Thành lập quỹ nhà ở để có nguồn vốn lâu dài phát triển nhà ở xã hội

28/06/2023 18:30 GMT+7

Ngày 28.6, Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt điện tử tổ chức hội thảo "1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp", thu hút đông đảo đại biểu là chuyên gia, người thu nhập thấp tham dự.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết bộ này là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giám sát việc triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án 338).

Thành lập quỹ nhà ở để có nguồn vốn lâu dài phát triển nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, với điều kiện về pháp lý, nguồn vốn... như hiện nay, khó đảm bảo hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong ngắn hạn từ nay đến 2025

LÊ QUÂN

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 18.5, giai đoạn 2021 - 2025, đã có 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị được hoàn thành, quy mô xây dựng là hơn 19.500 căn; đang tiếp tục triển khai gần 300 dự án, quy mô khoảng gần 290.000 căn hộ.

Đề án 338 đặt mục tiêu đến năm 2030, các địa phương hoàn thành khoảng hơn 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng gần 430.000 căn và giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng hơn 630.000 căn.

Như vậy, mục tiêu ngắn hạn đến 2025, bên cạnh hoàn thành gần 290.000 căn hộ đang triển khai, cần xây dựng mới thêm khoảng 120.000 căn hộ. Để hoàn thành được mục tiêu ngắn hạn đến năm 2025 cũng như năm 2030, theo ông Hưng, vai trò của người đứng đầu các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là các địa phương rất quan trọng qua việc thúc đẩy, có trách nhiệm quyết liệt thực hiện.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về mục tiêu hoàn thành Đề án 338 đến năm 2030 là rất khó khăn, do thiếu nguồn lực về vốn, quỹ đất, cơ chế thực hiện vướng mắc thủ tục…

Cần lập Quỹ Phát triển nhà ở để có nguồn vốn lâu dài

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chia sẻ cần nhận diện đúng về nhà ở xã hội để thấy việc triển khai thiết kế chính sách, đầu tư xây dựng… chưa đi đến đâu, rất khó có giải pháp đột phá nên mục tiêu xây dựng hơn 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 là không dễ.

Thành lập quỹ nhà ở để có nguồn vốn lâu dài phát triển nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Đông đảo chuyên gia, người thu nhập thấp đến tham dự hội thảo về phát triển nhà ở xã hội

LÊ QUÂN

Ông Lực cho rằng, điểm nhấn của đầu tư nhà ở xã hội là chính sách, quỹ đất, nguồn vốn. Với nguồn vốn như hiện nay sẽ rất khó khi triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Gói 120.000 tỉ đồng là nỗ lực rất lớn của các ngân hàng thương mại, nhưng với mức lãi suất như vậy vẫn là cao so với sức chịu đựng của người thu nhập thấp. Chưa kể, nguồn của gói 120.000 tỉ đồng chủ yếu là huy động ngắn hạn nhưng lại cho vay làm nhà ở xã hội là dài hạn, nên chưa phù hợp.

Với chủ đầu tư làm nhà ở xã hội, lợi nhuận khống chế là không quá 10% nhưng lãi suất vay đã hơn 8%, chưa kể vấn đề thủ tục phức tạp hơn cả nhà ở thương mại, rồi cả thanh tra, kiểm tra sau hoàn thành…, rất khó thu hút được doanh nghiệp tham gia.

"Có thể nói, hiện chưa có nguồn vốn thực sự thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, gói 120.000 tỉ đồng cũng vậy. Đã đến lúc cần tính đến việc thành lập Quỹ Phát triển nhà ở do Nhà nước kiểm soát để có nguồn lực ổn định, lâu dài mới tạo ra được vốn cho nhà ở xã hội", ông Lực nói.

Theo ông Lực, cần thay đổi quan điểm, cách hiểu, cách tiếp cận về nhà xã hội thay vì hiện có nhiều người vẫn cho rằng đây là vấn đề giống như từ thiện, cho không. Nên hiểu đây là chính sách kinh tế nhân văn chứ không phải từ thiện, xin - cho, từ đó mới thoát ra để có đột phá về thiết kế chính sách bài bản, mạch lạc, tạo cơ sở phát triển.

Thành lập quỹ nhà ở để có nguồn vốn lâu dài phát triển nhà ở xã hội - Ảnh 3.

Một số ý kiến ủng hộ việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở để chủ động nguồn vốn lâu dài cho phát triển nhà ở xã hội

LÊ QUÂN

Góp ý thêm, ông Lực cho rằng, việc hoàn thành mục tiêu Đề án 338 trông cậy rất nhiều vào quá trình sửa đổi, bổ sung các luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đầu tư, Đấu thầu… làm sao phải thống nhất, không còn các điểm nghẽn, vướng mắc.

Đồng thời, thủ tục triển khai dự án nhà ở xã hội cần đơn giản hơn, tiết kiệm thời gian hơn; quy hoạch quỹ đất cần đúng, trúng vị trí có nhu cầu, tránh tình trạng chỗ thừa, nơi thiếu như thời gian qua...

Cần sửa đổi về đối tượng được mua nhà ở xã hội

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), nên học hỏi mô hình quỹ nhà ở của Hàn Quốc. Thực tế cho thấy, nước này đã và đang phát triển nhà ở xã hội rất tốt.

Từ góc độ địa phương, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết thành phố có khoảng 9 triệu người dân chính thức (có hộ khẩu, đăng ký thường trú). Tuy nhiên, đối tượng cư trú không có đăng ký thường trú khoảng 13,5 triệu người, trong đó khoảng 1,3 triệu người ở nhà trọ, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn. Trong khi đó, nguồn cung nhà ở xã hội rất ít, giá nhà lại tăng liên tục, các dự án mới vướng mắc pháp lý, vốn nên khó triển khai.

Về đối tượng mua nhà ở xã hội, ông Khiết nêu ý kiến, quy định hiện nay là đối tượng có thu nhập thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì không được mua nhà ở xã hội. Trong khi đó, một số cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang có thể có mức lương đến 11 triệu đồng/tháng nhưng không có nhà ở, họ không thể mua được nhà. Điều này phát sinh thực tế, nếu một lần phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì muôn đời không mua được nhà ở xã hội. Đây là vấn đề cần rà soát, sửa đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.