Việc tỉnh này nâng số cấp Phó của Sở NN- PTNT lên 8 người, vượt xa quy định "số lượng phó giám đốc sở không quá 3 người; riêng các Sở thuộc UBND TP Hà Nội và UBND TP HCM không quá 4 người". Lý do gì lại có sự tuỳ tiện," trên bảo dưới không nghe" như vậy?
Có lẽ tỉnh Thanh Hoá là tỉnh đặc thù do có diện tích đất đai rộng (11.000 km2, đứng thứ 5 cả nước) và dân số đông (3,4 triệu dân, đứng thứ 3 cả nước) mà chủ yếu là đất nông nghiệp so với nhiều tỉnh khác trong cả nước?.
Nhưng dù có thế nào đi nữa thì chúng ta cũng không thể chấp nhận sự tuỳ tiện muốn bổ nhiệm nhân sự bao nhiêu cũng được. Nếu thấy có sự bất hợp lý với quy định "hơi cứng" của Chính phủ thì tỉnh này cần trình lên cấp trên và thuyết phục với các cấp có thẩm quyền xem lại và ủng hộ việc cần thiết tăng thêm nhân sự lãnh đạo nói trên.
Xưa kia, vào thời kỳ phong kiến Pháp thuộc đang đô hộ nước ta (Nhà Nguyễn), chính quyền cấp huyện thường được họ chia thành 2 cấp độ, nếu là huyện nhỏ thì người đứng đầu gọi là quan tri huyện, với huyện lớn và quan trọng hơn, gọi là quan tri phủ. Nó khác với thời kỳ trước nữa cũng của chính nước ta và cũng khác với một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản... , phủ là một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Kèm theo cấp độ phân biệt về bộ máy chính quyền này, người ta cũng có thể tăng thêm bộ máy về nhân sự sao cho tương ứng nếu là huyện, hay là phủ.
Ngày nay, nếu như Bộ Nội vụ quy định có thành phố loại đặc biệt và các tỉnh, thành phố còn lại được xem là thấp hơn một chút cũng là có ý đó . Tuy nhiên, nếu như cách mà nhà nước đang quy định, tỉnh nào lớn như Thanh Hoá, Nghệ An (dân đông, diện tích rộng, có núi, rừng, có sông, biển và có cả biên giới, hải đảo...) mà chỉ được phân bổ biên chế 3 phó giám đốc sở thì quả là chưa ổn, nếu so sánh với những tỉnh nhỏ, ít dân mà biên giới, hải đảo đều không có. Có tỉnh hiện chỉ có 30 vạn dân (Bắc Cạn) và có tỉnh 3,4 triệu dân (Thanh Hoá), gấp nhau đến gần 11 lần mà bộ máy lại không khác nhau thì cũng có khoa học không?
tin liên quan
Thanh Hóa bổ nhiệm cán bộ cấp phó phòng quá số lượng quy địnhThanh Hóa hiện thừa 161 phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
Có lẽ các cơ quan tham mưu của Bộ Nội vụ cần nghiên cứu lại để hoàn thiện hơn bộ máy chính quyền cấp tỉnh và cấp quận, huyện chi ly hơn kiểu như thế. Hoặc như với 1 quận nội thành ở TP.Hồ Chí Minh, mỗi năm nguồn thu cho ngân sách của họ có thể được nhiều ngàn tỉ đồng, hơn cả một tỉnh nhỏ thu được thì bộ máy chuyên về kinh tài cấp quận (gọi là phòng đó) cũng nên có đặc cách thêm về nhân lực. Nếu không như vậy, làm sao họ có người đủ để làm và hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao?
Rồi có khi chỉ là một tỉnh ít dân nhưng lại là tỉnh miền núi cao. Từ huyện mà xuống xã kiểu như ở Mường Tè, Lai Châu đã cách xa nhau đến 200 km thì cũng phải tính sao đó cho hợp lý.
Rồi đối với tỉnh thành có tiềm năng phát triển du lịch cực tốt, có thể tạo nguồn thu lớn thì có nên để mảng du lịch nằm trong cùng một sở (chung với ngành văn hoá, thể thao) hay nên tách ra, chí ít thì cũng nên có một lực lượng biên chế khác với tỉnh du lịch nghèo nàn, không phát triển.
Tóm lại, chúng ta cũng không nên cứng nhắc. Nên ban hành các quy định mềm dẻo hơn nữa về nhân sự, tuỳ mỗi địa phương. Chỉ có điều, bất luận ra sao, địa phương nào dù đông dân và đất rộng mấy thì cũng không được phép tuỳ tiện, "tiền trảm hậu tấu" như kiểu Thanh Hoá. Nếu chúng ta không xử nghiêm và đưa vào khuôn mẫu, tôi e rằng rồi đây các địa phương khác cũng sẽ "phát huy" theo chiều hướng tiêu cực, họ sẽ "làm tới" luôn. Như vậy, sẽ mất nghiêm về luật pháp mà cụ thể là vi phạm luật Tổ chức Chính phủ, trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chuyển đi một thông điệp của mình trong ngày tuyên thệ nhậm chức: Quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính và kiến tạo để phụng sự Tổ quốc và Nhân dân.
Bình luận (0)