Đa dạng loại hình và chất liệu
Dưới thời Nguyễn, nghệ thuật chạm khắc gỗ đạt trình độ đỉnh cao, nhiều sản phẩm được tạo tác mang tính nghệ thuật với phong cách đăng đối hài hòa, đường nét tinh xảo. Sự phát triển của kỹ thuật sơn son thếp vàng, chạm khắc, cẩn khảm kết hợp các chất liệu như ngà, vỏ trai, tre, gỗ… đã tạo nên nhiều tác phẩm sinh động, mang tính mỹ thuật cao. Các tác phẩm này được giới thiệu tại triển lãm Thanh ngoạn sẽ gây bất ngờ cho người xem. Trong đó, các đề tài trang trí thường là đồ án dây lá hóa rồng phượng, thảo mộc… mang tính biểu trưng về những lời chúc tốt đẹp trong những ngày xuân: chúc phúc, chúc thọ, cầu mong cuộc sống viên mãn hạnh phúc. Ngoài ra, đề tài trang trí còn nói đến điển tích xưa với những ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc. Hiện vật chạm khắc gỗ xuất hiện trưng bày chuyên đề này bao gồm những loại hình như khay, hộp hình khối chữ nhật, khối lập phương, hộp tròn với nhiều công dụng khác nhau như dùng làm khay trà, khay mứt, hoặc đựng trang sức…
Khay chạm ngà thế kỷ 19 (triều Nguyễn) |
HOÀNG TUẤN |
Các triều vua thường có nhiều hình thức ban thưởng cho người có công hoặc đóng góp quan trọng cho đất nước, có thể là chức tước, ruộng đất, nô bộc… nhưng cũng có những loại hình chỉ biểu tượng cho vinh dự như: Đại tiền (tiền thưởng), kim bội, kim khánh, kim bài… và các bộ sưu tập của Thân Việt Hùng chú tâm vào những loại cổ vật này.
Pháp lam có xuất xứ từ phương Tây được những người thợ Trung Quốc tiếp thu, cải biến và truyền bá sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam cũng được các nhà sưu tập trẻ quan tâm. Vào tháng 11.1827, vua Minh Mạng cho đặt Tượng cục Pháp lam để chế tác đồ pháp lam cho cung đình. Sản phẩm pháp lam bao gồm các loại hình đồ gia dụng, đồ thờ cúng và trang trí kiến trúc nội, ngoại thất các cung điện. Pháp lam thời Nguyễn màu sắc tươi sáng, hoa văn đa dạng như long, phụng, hoa lá, chữ Thọ hoặc những điển tích xưa. Trong sưu tập của Thân Việt Hùng có nhiều loại hình chạm khắc gỗ, gốm sứ Việt Nam qua các thời và dòng gốm đặt hàng.
Tín ký (con dấu riêng) bằng ngà thế kỷ 19 (triều Nguyễn) |
Chủ đề sưu tập của Nguyễn Thị Tuyết tập trung về gốm sứ và đồ cung đình Việt Nam: Phẩm phục, đồ bằng các chất liệu kim loại quý… Đặc biệt trong đó là nhóm gốm Việt Nam đặt hàng Trung Quốc sản xuất. Dòng gốm này thường có những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn minh họa và hiệu đề. Đồ án hoa văn thường là rồng, phượng, long mã, liên áp, liên giải, mai điểu, mai cài thọ, mây…
Mảng trang phục cung đình thể hiện những chế định về mặt luật pháp để phân biệt địa vị, quyền lực trong đời sống xã hội cũng được các nhà sưu tập giới thiệu. Sự lộng lẫy của trang phục cung đình không chỉ đánh thức giác quan thẩm mỹ mà còn là sự kết hợp của nhiều loại hình kỹ thuật thủ công tinh xảo như dệt, may, thêu, đính kết… như chiếc áo lập lĩnh trong bộ sưu tập của Huỳnh Chí Thanh từng thuộc về Đức Thánh Cung (Phụ Thiên Thuần hoàng hậu) mẹ của vua Khải Định. Áo được thêu bằng chỉ vàng với những hoa văn đặc trưng như phụng, mây, thủy ba…
Bình pháp lam thế kỷ 19 (triều Nguyễn) |
NGười trẻ lưu giữ di sản của tiền nhân
Quá trình đến với nghề sưu tầm cổ ngoạn của bốn nhà sưu tập trẻ hoàn toàn không giống nhau, có người từ một sự tình cờ tiếp cận qua báo chí, có người ấp ủ ước mơ từ thuở bé, có người được hun đúc từ truyền thống gia đình. Vì vậy, mỗi người tự đặt ra tiêu chí, nguyên tắc, cũng như quan niệm sưu tầm hiện vật cho riêng mình. Thân Việt Hùng vun đắp niềm đam mê từ khi xem những món đồ được trang trí trong những bộ phim cổ trang và sự giao lưu học hỏi từ những sưu tập tư nhân giàu kinh nghiệm, với mong muốn "ôn cố - tri tân" để hiểu hơn về lịch sử văn hóa dân tộc nên những hiện vật trong sưu tập của bạn cũng mang hơi thở văn hóa Việt nhiều hơn, trong đó dành sự quan tâm đặc biệt cho những loại hình đồ ban thưởng.
Nếu nguyên tắc trong việc sưu tầm của Huỳnh Chí Thanh là “Thanh - Nhã - Lai - Toàn” (nghĩa là chọn món đồ cần phải đẹp, có chất, trang nhã, lai lịch rõ ràng và lành lặn) thì Nguyễn Đông Nhựt dành sự quan tâm đến những loại hình đồ trang sức, bởi anh đến với nghề sưu tầm từ truyền thống gia đình khi ba anh cũng là một sưu tập tư nhân giàu kinh nghiệm. Hiện vật trong sưu tập của Nguyễn Đông Nhựt thiên về những loại hình thuộc các nền văn hóa cổ của Việt Nam như văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đồng Nai… Còn Nguyễn Thị Tuyết thì thích sự chọn lọc cẩn thận, tìm hiểu thật kỹ từng món và phải đảm bảo các yếu tố “Cổ - Kỳ - Mỹ” với những giá trị thực sự.
Đĩa sứ vẽ Long Vân,gốm Việt Nam đặt hàng Trung Quốc thế kỷ 19 |
“Dù xuất phát điểm, sở thích sưu tầm khác nhau, nhưng họ đều có chung một niềm đam mê và cùng đồng hành trên con đường bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Chuyên đề trưng bày Thanh ngoạn (diễn ra đến ngày 30.3 tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1) như một sân chơi, nơi hội tụ của bốn nhà sưu tập trẻ lần đầu tiên ra mắt giới thiệu những hiện vật tiêu biểu mà họ đang sở hữu. Không chỉ kể lại những câu chuyện lịch sử - văn hóa còn ẩn chứa nhiều điều thú vị qua từng cổ vật phủ màu thời gian mà điều đáng quý đó là niềm đam mê sưu tầm, sự nhiệt huyết của những người trẻ trong hành trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc”, TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, chia sẻ.
Bình luận (0)