tốc, có giá trị hơn 29 tỉ đồng (đặt tại BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa). Hợp đồng có giá trị 10 năm (từ 2010 - 2020).
|
Hợp đồng cũng thống nhất đôi bên sau khi trừ đi các chi phí cần thiết, còn lại sẽ chia lợi nhuận theo tỷ lệ từng giai đoạn. Sau 10 năm, nếu đã thu hồi được vốn và có lãi, Công ty Nhật Quang sẽ bàn giao hệ thống máy cho BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa toàn quyền sử dụng. Trường hợp chưa thu hồi đủ vốn thì đôi bên sẽ họp bàn, thống nhất phương án tiếp theo.
Năm 2017, Khoa Ung bướu BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa tách ra trở thành Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, có trụ sở riêng. Tuy nhiên, BN của bệnh viện này vẫn được xạ trị bằng hệ thống máy xạ trị đặt ở BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa, theo hợp đồng phối hợp giữa các bên.
Đến tháng 1.2021, khi thời hạn hợp đồng kết thúc, Công ty Nhật Quang và BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã làm thanh lý hợp đồng và chuyển giao hệ thống máy cho BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa làm thủ tục công nhận, xác nhận quyền sở hữu toàn dân.
Trong khi đang thực hiện các quy trình xác lập quyền sở hữu toàn dân thì Công ty Nhật Quang bất ngờ có đơn cho rằng cần xem xét lại hợp đồng, vì công ty này chưa thu đủ vốn đầu tư và chưa có lãi.
Công ty Nhật Quang cho rằng, trong khoản thời gian 10 năm thực hiện liên doanh, hệ thống máy gia tốc xạ trị đã điều trị cho hơn 80.000 lượt BN. Tuy nhiên, tổng doanh thu mới đạt hơn 4 tỉ đồng, nên chưa đủ vốn cũng chưa có lãi, và đề nghị tiếp tục liên doanh, khai thác máy thêm 27 tháng (đến hết tháng 3.2023).
Trong khi đó, ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết hết thời gian 10 năm liên doanh Công ty Nhật Quang đã thu hồi đủ vốn, và có lãi hơn 5,2 tỉ đồng, nên đã đủ điều kiện thanh lý hợp đồng và chuyển giao máy như hợp đồng ban đầu.
Khi đôi bên chưa thống nhất, giải quyết vụ việc thì ngày 27.4, hệ thống máy bị hỏng. Và cho đến ngày 7.7, máy vẫn chưa được đơn vị nào sửa chữa, dẫn tới hơn 2 tháng qua BN ung thư không được điều trị bằng máy xạ trị.
Trước tình hình trên, để sớm giải quyết vấn đề và đặc biệt là đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Sở Y tế Thanh Hóa chủ trì, cùng với các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm vụ việc, với mục tiêu sớm nhất có thể để có hệ thống máy điều trị cho BN. Tuy nhiên, cho đến nay vụ việc vẫn đang rơi vào bế tắc.
Từ vụ việc trên, nếu nhìn rộng hơn cho thấy tại tỉnh Thanh Hóa đang bị động trong việc đầu tư trang thiết bị để điều trị cho BN ung thư. Trong khi các chuyên gia y tế khuyến cáo tối thiểu phải có 1 máy xạ trị gia tốc điều trị ung thư/1 triệu dân (Thanh Hóa hiện có khoảng 4 triệu dân), nhưng hiện nay tại Thanh Hóa, ngoài hệ thống máy của BV đa khoa Hợp Lực (BV tư nhân) và chiếc máy đang bị hỏng thì không có hệ thống máy nào khác.
Việc liên doanh, xã hội hóa hệ thống máy xạ trị gia tốc là hiệu quả, bớt đi gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nhưng với tình hình hiện nay, việc điều trị cho BN ung thư ở Thanh Hóa đang lâm vào tình thế hết sức bị động, và hệ quả là người bệnh phải chịu thiệt thòi.
Dư luận cho rằng, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng BV Ung bướu Thanh Hóa hoàn toàn mới, hiện đại, nhưng lại không đầu tư mua sắm hệ thống máy xạ trị cho BV là hết sức bất cập.
BV Ung bướu tỉnh Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ năm 2019, là BV chuyên khoa hạng 2 (thành lập từ tháng 7.2017). BV được xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 8 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, có nhiệm vụ khám và điều trị bệnh lý ung bướu cho BN trong tỉnh Thanh Hóa và khu vực bắc Trung bộ.
|
Bình luận (0)