Trước đó, ĐH này đã chính thức nhận được quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 819-QĐ/TTg) do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 16.5. Tính đến thời điểm này, đây là trường ĐH độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên của VN.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho biết: Kể từ hôm nay, FUV chính thức được cấp giấy phép hoạt động tại TP.HCM. Sự kiện này càng có ý nghĩa to lớn trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới VN. Chúng tôi đánh giá, đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu lộ trình hướng tới tương lai.
“TP.HCM là một trung tâm hàng đầu của VN về nhiều mặt, trong đó có giáo dục. Chúng tôi có khát vọng to lớn là giành lại ngôi vị trung tâm tài chính, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Từ kinh nghiệm của Mỹ, chúng tôi biết chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khóa thực hiện mục tiêu trên. Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào FUV, đồng thời sẽ dành những điều kiện tốt nhất cho ĐH này để tạo ra những nhân lực có chất lượng không chỉ từ FUV mà còn phải thu hút “đàn chim” lớn từ khắp nơi đến với TP.HCM, kể cả “chim đại bàng” và “chim ưng””, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.
|
Theo quyết định này, FUV được phép tuyển sinh học viên cao học từ cuối năm nay. Đồng thời trường cũng sẽ triển khai công tác chuẩn bị xây dựng trụ sở chính của trường tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.
Đơn vị học thuật đầu tiên của FUV là khoa Chính sách công và quản lý Fulbright. Khoa này sẽ khai giảng vào mùa thi năm nay với sự kế thừa đội ngũ nhân lực và chương trình của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. Chương trình này trước đó đã được điều hành bởi Chương trình VN tại Trường Quản lý nhà nước John R.Kennedy (thuộc ĐH Harvard, Mỹ). Khoa này sẽ mở các khóa cao học và các chương trình đào tạo cao cấp về chính sách công, kinh doanh và những lĩnh vực liên quan. Đến năm 2018, FUV sẽ thành lập thêm khoa Khoa học xã hội và nhân văn Fulbright với chương trình giáo dục cử nhân 4 năm gồm các ngành: khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật và kỹ thuật.
Dự án FUV nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ VN và Mỹ. Đến nay Chính phủ Mỹ đã cam kết tài trợ hơn 20 triệu USD để hỗ trợ việc thành lập trường ĐH này, còn TP.HCM dành 25 ha đất thuộc Khu Công nghệ cao TP.HCM cho việc xây dựng trường (trong đó 15 ha xây dựng khuôn viên chính và 10 ha dành cho khu nhà ở và ký túc xã sinh viên). Vốn đăng ký ban đầu của FUV là 70 triệu USD, đến nay trường đã nhận được cam kết tài trợ bằng tiền mặt và các hình thức giá trị khác hơn 60 triệu USD. Tuy nhiên, bà Đàm Bích Thủy, Hiệu trưởng sáng lập FUV, cho biết ước tính trong 5 năm đầu tiên trường cần huy động tới 150 triệu USD.
Về đội ngũ giảng viên, FUV cho biết sẽ xây dựng một đội ngũ nhân lực quốc tế, trong đó đặc biệt chú trọng tuyển dụng những học giả và nhà khoa học người Việt đã được đào tạo quốc tế. Trường này còn sử dụng đòn bẩy công nghệ cao gồm những nền tảng học tập từ xa để giảm thiểu chi phí tối đa và cho phép giảng viên có thể giảng dạy cũng như hướng dẫn sinh viên ở những vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt, mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy chính nhưng FUV sẽ cấp bằng VN. Ở giai đoạn phát triển ổn định, trường sẽ có số lượng sinh viên từ 6.000-10.000.
Bình luận (0)