Chồng chéo quy định
Trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, diễn ra sáng 11.7, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Thanh Hóa đã nêu về thực trạng công tác quản lý di tích và những bất cập trong tu bổ, phục dựng, tôn tạo di tích.
Theo ông Hồng, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay có hơn 1.500 di tích, danh lam, thắng cảnh. Thời gian qua, có nhiều di tích bị xâm hại, sai phạm trong trong quá trình quản lý, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
"Thời gian qua ngành văn hóa đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhưng vấn đề quản lý, bảo vệ, đặc biệt là tu bổ di tích là vấn đề hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều thứ. Đối với nhà quản lý thì tương đối nhạy cảm, đối với quy định của pháp luật thì giữa các thông tư, nghị định và luật còn chồng chéo, giữa luật Di sản và luật Đầu tư công, luật Xây dựng.
Hôm nay, tôi công bố một con số thực, là từ đầu nhiệm kỳ đến giờ ngành văn hóa chúng tôi hướng dẫn cho các địa phương và được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho lập hồ sơ tu bổ, phục dựng, tôn tạo là 90 di tích. Tuy nhiên, đến ngày hôm nay (11.7 – PV) mới báo cáo với thường trực được 31 di tích, và trong đó thì mới chỉ có duy nhất 1 di tích đủ điều kiện để giao vốn. Nói thế để thấy được khó khăn, lúng túng", ông Hồng cho hay.
Hiểu lẫn lộn giữa tu bổ, phục dựng và tôn tạo
Theo ông Hồng, nguyên nhân dẫn tới thực trạng số lượng di tích được giao vốn để triển khai tu bổ, phục dựng, tôn tạo còn chậm là do các đơn vị tư vấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn yếu và thiếu rất nhiều.
"Nếu quy mô tư vấn làm dự án hàng chục tỉ đồng trở lên thì trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 - 3 doanh nghiệp đủ năng lực. Một số nơi, địa phương không có kiến thức về tu bổ, tôn tạo. Lấy ví dụ chỉ 3 từ, tu bổ là gì, phục dựng là gì, và tôn tạo là gì. 3 từ này khác nhau, nhưng các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công hầu như hiểu lẫn lộn.
Tu bổ tức là những công trình chúng ta hiện có, chúng ta làm sao cho nó mới lại. Phục dựng là những cái gì nó đã có nhưng nó đã mất đi rồi, tuy nhiên bằng nghiên cứu khoa học, bằng các hội nghị, hội thảo thì chúng ta làm lại nó đúng nguyên bản. Còn tôn tạo là gì, trên nền những cái đã có, và những cái chưa có chúng ta xây dựng các hạng mục để nó phát huy các giá trị của nó. 3 từ này khác nhau hoàn toàn, tuy nhiên, các di tích từng vi phạm cho thấy thường vi phạm về tôn tạo, và về các yếu tố gốc.
Đôi lúc chúng ta cũng máy móc, ví dụ các vị được tôn thờ sống thời nào thì chúng ta làm thiết kế, hạng mục thời đó, nhưng như thế là không phải. Ví dụ, Thái miếu nhà Lê (ở TP.Thanh Hóa - PV) là thời kỳ các vua Nguyễn tri ân công lao vua Lê để xây dựng", ông Hồng lý giải.
Nguyên nhân nữa khiến cho việc triển khai tu bổ, phục dựng, tôn tạo di tích gặp nhiều lúng túng là do sự chồng chéo giữa các quy định của pháp luật.
Theo ông Hồng: "Luật Di sản và nghị định 166 quy định trình tự, thủ tục về tôn tạo và tu bổ di tích thẩm quyền là chủ tịch UBND. Tuy nhiên, luật Đầu tư công và luật Xây dựng không phải như vậy, nên thời gian qua ngành chúng tôi và các địa phương rất lúng túng. Do đó, chúng tôi đang soạn thảo một quy trình chuẩn để triển khai cho đồng bộ".
Ông Hồng cũng cho hay: "Các di tích, danh thắng đều gắn với vấn đề tâm linh, mỗi di tích đều gắn với nhân vật lịch sử có thật hoặc một nhân vật huyền thoại, cho nên có nơi một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân vì lợi ích mà người ta thổi hồn vào một cách thiếu trong sáng, thiếu trung thực, đưa các hiện vật ngoại lai, không đảm bảo giá trị thẩm mỹ, thuần phong mỹ tục. Và trong 2 năm vừa rồi, ngành văn hóa xử lý rất nhiều, kể cả đuổi chủ từ, phạt sư chủ trì khi để xảy ra sai phạm trong bảo vệ, quản lý di tích.
Riêng về sai phạm chuyên môn thì Giám đốc Sở VH-TT-DL chịu trách nhiệm, còn sai phạm trên địa bàn thì chủ tịch huyện chịu trách nhiệm. Chúng tôi cũng nghĩ rằng không làm được thì xin từ chức chứ không để các đồng chí đề nghị xử lý", ông Hồng chia sẻ thêm.
Bình luận (0)