Từ năm học 2022 - 2023, môn tin học trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3 trở lên.
28 trường tiểu học chỉ có 1 GV tin học
Tuy nhiên, theo thống kê của Sở GD-ĐT Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này hiện có 600 trường tiểu học, nhưng chỉ có 175 GV dạy môn tin học, thiếu 420 GV để đảm bảo số lượng đáp ứng cho việc dạy môn học này.
Những bộ máy vi tính bỏ không, nhiều năm không sử dụng tại Trường tiểu học Tân Phúc do không có GV tin học |
MINH HẢI |
Không chỉ thiếu GV trầm trọng, cơ sở vật chất là phòng học tin học lẫn máy vi tính cũng thiếu thốn nghiêm trọng. Toàn Thanh Hóa đang thiếu khoảng 400 phòng học tin học, tập trung chủ yếu ở cấp tiểu học. Việc thiếu GV, cơ sở vật chất môn tin học diễn ra ở cả khu vực thành thị, nông thôn và đặc biệt là khu vực miền núi.
Theo ghi nhận của PV, Trường tiểu học Tân Phúc (H.Lang Chánh, Thanh Hóa) có gần 10 bộ máy vi tính, nhưng nhiều năm học qua không có GV tin học, không có phòng tin học riêng nên các bộ máy tính đành “xếp xó”. Máy tính lâu ngày không sử dụng, bảo quản không tốt nên hầu hết đã hư hỏng, không thể tiếp tục sử dụng cho năm học mới 2022 - 2023. Tương tự, tại Trường tiểu học Tân Phong 3 (TT.Tân Phong, H.Quảng Xương) có 10 máy vi tính được cấp gần 10 năm qua, do nhiều năm không sử dụng, hoặc sử dụng ít, không được bảo dưỡng nên hầu hết máy cũng đã hư hỏng.
Theo rà soát của Phòng GD-ĐT H.Quảng Xương, tình trạng thiếu GV và cơ sở vật chất môn tin học rất trầm trọng. Toàn huyện có 28 trường tiểu học thì có 4 trường chưa có phòng học tin học; thiếu 186 bộ máy vi tính so với nhu cầu. Đáng chú ý, toàn huyện này có 28 trường tiểu học, nhưng chỉ có duy nhất 1 GV tin học.
Thực trạng trên đã trở thành mối lo cho ngành giáo dục H.Quảng Xương khi năm học mới chỉ còn ít ngày nữa bắt đầu. Để ứng phó tình trạng trên, Phòng GD-ĐT H.Quảng Xương đã tìm phương án “chữa cháy” bằng cách điều động GV dạy liên cấp, liên trường. GV cấp THCS ở nhiều trường sẽ dạy luôn cả học sinh cấp tiểu học ở trường lân cận. Về cơ sở vật chất, Phòng sẽ huy động nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hỗ trợ, vận động khác để mua bổ sung máy đảm bảo cho việc dạy và học.
Khu vực đồng bằng đã khó như vậy, trường ở khu vực miền núi còn khó gấp nhiều lần vì không chỉ thiếu GV, thiếu cơ sở vật chất mà tại nhiều điểm trường lẻ, thậm chí cả trường chính, có những nơi không có điện lưới, không có internet, nên việc triển khai dạy môn tin học là không thể.
Dùng chung GV, chung phòng tin học
Để khắc phục tạm thời tình trạng trên, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đành phải linh hoạt bằng cách điều động GV tin học cấp THCS xuống dạy cả tiểu học.
Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cho biết tình trạng thiếu GV tin học và cơ sở vật chất môn tin học là tình trạng chung của cả nước, không riêng tỉnh Thanh Hóa. “Người ta không học tin học, hoặc học xong không về thì làm sao được? Bộ GD-ĐT cũng không phân bổ, còn Thanh Hóa thiếu như thế nào thì công bố rồi. Giờ tôi ví dụ làm GV tin học thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng, người ta làm ngoài lương những 15 triệu đồng/tháng, mà mình không có chính sách gì để thu hút cả. Giờ nhu cầu như thế, nhưng lại cho có một số trường sư phạm đào tạo, còn các trường đào tạo ở địa phương thì chỉ tiêu chỉ có mấy chục thì làm sao đáp ứng được nhu cầu nhân lực?”, ông Thức nói, và cho rằng việc để rơi vào tình trạng thiếu GV có nhiều yếu tố, Bộ GD-ĐT cũng không có chính sách quyết liệt. “Ví dụ như Thanh Hóa thiếu thì cho Thanh Hóa cơ chế đi, đặt hàng Trường ĐH Hồng Đức chẳng hạn. Chương trình phổ thông năm 2018 đòi hỏi nguồn lực rất lớn, con người phải có, tiềm lực phải có thì mới có chất lượng được”, ông Thức nói.
Về phương án trước mắt cho năm học 2022 - 2023, ông Thức cho biết chỉ còn cách bố trí GV dạy liên cấp, liên trường. Tức là GV THCS, thậm chí là cấp THPT, sẽ dạy cả tiểu học; và các trường có khoảng cách không quá xa có thể sử dụng chung một phòng tin học...
Như vậy, để đáp ứng đủ nhu cầu GV và cơ sở vật chất cho dạy và học môn tin học, chắc chắn trong năm học 2022 - 2023, tỉnh Thanh Hóa không thể đảm bảo, và cũng chưa biết đến bao giờ mới có thể đảm bảo đủ nhu cầu.
Bình luận (0)