Thanh Niên thay đổi đời tôi: Huệ làm du lịch

17/12/2020 05:55 GMT+7

Gần 10 năm trước, năm 2011, câu chuyện về một ngư phủ tên Bùi Huệ ở đảo Bé thuộc đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị liệt hai chân sau một lần đi lặn biển ở Trường Sa, phải nhờ hai chú chó kéo xe, được đăng trên Thanh Niên đã gây xúc động mạnh trong lòng bạn đọc.

Mong có một chiếc xe lăn mới luôn đau đáu trong lòng anh. Và rồi Huệ không chỉ có chiếc xe lăn mới mà còn có cả một ngôi nhà được tân trang nhờ tấm lòng của bạn đọc Báo Thanh Niên.

Nhớ giấc mơ năm ấy

Bùi Huệ (45 tuổi) sinh ra và lớn lên ở đảo Bé, cách đảo Lớn của Lý Sơn chừng 5 hải lý nhưng đây là hòn đảo vô cùng khắc nghiệt vì không có nước ngọt. Mức độ giàu nghèo của 100 gia đình ở hòn đảo này được đo bằng số lượng... các bể chứa nước trời! Huệ có đến 10 anh chị em nhưng đa số đã lập gia đình và ra riêng, nên anh trở thành trụ cột. Nghề giã cào đã sớm đưa chàng trai mới 16 tuổi ngang dọc khắp Hoàng Sa, nhưng để nuôi đủ 5 miệng ăn gồm cha mẹ cùng hai đứa em, Huệ không cáng đáng nổi. Đang lúc bức bí thì có bạn chài bên đảo Lớn rủ đi lặn biển để bắt hải sâm ngoài Trường Sa. Hải sâm là loài hải sản quý hiếm, mỗi con có thể bán được cả chỉ vàng. Đi một chuyến lặn biển, may mắn có khi kiếm cả cây vàng. Là nghe đồn vậy nhưng đó như là lối thoát hiểm của anh thanh niên tên Huệ này.
Đi chưa được một tuần thì hung tin báo về cho biết Huệ bị đột quỵ trong khi lặn biển. Giã cào thì ở trên tàu nhưng bắt hải sâm thì phải lặn ở độ sâu trên 50 m, lại lặn “chay” chứ không có quần áo chuyên dụng. Lần đầu đi lặn kiểu đó, cậy vào sức trẻ, đang ở độ sâu 50 - 70 m trồi lên mặt nước đột ngột nên Huệ bị tai biến nặng. Sau 3 tháng chạy chữa khắp nơi, cha mẹ Huệ phải bán tất cả những gì có thể để cứu con nhưng đôi chân của Huệ gần như không còn cảm giác nữa. Anh biết cuộc đời đã đặt dấu chấm hết cho mình. Năm đó (2001), Huệ mới 26 tuổi nhưng đã sớm trở thành gánh nặng cho gia đình vốn thiếu trước hụt sau.
Ở trong nhà mãi cũng bức bí, Huệ muốn ra bến đò ở đảo Bé để “đỡ nhớ biển”. Nhưng đôi chân như thế, làm sao đi đâu được. Có người bên đảo Lớn cho anh chiếc xe lăn để anh tự lăn đi. Nhưng đôi tay lực lưỡng của anh dân chài dạo nào cũng không còn “vâng lời” nữa. Huệ lại xoay qua cách khác: xin hai chú chó về để “huấn luyện” nó kéo anh đi trên chiếc xe lăn ấy. Con Nô và con Phao (tên hai chú chó) đã thành hai cận vệ trung thành, chuyên kéo ông chủ tật nguyền ra bến đò mỗi chiều để “tiếp xúc với thế giới loài người”. Đảo Bé dạo ấy chỉ có 100 ngôi nhà. Nhà Huệ lại ở chỗ khuất nẻo nhất nên nhiều hôm, xe lăn qua Hòn Đụn, một thắng cảnh nổi tiếng của đảo Bé, bị ngã chỏng vó, hai chú chó chỉ còn biết nhìn chủ... kêu trời! Chiếc xe sau nhiều năm lăn trên đường làng đầy cát đã đến thời cũ nát. Ngôi nhà của cha mẹ anh cũng không còn cấp để mà xuống nữa. Một chiếc xe lăn mới, một ngôi nhà được sửa sang lại cho đỡ dột ướt mỗi lúc mưa về, đã ở ngoài tầm với của Huệ. Và Huệ đã mơ...
Thanh Niên thay đổi đời tôi: Huệ làm du lịch1

