Số đầu tiên của Thanh Niên chính thức ra đời 3.1.1986, nhưng để ra được số báo này là một quá trình kéo dài hơn 4 năm.
Năm 1982, khi đó tôi còn là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, anh Sáu Phong (nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết) là Bí thư T.Ư Đoàn; anh Lê Quang Vịnh, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN và anh Huỳnh Tấn Mẫm, Trưởng ban Công tác Mặt trận thanh niên đã đưa ra đề xuất nâng cấp tờ tin nội bộ của Hội LHTN VN thành Tuần tin Thanh Niên. Lúc ấy, trong Ban Bí thư T.Ư Đoàn có rất nhiều ý kiến không đồng tình, cho rằng Đoàn đã có tờ báo Tiền Phong bây giờ thêm tờ Thanh Niên sẽ chồng chéo, trùng lắp nhau. Thêm vấn đề nữa, mọi người phân vân, tờ báo đặt ở TP.HCM có quản lý được không, chỉ đạo được không, định hướng có nắm được không, nhỡ sai sót thì thế nào? Ban Bí thư T.Ư Đoàn phải mất thời gian khá dài thảo luận để đi đến thống nhất. Tiếp đến trình công văn sang Ban Tuyên huấn T.Ư và Bộ Văn hóa xin ý kiến. Các đồng chí lãnh đạo ở bên đó cũng có thắc mắc tương tự và lo ngại không có lợi trong chỉ đạo chung. Chúng tôi trao đi đổi lại rằng, phong trào thanh niên đang phát triển cần có tiếng nói riêng, cần có truyền thông. Qua nhiều thủ tục, công đoạn, cuối cùng các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên huấn và Bộ Văn hóa cũng đồng ý. Trên cơ sở đó, tôi ký quyết định thành lập Tuần tin Thanh Niên.
Về nhân sự, Ban Bí thư T.Ư Đoàn quyết định giao cho đồng chí Huỳnh Tấn Mẫm, Tổng thư ký Hội LHTN VN, Trưởng ban Công tác Mặt trận thanh niên, làm Tổng biên tập tờ báo. Giao cho đồng chí Nguyễn Minh Triết và Lê Quang Vịnh trực tiếp chỉ đạo. Bộ máy nhân sự không có bao nhiêu nên phải lấy một vài anh em làm kiêm nhiệm tờ tin nội bộ chuyển sang. Anh Mẫm có báo cáo tôi xin anh Nguyễn Công Khế khi đó ở báo Phụ Nữ về. Sau một thời gian, anh Khế được bổ sung làm Phó tổng biên tập. Và sau đó được bổ nhiệm làm Tổng biên tập. Khó khăn ban đầu vô cùng lớn, T.Ư Đoàn chủ yếu hỗ trợ về mặt chỉ đạo, tinh thần, còn về kinh phí ngay từ đầu báo đã phải tự thân vận động.
Mong muốn ban đầu của chúng tôi, tờ báo là phương tiện quan trọng của Đoàn - Hội để xâm nhập sâu vào đối tượng là thanh niên không phải đoàn viên và các đối tượng khác. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng để đến với thanh niên gần gũi hơn, nắm được tâm tư nguyện vọng của thanh niên; đồng thời phản ánh những vấn đề nguyện vọng của thanh niên.
30 năm qua, tờ báo đã đạt được yêu cầu đề ra. Bên cạnh những tờ báo Tuổi Trẻ sắc sảo, Tiền Phong lão luyện, Báo Thanh Niên với độ năng động cao đã tạo nên sức sống mới, sắc thái mới cho làng báo chí. Nhiều bài viết có góc cạnh, sắc sảo và có độ phát hiện không những được dư luận xã hội đánh giá cao mà kể cả những lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm.
Là tờ báo năng động, ý thức chính trị tốt, tuân thủ đúng nguyên tắc chỉ đạo đảm bảo tính tư tưởng, nhưng mặt khác Báo Thanh Niên cũng là tờ báo khơi gợi tinh thần tương thân tương ái, các hoạt động xã hội làm cho đời sống xã hội tốt hơn như các chương trình từ thiện đến với địa bàn khó khăn, biên giới hải đảo; khuyến khích học tập, khuyến học khuyến tài thông qua chương trình học bổng Nguyễn Thái Bình. Ngoài ra, Báo Thanh Niên vươn ra tổ chức những giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên, điển hình là U.21 quốc tế Báo Thanh Niên, chương trình Duyên dáng VN đều được đánh giá tốt. Thành công của tờ báo trước hết ở những người khởi xướng ban đầu và những người tổ chức thực hiện có hiệu quả trong thời gian dài là anh Nguyễn Công Khế. Đến nay những người nối tiếp vẫn tiếp tục truyền thống đó.
Tinh thần tự lực cánh sinh, đi từ không đến có để có ngày hôm nay ngày càng phát triển, Thanh Niên chính là một điển hình của sự năng động, sáng tạo. Tôi có niềm tin với tờ báo hơn 30 năm qua, nay hoàn toàn tin tưởng tờ báo sẽ tiếp tục phát triển tốt hơn nữa, chất lượng hơn, hiệu quả cao hơn, đứng vững trong đời sống xã hội trong thời kỳ mới. Bên cạnh những nội dung đã làm tốt, tới đây phải làm tốt hơn nữa trong việc tuyên truyền cổ động thanh niên, giáo dục lý tưởng, lối sống cho thanh niên, khuyến khích thanh niên làm ăn kinh tế, làm giàu, biết sống vì mọi người…
Bình luận (0)