Thanh Niên 35 năm phát hành số đầu tiên: Từ cậu bé mồ côi đến sinh viên trường y

16/12/2020 06:00 GMT+7

Với sự hỗ trợ của Thanh Niên và bằng nỗ lực tự thân, cậu bé mồ côi ngày nào đã là sinh viên năm cuối của Đại học Y Dược Huế...

Hơn 10 năm trước, hoàn cảnh tai ương nghiệt ngã đã khiến cậu bé Nguyễn Đức Quang Nhật (H.Gio Linh, Quảng Trị) lâm cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Với sự hỗ trợ của Thanh Niên và bằng nỗ lực tự thân, nay Nhật đã là sinh viên năm cuối của Đại học Y Dược Huế.
1. Giở lại e-mail một ngày tháng 11 năm 2016, Nhật viết: “Niềm hạnh phúc của một đứa trẻ là được cha mẹ thương yêu và chăm lo cho mình trong cuộc sống. Nhưng cũng biết bao số phận của những đứa trẻ không biết ba mẹ mình là ai hay những đứa bé không may mất đi cha, mẹ trong cuộc đời. Và con cũng là một trong những số phận đó. Năm 2002, ba con qua đời do bị tai nạn giao thông, một mình mẹ phải bươn chải để nuôi 4 chị em. Lúc ba mất con chỉ mới vào lớp một, lúc đó con chưa ý thức được sự khó khăn về con đường học vấn phía trước, khi chỉ có mẹ là người trụ cột duy nhất. Vào năm 2009, mẹ con qua đời do căn bệnh ung thư quái ác. Lúc này con là cậu bé 12 tuổi, ngồi bên quan tài của mẹ mà không rơi được giọt nước mắt, khi nhìn chị đầu bị tàn tật, em út thì còn đang ngơ ngác ngủ bên cạnh!”.
Từ cậu bé mồ côi  đến sinh viên trường y

Sinh viên năm cuối Nguyễn Đức Quang Nhật

ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Nhưng rồi, thấu cảm được hoàn cảnh của một cậu bé dù đang còn nhỏ nhưng có ý chí học tập, Báo Thanh Niên đã đăng bài về trường hợp này, kêu gọi bạn đọc giúp đỡ. Sau đó, ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Võng xếp Duy Lợi, và nhiều bạn đọc đã chia sẻ, gom góp được hơn 60 triệu đồng (vào thời điểm ấy số tiền này khá lớn), đến tận nơi trao cho mấy chị em Nhật, để vượt qua ngày tháng gieo neo, cơ cực. Và điều cốt yếu, là giúp chị em Nhật không bỏ học giữa chừng, theo đuổi niềm đam mê học tập, vốn thừa hưởng từ gien của bố mình, một thầy giáo dạy toán, và đã từng là một học sinh chuyên toán!
Chuyến đi về miền gió Lào ấy, nhà báo Phan Bá Chức đã trải nỗi lòng với người viết, cũng là tác giả bài báo kêu gọi sự từ tâm của bạn đọc: “Gia đình quá nghèo cực, bà ngoại và các cháu nhận được giúp đỡ của anh Lợi và bạn đọc, hy vọng rằng sẽ vượt qua được đận khó khăn này”.
2. Rồi mấy chị em Nhật vượt qua được thật. Người chị đầu của Nhật mấy năm sau đó học ra trường, làm chân kế toán cho một công ty ở TP.Đông Hà. Người chị thứ hai vốn khuyết tật. Còn Nhật thì với sự gắng sức và học giỏi, đã thi đậu vào Trường đại học Y Dược Huế, học chuyên ngành đa khoa. Dõi theo bước chân cậu sinh viên trường y có dáng cao lêu nghêu, nét mặt rắn rỏi, cương nghị, Báo Thanh Niên tiếp tục vận động cho em có được một suất học bổng hằng năm, để trang trải học phí, thực hiện được ước nguyện làm bác sĩ cứu người như em từng nói. Và một lần nữa, ông Lâm Tấn Lợi lại trải lòng từ tâm, quyết định tài trợ cho Nhật ăn học mỗi năm 12 triệu đồng, cho đến lúc ra trường. Gửi cho tôi mấy dòng lúc đang là sinh viên năm 2, Nhật viết: “Bảy năm qua, được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, như một sức mạnh để con quyết tâm học hành và thực hiện ước mơ trở thành một bác sĩ trong tương lai. Con đã cố gắng học hành chăm chỉ, ngoài giờ lên lớp con đã đi làm thêm nhiều nơi, phụ gói nem chả để kiếm thêm thu nhập giúp đỡ thêm cho bà ngoại... Nhờ sự giúp đỡ của các cô, chú ở Báo Thanh Niên, đã viết bài kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ, nên con có điều kiện học tập tốt hơn”.
Bây giờ thì Nhật đã là sinh viên năm cuối Trường đại học y dược, em vẫn tất bật với những buổi thực tập, mà thực chất là trực tiếp được phép phụ giúp hành nghề y trong đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, cũng là thành viên của các nhóm, câu lạc bộ thiện nguyện sinh viên trong các đợt quê nhà miền Trung bị bão lụt. Dạo qua Facebook của Nhật, tôi tìm thấy một dòng status vỏn vẹn bốn chữ, như vừa hoài niệm tuổi thơ, vừa tự tin khẳng định mình đã vượt qua những ngày tháng giông bão, đó là “đứa bé vĩnh cửu” kèm với bức hình cậu thanh niên 23 tuổi chững chạc, ngồi giữa một mùa thu xao xác lá rơi xứ Huế!
3. Giờ đây, qua hơn 10 năm, đủ để một cậu bé lúc còn mặc quần xà-lỏn đứng ngơ ngác nhìn những “vị-khách đặc-biệt” ở Báo Thanh Niên và nhà hảo tâm Lâm Tấn Lợi đến thăm nhà năm nọ, lớn lên và tiếp tục ấp ủ niềm say mê làm “từ mẫu” giúp đời. Nguyễn Đức Quang Nhật nói với tôi qua điện thoại ngày 10.12 vừa qua rằng em đang tập trung học để thi vào một chương trình bác sĩ nội trú, nếu đậu sẽ học tiếp 3 năm, sau khi hoàn thành chương trình y khoa. “Con sẽ hết sức cố gắng, để không phụ lòng mong mỏi của mọi người từng bao dung giúp đỡ con thuở còn rất khó khăn. Nguyện ước ấy, cũng là tâm niệm bao năm con ấp ủ. Và con luôn hy vọng...”.
Và tôi biết, khi Nhật kể đứa em út nay đang học lớp 9, tên là Nguyễn Đức Quang Ánh, cũng sẽ rất vui và có lẽ sau này sẽ nhận được sự tiếp sức của Nhật, để con đường học vấn của Quang Ánh được dễ dàng hơn, khởi đi từ sự tiếp nối bằng sợi dây liên kết giúp đỡ của Báo Thanh Niên và bạn đọc bắt đầu từ năm 2009. Hành trình ấy, như một dòng chảy bất tận về tôn chỉ nhân ái của một tờ báo, nay vừa tròn 35 năm!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.