... Và năm 2011, anh cùng hai con chó Nô và Phao

ẢNH: TRẦN ĐĂNG

Món quà bất ngờ từ Báo Thanh Niên

Được hai chú chó trợ lực, Huệ bắt đầu “kinh doanh”: mỗi chiều, anh được chúng kéo xe ra bến đò đảo Bé để đặt hàng và hỏi mua số cua đá do ngư dân đi bắt về bán lại. Huệ biến phần đất gần 100 m2 phía sau nhà anh thành “trang trại nuôi cua đá”. Những con cua đá mua về được Huệ vỗ béo một thời gian rồi bán. Thế nhưng, chiếc xe lăn đã đến lúc không còn chiều được chủ của nó nữa. Ngôi nhà cũng không còn che nắng che mưa cho chủ nhân như trước được nữa. Huệ đành buông xuôi, những tưởng mọi cánh cửa cuộc đời từ đây khép lại với chàng trai tật nguyền. Thế rồi, hoàn cảnh ấy của anh được đưa lên báo Thanh Niên. Tác giả bài báo, nhà báo Trần Thị Duyên, phóng viên Thanh Niên tại Quy Nhơn, nhớ lại: “Chô cha, để hỏi thông tin về vụ nuôi cua đá của anh Huệ mà phải mất... nửa tiếng đó anh. Giọng Lý Sơn em nghe không được mà ảnh cũng không nghe được giọng Bình Định của em luôn!”.
Dù cả cô phóng viên và anh Bùi Huệ “khó nghe giọng của nhau”, song bài viết về hoàn cảnh của Huệ thì cũng đã lên báo. Câu chuyện về một thanh niên từng ngang dọc Hoàng Sa, Trường Sa bị tai nạn lao động, giờ phải nhờ hai chú chó “kéo xe” đã lay thức nhiều người. 40 triệu là số tiền bạn đọc giúp Huệ, mà theo anh nói “có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ”. Hôm đó, Báo Thanh Niên tổ chức tặng quà của bạn đọc giúp cho những hoàn cảnh ngặt nghèo ở khu vực miền Trung tại Quy Nhơn. Huệ cũng được phần nhưng anh là trường hợp duy nhất không trực tiếp đi nhận được mà nhờ người em gái của anh. Anh em làm Báo Thanh Niên của Văn phòng Bình Định khá bất ngờ với món quà quê Huệ nhờ em gái mang theo để tặng: 3 quả dưa hấu thuộc họ organic chính hiệu vì không phân, không thuốc, không cả nước tưới được mẹ Huệ, cụ bà Nguyễn Thị Tề, năm ấy đã 76 tuổi, trồng “chay” trên đảo Bé và 2 kg cua đá đã được Huệ vỗ béo đến ngày “xuất chuồng”. Anh Huỳnh Thúc Giáp, Trưởng văn phòng Báo Thanh Niên tại Bình Định, nói rằng chưa bao giờ các anh ăn một thứ dưa hấu ngọt lành đến vậy. Có lẽ vì nó chứa cả một sự ân tình của người dân quê chất phác nơi đảo Bé và cả tấm lòng của Huệ!

Vượt khó ngoạn mục

Năm 2014, điện lưới quốc gia đã vượt sóng ra đảo Lý Sơn, cũng là lúc hòn đảo này đón một lượng khách du lịch “chưa từng có”. Bùi Huệ đã nhìn thấy cơ hội “thoát hiểm” đang đến với đời anh. Ngôi nhà được sửa sang lại, khỏi dột nắng dột mưa là yên một bề; gia cố lại “trang trại cua đá” là yên thêm một bề nữa, Huệ bắt đầu nâng cấp chiếc xe chó kéo ấy lên thành xe “túc túc” để đưa đón khách từ bến đò đảo Bé ra bãi tắm Tóc Tiên. Cả dòng họ Bùi của đảo Bé đã “năng động” lên cùng với Huệ. Người tân trang lại phòng ốc để biến ngôi nhà bên bờ sóng của họ thành homestay xinh xắn; người sắm thêm thuyền thúng, sơn xanh đỏ tím vàng để đưa khách lênh đênh cùng sóng quanh bãi Tóc Tiên; lại có người thiết kế cây cầu treo độc đáo bắc từ ghềnh đá này sang ghềnh đá khác để nam thanh nữ tú ra đây “chớp bóng nuôi phây”... Riêng Huệ chỉ làm tài xế đưa đón khách. Mỗi cuốc như vậy anh chở 3 người từ bến tàu của đảo Bé ra bất cứ chỗ nào mà xe lăn bánh được trên hòn đảo này. Ở đảo Bé, không phải chỉ mình Huệ làm tài xế nhưng hầu như tất cả các bác tài đều nhường phần “thơm thảo” nhất cho anh mỗi khi có khách. Huệ cho biết ngày nào đông khách cũng kiếm được 300.000 đồng, còn bình thường thì 200.000 đồng. “Lý Sơn làm du lịch là cơ hội trời cho nhưng phải thú thật điều này: 40 triệu của bạn đọc Thanh Niên giúp tôi dạo ấy như một “liều thuốc hồi dương” để tôi có thể trụ được 3 năm sau đó, mà đón lấy cơ hội này nên suốt đời tôi mang ơn nghĩa cử ấy”, Huệ thổ lộ.
“Hai bạn Nô và Phao ngày ấy, giờ còn kéo xe cho chủ nữa không?”, tôi hỏi thêm tình hình của Huệ hiện nay. Anh nói rằng hai chú chó ấy đã mất cách đây vài năm rồi, giờ có hai con khác thay thế, nhưng chúng không phải kéo xe cho Huệ mỗi chiều ra bến đò mua cua đá như dạo trước nữa. “Dịch Covid-19 khiến toàn bộ hoạt động đưa đón khách gần như “đứng bánh”. Mới đón khách trở lại hơn tháng nay nhưng hai cơn bão số 9 và 13 quét qua đảo Bé khiến chúng tôi ngã quỵ luôn rồi”, Huệ nói như lạc giọng.
Tôi chỉ còn biết động viên anh bằng một câu quen thuộc: “Sau bão giông, trời sẽ sáng lại thôi”. Tôi nghe Huệ cười vang trong máy như đã từng thấy anh cười ngay trong thời khắc khó khăn nhất của đời anh!
Lý Sơn làm du lịch là cơ hội trời cho nhưng phải thú thật điều này: 40 triệu của bạn đọc Thanh Niên giúp tôi dạo ấy như một “liều thuốc hồi dương” để tôi có thể trụ được 3 năm sau đó, mà đón lấy cơ hội này nên suốt đời tôi mang ơn nghĩa cử ấy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.