Bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra nhập khẩu
Tại cuộc họp, bà Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) (Bộ Y tế), cho biết Bộ đề xuất cắt giảm, bãi bỏ các thủ tục, điều kiện chung về ATTP gồm: điều kiện chung về sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thủ tục công bố sản phẩm thực phẩm, kiểm tra nhà nước về thực phẩm; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; quảng cáo thực phẩm và xác nhận kiến thức về ATTP.
Theo bà Nga, Bộ Y tế đề xuất bổ sung các đối tượng được miễn kiểm tra khi nhập khẩu, gồm: các sản phẩm mang theo người nhập cảnh để tiêu dùng cá nhân, quà tặng, sản phẩm quá cảnh, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; sản phẩm là mẫu thử nghiệm; sản phẩm trưng bày hội chợ triển lãm.
tin liên quan
Đơn giản hóa 22 thủ tục hành chính22 thủ tục hành chính trong 4 lĩnh vực được đơn giản hóa gồm xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản và xử phạt vi phạm hành chính.
“Còn với các sản phẩm thuộc diện kiểm tra sẽ chỉ kiểm tra 5% số lô hàng nhập khẩu, bớt được 95% số lô hàng cần kiểm tra trước khi nhập khẩu và không phải kiểm tra trên hồ sơ. Với đối tượng phải kiểm tra thường, sẽ chỉ kiểm tra trên hồ sơ trong thời gian không quá 3 ngày và ước tính thực tế sẽ chỉ 1 - 1,5 ngày”, bà Nga nói.
Giảm 11/14 thủ tục cấp giấy xác nhận quảng cáo
Bộ Y tế cũng sẽ cắt giảm 11/14 thủ tục cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo gồm: thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ trong trường hợp bị mất hoặc hư hỏng (đối với cấp lại).
Theo bà Nga, vấn đề phân cấp trong cấp phép sẽ được đẩy mạnh hơn, cụ thể: theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP hiện hành quy định giao Sở Y tế quản lý ATTP đối với các sản phẩm sản xuất trong nước của các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn. Với dự thảo sửa đổi Nghị định 38 sẽ thực hiện phân cấp triệt để cho địa phương, bao gồm cả thực phẩm nhập khẩu.
Bà Nga cũng thừa nhận có những trường hợp hồ sơ bị kéo dài hơn so với quy định, nguyên nhân có thể do hệ thống phần mềm. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục đã chấn chỉnh nội bộ, yêu cầu các chuyên viên xử lý hồ sơ chỉ được ra công văn 1 lần với doanh nghiệp trong trường hợp hồ sơ cần chỉnh sửa; không chấp nhận “hành” doanh nghiệp, yêu cầu sửa đổi nhiều lần.
Trả lời Báo Thanh Niên về nạn “cò” làm giúp thủ tục nhưng lấy phí cao, gây tốn kém cho các đơn vị, bà Nga cam kết: “Trong lúc các thủ tục hành chính chờ được cắt giảm, nếu các đơn vị có vướng mắc về thủ tục đề nghị gọi điện trực tiếp cho phó cục trưởng để được hướng dẫn và giải quyết, số điện thoại được đăng tải trên website của Cục ATTP”.
tin liên quan
Phát hiện số lượng lớn thực phẩm chức năng và thuốc tân dược không rõ nguồn gốcLực lượng chức năng phát hiện có 24 loại thực phẩm chức năng và thuốc tân dược không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Tiết kiệm 1.000 tỉ đồng/năm
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), nói việc cắt giảm thủ tục hành chính chung được Bộ Y tế thực hiện từ năm 2010, ước tiết kiệm được khoảng 1.000 tỉ đồng/năm và hằng năm Bộ Y tế vẫn thường xuyên cập nhật đơn giản hóa các thủ tục. Riêng trong năm 2015, việc rà soát giảm thiểu các thủ tục về khám chữa bệnh ước đã tiết kiệm được 300 tỉ đồng.
Ông Quang cho hay việc giảm các thủ tục hành chính vẫn tiếp tục trong các năm tới. Sau 7 năm cắt giảm thủ tục hành chính, hiện nay vẫn còn 564 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực Bộ Y tế quản lý (khám chữa bệnh, dược, mỹ phẩm, ATTP và dinh dưỡng; trang thiết bị và công trình y tế; giám định y khoa, tài chính y tế...), trong đó tại cấp Bộ trực tiếp thực hiện 288 thủ tục.
Đề xuất giao truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho Ban Quản lý ATTP
Chiều 15.11, Ban Quản lý ATTP TP.HCM họp với 24 quận huyện về công tác quản lý ATTP trên địa bàn. PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP, cho biết ban sẽ đề xuất giao việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm về cho ban để quản lý. Ban sẽ có văn bản chính thức gửi UBND TP và sẽ lên kế hoạch làm đúng trọng tâm, trọng điểm. Vấn đề này cũng được Sở Công thương TP đồng thuận.
Bà Lan đề nghị các quận huyện đẩy mạnh công tác cấp phép (giấy đủ điều kiện ATTP) cho các sạp trong chợ đầu mối và các chợ truyền thống. Bà Lan cho rằng hiện toàn TP chỉ có Q.6 làm tốt việc này, đã cấp phép được 95%, còn các quận huyện khác thì chưa làm rốt ráo. Theo quy định, giấy phép cho doanh nghiệp thì Ban Quản lý ATTP cấp, còn hộ cá thể thì các quận huyện cấp.
Duy Tính
|
Bình luận (0)